EPR – Giải pháp then chốt cho tái chế bao bì tại Việt Nam

07/02/2025

Mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải nhựa và bao bì bị thải ra môi trường, gây áp lực lớn lên hệ sinh thái. Trước thực trạng đó, chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) xuất hiện như một giải pháp đột phá, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn. Nhưng EPR thực sự là gì? Và tại sao đây lại là chìa khóa cho một hệ thống tái chế bền vững tại Việt Nam?

EPR là gì?

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR – Extended Producer Responsibility) là một chính sách yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu chịu trách nhiệm về vòng đời của sản phẩm, bao gồm thu gom, xử lý và tái chế sau khi sản phẩm được tiêu dùng. Đây là mô hình đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia, giúp thúc đẩy ngành tái chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tại Việt Nam, EPR đã được đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và được cụ thể hóa qua Nghị định 08/2022/NĐ-CPThông tư 02/2022/TT-BTNMT, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý rác thải.

Thực trạng rác thải bao bì tại Việt Nam

Hiện nay, rác thải bao bì tại Việt Nam đang ở mức báo động. Hơn 3,9 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 10-15% được thu gom và tái chế (Nguồn: World Bank). Rác thải nhựa chiếm hơn 90% ô nhiễm biển (Nguồn: Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc – UNEP), ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái. Trong khi đó, hệ thống thu gom, phân loại rác tại nguồn chưa đồng bộ, dẫn đến lượng lớn bao bì vẫn bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người mà còn gây thất thoát hàng tỷ đô vì lượng lớn rác thải nhựa không được tái chế.

Những con số trên cho thấy cần có một giải pháp toàn diện để kiểm soát rác thải bao bì, trong đó EPR đóng vai trò trung tâm.

EPR – Chìa khóa thúc đẩy tái chế bao bì

EPR không chỉ giúp tăng cường thu gom và tái chế bao bì mà còn mang lại nhiều lợi ích:

  • Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế chất lượng cao để thay thế nguyên liệu mới.
  • Hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao trách nhiệm xã hội và xây dựng thương hiệu bền vững.
  • Nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia phân loại rác tại nguồn.

Tuy nhiên, để EPR phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Chính phủ và cộng đồng. Đó cũng là lí do PRO Việt Nam ra đời.

Thành lập từ năm 2019, PRO Việt Nam là liên minh tái chế bao bì tiên phong phi lợi nhuận tại Việt Nam, với mục tiêu phối hợp cùng Chính phủ cải thiện quá trình tái chế bao bì bền vững hơn trong tương lai, qua đó, chung tay dựng xây, góp phần vì một Việt Nam Xanh – Sạch – Đẹp.

Sau hơn 5 năm hoạt động, PRO Việt Nam đã và đang ngày càng ghi dấu với những hoạt động thiết thực bao gồm:

  • Hỗ trợ doanh nghiệp thành viên tuân thủ nghĩa vụ EPR, từ đóng góp tài chính hướng đến triển khai mô hình thu gom và tái chế.
  • Nghiên cứu và phát triển các mô hình thu gom – tái chế bao bì, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
  • Tổ chức các chương trình giáo dục cộng đồng, nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn và tầm quan trọng của tái chế.
  • Phối hợp với cơ quan quản lý để thúc đẩy chính sách EPR, đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong thực thi.

Đặc biệt, PRO Việt Nam là tổ chức đầu tiên được Bộ TN&MT công nhận là đơn vị được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế bao bì, giúp kết nối các doanh nghiệp và tạo ra hệ sinh thái tái chế bền vững.

Thách thức và giải pháp trong thực thi EPR

Dù được xem là chính sách đột phá trong quản lý chất thải, nhưng thực tế triển khai EPR tại Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn khi nhận thức doanh nghiệp chưa đồng đều, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ về nghĩa vụ và lợi ích của EPR; Hệ thống thu gom và tái chế còn manh mún, thiếu sự liên kết giữa các bên trong chuỗi giá trị bao bì; Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích mạnh mẽ thúc đẩy thị trường tái chế tại Việt Nam cũng như cần thêm cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào tái chế.

Để khắc phục những thách thức này, cần có các giải pháp đồng bộ như:

  • Xây dựng cơ chế minh bạch và các chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chủ động tham gia vào công cuộc chuyển đổi xanh.
  • Đẩy mạnh hợp tác công – tư, kết nối các doanh nghiệp, nhà tái chế và chính quyền địa phương để hình thành một chuỗi giá trị tái chế hiệu quả.
  • Nâng cao nhận thức cộng đồng, thông qua các chương trình truyền thông và giáo dục, giúp thay đổi hành vi tiêu dùng và thúc đẩy phân loại rác tại nguồn.

Chính sách EPR là giải pháp mang tính đột phá, giúp Việt Nam kiểm soát rác thải bao bì và phát triển ngành tái chế. Để EPR thực sự hiệu quả, cần có sự chung tay của chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. PRO Việt Nam, với vai trò là nền tảng kết nối, sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bên để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến một tương lai bền vững.

Cùng hành động ngay hôm nay để bao bì không còn là rác thải mà trở thành nguồn tài nguyên quý giá!

Bài viết liên quan
Chuỗi Thu Gom – Tái Chế Bao Bì: Vai Trò Và Trách Nhiệm Của Từng Mắt Xích

Chuỗi thu gom – tái chế bao bì đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu rác thải và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Một hệ thống thu gom hiệu quả không chỉ giúp tăng tỷ lệ tái chế mà còn tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm […]

Thực Trạng Rác Thải Bao Bì Tại Việt Nam

Rác thải bao bì đang trở thành một trong những vấn đề môi trường cấp bách tại Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 3,9 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 10-15% được thu gom và tái chế. Đặc biệt, bao bì nhựa chiếm phần […]

Loại nhựa nào độc hại, loại nhựa nào an toàn đựng
thực phẩm?

Nhựa rất tiện dụng và được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người gây ra nhiều phản ứng có hại. Vậy loại nhựa nào độc hại, loại nhựa nào an toàn? Và có cách nào để phân biệt các loại nhựa độc hại và […]

CUỘC THI “HÀNH ĐỘNG XANH – MÔI TRƯỜNG SẠCH”

Các bạn thân mến! Nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề về môi trường và khuyến khích thực hiện các hành động xanh. Trong tháng 11 này, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Lagom Viet Nam phối hợp cùng chính thức phát động cuộc thi “Hành động […]

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (Extended Producer Responsibility – EPR)

  Ngày 15-16/6/2021, IUCN phối hợp cùng Vụ pháp chế, Bộ TNMT tổ chức hội thảo tập huấn báo chí về EPR nhằm mục đích tăng cường truyền thông về EPR thông qua báo chí truyền thống để nâng cao nhận thức về cách tiếp cận này, từ đó thúc đẩy việc thực hiện EPR […]