Sáng 27-11, Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon (GREEN MEDIA HUB) phối hợp với Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức lễ công bố Giải Báo chí Phát triển Xanh thường niên lần thứ I. Dịp này cũng diễn ra tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn – Từ thực tế đến chính sách” và tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn – Trung hòa Carbon: Con đường tất yếu”.
Đẩy mạnh truyền thông cho phát triển xanh
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon, đánh giá biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức nghiêm trọng trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Theo ông Mai Ngọc Phước, chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những hành động thể hiện cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững của Chính phủ, bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường để góp phần xây dựng Việt Nam xanh (Net Zero Carbon).
“Với thế mạnh liên quan đến việc tổ chức, xây dựng các đề tài liên quan đến cơ chế chính sách, pháp lý, thời gian tới, báo Pháp luật TP.HCM sẽ tăng cường tổ chức các hội thảo tọa đàm, góp ý và phản biện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường. Trong các chủ đề này Báo sẽ là cầu nối giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp để các cơ chế, chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn gắn với nhận thức và hành động cụ thể.
Bên cạnh đó, Báo cũng sẽ quan tâm và tăng cường tin, bài nhất là các sản phẩm báo chí đa nền tảng để tuyên truyền sinh động và mạnh mẽ về chủ đề chống BĐKH, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường”- ông Mai Ngọc Phước chia sẻ.
Tại sự kiện, ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, cho biết cùng với Câu lạc bộ Báo chí phát triển Xanh, Tập đoàn mong muốn góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực.
Cụ thể bằng việc thúc đẩy những sáng kiến cũng như nâng cao nhận thức về sự cần thiết và trách nhiệm tiên phong của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.
“Chúng tôi tin rằng Việt Nam có đầy đủ tiềm lực để hiện thực hóa tiềm năng của quốc gia trong việc phát triển xanh và thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050”- ông Don Lam nói.
Doanh nghiệp chuyển sang sản xuất xanh
Hiện nay đã có không ít doanh nghiệp chuyển dần từ nền kinh tế tuyến tính sử dụng tài nguyên một lần sang mô hình kinh tế tuần hoàn, điều này tạo ra các vòng lặp kín cho tài nguyên nhằm phát triển bền vững.
Phát biểu tại tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn – từ thực tế đến chính sách”, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam thông tin, để đảm bảo sự phát triển bền vững, Nestlé Việt Nam đã chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn từ khâu thiết kế sản phẩm đến việc biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị, nhằm bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên.
“Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn cần đảm bảo ba nguyên tắc, bắt đầu từ thay đổi thiết kế sản phẩm, trong đó bao gồm: Loại bỏ rác thải và ô nhiễm, tăng vòng đời sản phẩm, nguyên vật liệu và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên”- ông Hưng nói.
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển bền vững Heineken Việt Nam cũng chia sẻ, tất cả bao bì sản phẩm của Heineken Việt Nam đều có thể tái chế. Hơn 98% két nhựa được thu hồi và tái sử dụng từ 5 đến hơn 10 năm, 97% chai thủy tinh được tái sử dụng đến hơn 30 lần, lon nhôm được sản xuất với 40% nguyên liệu nhôm tái chế và 100% nguyên liệu giấy tái chế được dùng để sản xuất thùng carton.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) đánh giá vai trò của các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải là rất quan trọng.
“Hiện nay, chúng tôi coi việc chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc của các doanh nghiệp, nếu chúng ta không thực hiện các quy định về tuần hoàn chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”- PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nói.