Rác thải nhựa hiện là nguồn gây ô nhiễm carbon nghiêm trọng, thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu của Trái đất. Ngoài ra, phần lớn rác thải nhựa trôi ra đại dương và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh vật biển.
Theo báo cáo của Trung tâm Liêm chính khí hậu (CCI) thuộc Viện Quản trị và Phát triển bền vững Mỹ, hơn 99% nhựa được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch và phần lớn chúng không thể “tái chế” theo nghĩa được xử lý và biến thành sản phẩm hoàn toàn mới.
Thông tin này được lưu trong tài liệu của Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ trong ít nhất 30 năm qua.
Báo The Hill cho biết mặc dù một số địa phương và thành phố tại Mỹ đã triển khai không ít chương trình thu thập các loại nhựa nhưng chúng cũng không thể tái chế toàn bộ số rác thải nhựa mà con người thải ra. Thay vào đó, những loại nhựa không thể tái chế sẽ được đốt hoặc được đưa vào những bãi chôn lấp.
Theo tạp chí khoa học Scientific American, phần lớn loại nhựa được con người sử dụng rộng rãi nhất vẫn đang tồn tại đâu đó trong các bãi chôn lấp rác hoặc trong môi trường trong suốt nhiều thập niên hoặc thậm chí là nhiều thế kỷ sau khi bị vứt đi.
Về mặt lý thuyết, nhiều loại nhựa thông dụng trong đời sống hằng ngày có thể tái chế được. Nhưng chỉ có khoảng 1/10 số nhựa sản xuất từng được tái chế một lần và chỉ 1% số nhựa được tái chế hai lần.
Hơn nữa, chi phí của quy trình tái sản xuất các sản phẩm từ rác thải nhựa còn cao hơn chi phí của quy trình sản xuất các sản phẩm nhựa hoàn toàn mới.
“Tạo ra một sản phẩm nhựa mới sẽ rẻ hơn so với việc thu thập và tái chế hoặc tái sử dụng lại nhựa cũ. Đây là một vấn đề mang tính hệ thống” – ông Kristian Syberg, nhà nghiên cứu về ô nhiễm nhựa tại Đại học Roskilde (Đan Mạch), phân tích.
Ngoài vấn đề chi phí, chị Magdalena Klotz, sinh viên ngành thiết kế hệ thống sinh thái tại Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ (ETH) ở Zurich (Thụy Sĩ), cho biết các nhà sản xuất không thể tạo ra nhiều sản phẩm bằng nhựa tái chế nên thị trường dành cho loại nhựa này bị hạn chế.
Hầu hết các bao bì nhựa hiện nay được sản xuất từ bảy loại nhựa có thành phần không tương thích với nhau và rất tốn kém để phân loại chúng và tiến hành tái chế.
“Với nhựa, vấn đề là có rất nhiều loại nhựa khác nhau” – ông Ed Cook, người nghiên cứu về rác thải nhựa như một phần của nền kinh tế tuần hoàn tại Đại học Leeds (Anh), nói.
Ở các nước có thu nhập cao, việc phân loại các loại rác thải nhựa thường được diễn ra với sự trợ giúp của các loại máy móc công nghệ cao tại các cơ sở tái chế quy mô lớn.
Các cơ sở này thường chọn các loại nhựa phổ biến nhất, đặc biệt là polyethylene terephthalate (PET, loại nhựa được thường sử dụng trong các vỏ chai nước), polyethylene mật độ cao (HDPE, vật liệu thường được tìm thấy trong các chai đựng sữa và dầu gội đầu), đôi khi là polyethylene mật độ thấp (LDPE) và polypropylen.
“Tái chế không phải là vấn đề, vấn đề chính là nhựa” – Lisa Ramsden, nhà vận động cấp cao của Tổ chức Greenpeace (Mỹ), phân tích. Bà nói thêm rằng việc tái chế nhựa là không kinh tế, bởi nhựa nguyên chất thậm chí còn rẻ hơn nhựa tái chế.
Tạp chí Scientific American nhận định để thay đổi bức tranh về những hậu quả của nhựa đòi hỏi con người phải hành động trên nhiều mặt trận. Cụ thể, con người cần mở rộng quy mô các công nghệ tái chế hiện có, triển khai các công nghệ này trên phạm vi toàn thế giới, phát triển các công nghệ mới để xử lý những loại nhựa khó tái chế, tận dụng những hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên để hỗ trợ từ quá trình sản xuất đến quá trình xử lý nhựa, cũng như cải tiến quy trình sản xuất nhựa dùng một lần.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã thực hiện một số bước nhằm giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách cấm 10 sản phẩm nhựa sử dụng một lần gây hại đến các bãi biển ở châu Âu và đi ngược lại mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo tạp chí Scientific American, chất thải nhựa tràn lan ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, những nơi hiếm có các chương trình tái chế rác thải nhựa chính thức.
Tuy nhiên, tái chế nhựa lại vô tình trở thành một phần của nền kinh tế phi chính thức tại những quốc gia nghèo. Những người nhặt rác sàng lọc qua các bãi chôn lấp rác, các thùng rác và thu gom các loại rác thải nhựa từ môi trường.
“Những người nhặt rác đứng đằng sau công cuộc tái chế nhựa nhiều hơn so với ngành công nghiệp chính thức trên toàn cầu” – nhóm các nhà nghiên cứu Velis và Cook cho biết.