Vi nhựa cản trở quá trình quang hợp của thực vật, làm gia tăng nguy cơ nạn đói trên toàn cầu

17/03/2025

Theo một đánh giá mới, tình trạng ô nhiễm do vi nhựa đang làm giảm đáng kể nguồn cung cấp thực phẩm do nó làm hỏng khả năng quang hợp của thực vật.

 

Phân tích ước tính rằng từ 4% đến 14% các loại cây lương thực chính trên thế giới là lúa mì, gạo và ngô đang bị thiệt hại do các hạt nhựa lan tràn. Các nhà khoa học cho biết, tình hình có thể còn tệ hơn nữa khi ngày càng có nhiều vi nhựa tràn vào môi trường.

Khoảng 700 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói vào năm 2022. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, ô nhiễm vi nhựa có thể làm tăng số người có nguy cơ chết đói thêm 400 triệu người trong hai thập kỷ tới, gọi đó là “kịch bản đáng báo động” đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Vi nhựa gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thực vật – Nguồn ảnh: Internet.

Các nhà nghiên cứu cho biết, tổn thất mùa màng hàng năm do vi nhựa có thể có quy mô tương tự như những tổn thất do khủng hoảng khí hậu trong những thập kỷ gần đây. Thế giới hiện đang phải đối mặt với thách thức sản xuất đủ lương thực một cách bền vững, khi dân số toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 10 tỷ vào khoảng năm 2058.

Theo tờ The Guardian, vi nhựa bị phân hủy từ lượng lớn rác thải đổ ra môi trường. Chúng cản trở thực vật khai thác ánh sáng mặt trời để phát triển theo nhiều cách, từ làm hỏng đất đến mang theo hóa chất độc hại. Các hạt đã xâm nhập vào toàn bộ hành tinh, từ đỉnh Everest đến đại dương sâu nhất.

“Nhân loại đã nỗ lực tăng sản lượng lương thực để nuôi sống dân số ngày càng tăng nhưng những nỗ lực đang diễn ra này hiện đang bị đe dọa bởi ô nhiễm nhựa”, Giáo sư Huan Zhong đứng đầu nghiên cứu, tại Đại học Nam Kinh ở Trung Quốc cho biết.

“Những phát hiện này nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cắt giảm ô nhiễm để bảo vệ nguồn cung cấp lương thực toàn cầu trước cuộc khủng hoảng nhựa đang gia tăng” – giáo sư Zhong cho biết.

Cơ thể con người đã bị ô nhiễm bởi vi nhựa, tiêu thụ qua thực phẩm và nước. Chúng đã được tìm thấy trong máu, não, sữa mẹ, nhau thai và tủy xương. Tác động đến sức khỏe con người phần lớn chưa được biết, nhưng chúng có liên quan đến đột quỵ và đau tim.

Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, đã tổng hợp hơn 3.000 quan sát về tác động của vi nhựa lên thực vật, trích từ 157 nghiên cứu.

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, vi nhựa có thể gây hại cho cây theo nhiều cách. Các hạt gây ô nhiễm có thể chặn ánh sáng mặt trời chiếu tới lá và làm hỏng đất mà cây phụ thuộc vào.

Khi được cây hấp thụ, vi nhựa có thể chặn các kênh dinh dưỡng và nước, tạo ra các phân tử không ổn định gây hại cho tế bào và giải phóng các hóa chất độc hại, có thể làm giảm mức độ sắc tố quang hợp diệp lục.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, vi nhựa làm giảm quá trình quang hợp của thực vật trên cạn khoảng 12% và khoảng 7% ở tảo biển, là nền tảng của chuỗi thức ăn đại dương. Sau đó, họ ngoại suy dữ liệu này để tính toán sự suy giảm trong quá trình phát triển của lúa mì, lúa gạo và ngô cũng như trong sản xuất cá và hải sản.

Zhong và các đồng nghiệp của ông cho biết: “Điều quan trọng là những tác động tiêu cực này rất có thể sẽ kéo dài từ an ninh lương thực đến sức khỏe của hành tinh”.

Giảm quang hợp do vi nhựa cũng có thể cắt giảm lượng CO2 làm nóng khí hậu được lấy từ khí quyển bởi sự nở hoa của thực vật phù du khổng lồ trong các đại dương của Trái đất và làm mất cân bằng các hệ sinh thái khác.

 

Nguồn: VOH Online

Bài viết liên quan
UNEP sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam phát triển thị trường carbon

Ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp bà Dechen Tsering, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp bà Dechen Tsering, Giám đốc khu vực […]

Thành công mô hình thu gom rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá

Bình Định – Mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá đưa vào bờ tại Cảng cá Quy Nhơn đã nâng cao ý thức bảo bệ môi trường biển của ngư dân. Ngày 13/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định phối hợp với UBND thành phố Quy […]

Tiềm năng và những khó khăn trong việc tái chế rác nhựa, quản lý chất thải tại Việt Nam

Tỷ lệ thu gom rác nhựa tại các khu đô thị lớn ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam chỉ đạt 8-25%. Mặc dù tiềm năng tái chế lớn, các quốc gia này đối mặt với thách thức lớn do chi phí thu gom và phân loại rác thải cao… Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. […]

Ajinomoto tối ưu hóa việc tái chế hộp nhựa đựng sốt mayonnaise

Duy trì chất lượng và an toàn trong khi vẫn mang lại sự ngon miệng và đạt được mục tiêu không có rác thải nhựa để giảm gánh nặng cho môi trường là một thách thức. Tìm hiểu về các vấn đề xung quanh rác thải nhựa và những cải tiến đang được thực hiện […]

Công nghệ giúp tiêu dùng xanh có thể đi đường dài

Công nghệ đang trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam không chỉ tối ưu hóa chi phí sản xuất mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Bà Đặng Huỳnh Ức My, chủ tịch HĐQT TTC AgriS, chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: QUANG ĐỊNH Trong bối […]