Theo TS. Võ Trí Thành, thế hệ trẻ đang rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, do đó doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế trong trung và dài hạn nếu theo đuổi chiến lược kinh tế tuần hoàn.
Mới đây, Suntory Pepsico Việt Nam và Nhựa Tái chế Duy Tân đã ký biên bản hợp tác về việc cung cấp nguyên liệu nhựa tái sinh sản xuất bao bì của Suntory Pepsico trong giai đoạn 2022 – 2026. Trước đó, Suntory Pepsico đã cho ra mắt dòng sản phẩm nước giải khát Pepsi 330ml đựng trong chai được làm bằng 100% nhựa tái chế.
Suntory Pepsico không phải thương hiệu nước giải khát đầu tiên sử dụng nhựa tái chế cho bao bì. Năm 2021, La Vie Việt Nam cũng đã giới thiệu sản phẩm nước khoáng đóng chai sử dụng 50% nguyên liệu tái sinh.
Sử dụng nhựa tái chế làm nguyên liệu sản xuất bao bì là cách Suntory Pepsico Việt Nam và La Vie Việt Nam thúc đẩy nhu cầu nhựa tái chế, từ đó khuyến khích ngành công nghiệp tái chế cũng như kinh tế tuần hoàn, trước tiên cho ngành bao bì, như một phần sứ mệnh của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) mà cả 2 doanh nghiệp này đều là thành viên.
Nhựa Duy Tân, cũng là một thành viên của PRO Việt Nam, gần đây đã tiết lộ với TheLEADER, chính đối tác là những doanh nghiệp lớn đã “gợi ý” Duy Tân sản xuất nhựa tái sinh.
Không chỉ chai nhựa mà nhiều vật liệu khác như nhôm, giấy cũng đang được các doanh nghiệp tích cực sử dụng trên sản phẩm. Điều này một phần đến từ mong muốn thực thi những cam kết về môi trường và phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp. Phần khác, phải nhìn nhận thực tế rằng người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng có cái nhìn thiện cảm hơn đối với sản phẩm tái chế, sản phẩm có tính bền vững.
Thị trường tuần hoàn lên ngôi
“Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), nhận định, tại Hội thảo công bố Báo cáo Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức.
Một trong những lý do cho xu thế này, theo ông Thành, xuất phát từ chính chuyển biến trên thị trường. Người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người trẻ, đang rất ưa chuộng lối sống xanh, hòa hợp với thiên nhiên.
“Chúng ta có gen Z (thế hệ Z) là thế hệ xanh nhất Việt Nam”, Viện trưởng BCSI nhận định.
Điều này có thể thấy rõ qua những phong trào sống xanh, hạn chế xả thải ra môi trường đang được rất đông bạn trẻ tham gia. Nhiều sáng kiến, giải pháp hạn chế rác thải và khuyến khích kinh tế tuần hoàn cũng được khởi xướng bởi những người trẻ.
Thế hệ trẻ sẽ là lực lượng tiêu dùng chính trong tương lai, do đó, theo ông Thành, nếu doanh nghiệp sớm thực hiện những bước chuyển đổi từ sớm, dù có thể phải tiêu tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng sẽ đạt được lợi ích lâu dài trong trung và dài hạn.
Thị trường quốc tế cũng là “mỏ vàng” cho các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn. So với Việt Nam, người tiêu dùng tại các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản… đều đang có thị hiếu hướng đến tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về môi trường cho sản phẩm bán ra tại các thị trường lớn cũng ngày càng tăng cao.
Như vậy, thực hiện các chuyển đổi theo hướng bền vững, tuần hoàn vừa là “tấm vé thông hành”, vừa là lợi thế cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp xuất khẩu.