Khuyến khích doanh nghiệp tự tái chế chất thải

05/03/2024
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, cần khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định của luật, hoặc ký hợp đồng các doanh nghiệp tái chế đủ điều kiện.

Ngày 1-3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, xuất khẩu.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ban hành quyết định là cần thiết, thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Trong quá trình xác định định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ (Fs), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế chi phí tái chế tại gần 70 cơ sở tái chế lớn trên toàn quốc.

Đồng thời tham khảo, đối chiếu với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của Nhà nước.

Công nhân Công ty cổ phần nhựa tái chế Duy Tân (Long An) kiểm tra, phân loại chai nhựa thải bỏ sau tiêu dùng để thực hiện tái chế – Ảnh: PHI VÂN

 
Đại diện Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết hiện nay, hầu hết các cơ sở tái chế ở làng nghề đều không đạt chuẩn, vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở tái chế không đạt chuẩn, các doanh nghiệp vi phạm quy định tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng quy định về tái chế là rất cần thiết trước yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, song cần tính toán Fs phù hợp với nguồn lực thực hiện của doanh nghiệp, cũng như tác động làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải là của doanh nghiệp đã được quy định, và là chính sách không mới so với thế giới, đã được sự thống nhất cao để đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

“Về nguyên tắc, cần khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định của luật, hoặc ký hợp đồng các doanh nghiệp tái chế đủ điều kiện.

Trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn đóng góp chi phí tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của Nhà nước, mức đóng góp cần dựa trên số liệu khảo sát Fs từ các doanh nghiệp tái chế đủ điều kiện, ưu tiên những đơn vị có công nghệ hiện đại” – phó thủ tướng nói.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông báo số 86 (ngày 20-2) công bố danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần theo quy định của pháp luật.

Ông Phan Tuấn Hùng, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết việc công bố danh sách đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì nhằm mục đích cung cấp, hỗ trợ thông tin cho nhà sản xuất, nhập khẩu biết và tham khảo trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì.

“Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị tái chế trong hoặc ngoài danh sách được công bố, nhưng phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 4 điều 79 nghị định 08/2022/NĐ-CP tại thời điểm ký kết hợp đồng tái chế” – ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, khi lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế sản phẩm, bao bì, nhà sản xuất, nhập khẩu phải xem xét, đánh giá năng lực, công nghệ, công suất và việc đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của đơn vị tái chế tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Không ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị tái chế không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài viết liên quan
Ban hành định mức đóng phí hỗ trợ tái chế bao bì, sản phẩm

Trước ngày 20/4/2025, nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế. Và, định mức Fs vừa ban hành là cơ sở để thực hiện quy định này.   Định mức Fs là gì? Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản dưới […]

TP. HCM khởi công nhà máy đốt rác phát điện công nghệ Đức

TP. HCM – Nhà máy đốt rác phát điện đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (Củ Chi) có công suất 2.000 tấn/ngày.   Ngày 05/03, TP.HCM đã chính thức khởi công xây dựng Nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt VietStar tại Khu liên hợp xử […]

Vi nhựa cản trở quá trình quang hợp của thực vật, làm gia tăng nguy cơ nạn đói trên toàn cầu

Theo một đánh giá mới, tình trạng ô nhiễm do vi nhựa đang làm giảm đáng kể nguồn cung cấp thực phẩm do nó làm hỏng khả năng quang hợp của thực vật.   Phân tích ước tính rằng từ 4% đến 14% các loại cây lương thực chính trên thế giới là lúa mì, […]

TTC AgriS ký kết hợp tác cùng tập đoàn Sungai Budi (Indonesia) hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững

Jakarta, Indonesia, ngày 10/3/2025, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các Bộ trưởng cấp cao Việt Nam và Indonesi, TTC AgriS (Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa) và Sungai Budi – Tập đoàn Nông nghiệp lớn nhất Indonesia, đã ký kết các thỏa thuận hợp tác […]

Việt Nam sẽ lập khu công nghiệp tái chế tài nguyên

Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc đang thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án thành lập khu công nghiệp tái chế tài nguyên. Thông tin này được đưa ra trong buổi tiếp và làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công […]