Doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho công cụ tái chế, thu gom bắt buộc như thế nào? (Phần 2)

05/04/2022

Đầu tư vào các dự án thu gom, tái chế là giải pháp quan trọng để nâng cao tỷ lệ rác thải nhựa được thu gom, xử lý đúng cách.

Nhựa Duy Tân đầu tư 60 triệu USD cho nhà máy tái chế nhựa.

Đặt ra tỷ lệ thu gom, tái chế, xử lý bắt buộc đối với một số nhóm sản phẩm là nội dung chính của công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Có một thực tế là từ nhiều năm trước khi EPR được đưa vào luật, hoạt động thu gom, tái chế đã được triển khai tại Việt Nam, chủ yếu bởi các đơn vị tư nhân, tự phát, khu vực phi chính thức. Cụ thể, những loại rác nhựa, kim loại được thu gom bởi lực lượng đồng nát, ve chai, bán lại cho các đại lý, tập kết về các làng nghề để tái chế.

Hoạt động tái chế của nhóm phi chính thức rất nhức nhối với những vấn đề như xả thải gây ô nhiễm hay sản phẩm tái chế kém chất lượng. Tuy nhiên, với thực trạng rác thải hỗn tạp, không được phân loại như ở Việt Nam, những vấn đề này là điều không thể tránh khỏi. Mặt khác, các đơn vị tái chế chính thức, có tiêu chuẩn cũng không đủ sức để xử lý những loại rác thải này.

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh cho biết, ngành tài chế phải chịu rất nhiều sức ép từ phía dư luận, báo chí nhưng suốt nhiều năm qua rất ít nhận được sự hỗ trợ. Chính vì vậy, ngành tái chế đặt rất nhiều kỳ vọng vào công cụ EPR cùng các nội dung về phân loại rác thải bắt buộc.

Mặt khác, đối với các doanh nghiệp thuộc diện phải thực thi bắt buộc công cụ EPR, cơ sở hạ tầng và khả năng thu gom, tái chế tại Việt Nam là thách thức lớn để thực thi hiệu quả công cụ này.

Đầu tư vào tái chế

Phát triển hệ thống thu gom, tái chế, xử lý rác thải hiện đại, đạt chuẩn là chìa khóa để thực thi hiệu quả công cụ EPR, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí thực thi công cụ này.

Hiểu được điều đó, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ và đầu tư vào lĩnh vực này.

Mới đây, khoản đầu tư trị giá 3,5 triệu euro (khoảng 3,85 triệu USD) đến từ Tetra Pak và Công ty TNHH Giấy và bao bì Đồng Tiến đã được gửi tới ngành tái chế trong nước, nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả dây chuyền tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống.

Khoản đầu tư được đánh giá là tương đối “mạnh tay” dành cho ngành công nghiệp tái chế này được triển khai ngay đầu năm 2022, chính là thời điểm bắt đầu thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Tetra Pak là thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), là tổ chức giữa các doanh nghiệp đầu ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, với mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho bao bì. Tập đoàn Tetra cũng là “cha đẻ” của vỏ hộp sữa giấy tráng nhôm, loại bao bì dùng cho thực phẩm phổ biến không kém gì nhựa, được nhiều tập đoàn thực phẩm lớn như TH; Vinamilk… sử dụng.

Công ty giấy Đồng Tiến được biết đến với vai trò là đối tác của Tetra Pak Việt Nam trong việc tái chế vỏ hộp sữa giấy, một công việc được chính chủ tịch Đồng Tiến đánh giá là vô cùng khó khăn và ít có nhà tái chế nào làm được do rào cản về tính chất phức tạp của rác thải tại Việt Nam. Đồng thời, Đồng Tiến cũng là đối tác chiến lược của PRO Việt Nam.

Trước khoản đầu tư của Tetra Pak và Đồng Tiến, một thành viên khác của PRO Việt Nam là Nhựa Duy Tân đã đầu tư 60 triệu USD vào dự án nhà máy tái chế nhựa, dưới sự hỗ trợ từ chương trình tín dụng xanh của ngân hàng HSBC Việt Nam.

Dự án được chia làm 3 giai đoạn là 2020 – 2021; 2022 – 2023 và từ năm 2024, với mức đầu tư 20 triệu USD cho mỗi giai đoạn, nhằm xây dựng nhà máy rộng 65 nghìn m2 tại Long An.

Đại diện Nhựa Duy Tân cho biết, nhựa tái chế từ nhà máy có đầu ra đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng như FDA của Mỹ và EFSA của châu Âu. Như vậy, nhựa tái sinh của Duy Tân sẽ có tiềm năng tái sử dụng, tái chế lâu dài. Cùng với công nghệ “chai ra chai” (bottles to bottles), thành viên mới của PRO Việt Nam kỳ vọng khép được vòng lặp tuần hoàn.

Tuy nhiên, những hoạt động đầu tư kể trên chỉ có thể thực hiện hiệu quả nếu kết hợp cùng việc thu gom, phân loại rác thải đúng cách, một nội dung cũng được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020, cũng là một nội dung hợp tác của PRO Việt Nam với một số công ty vệ sinh môi trường tại nhiều địa phương trên cả nước.

Mặt khác, có một “khoảng trống” trong công tác thu gom, xử lý rác thải bao bì là những bao bì túi nilon mỏng, nhẹ. Do có khối lượng rất nhỏ, kém giá trị, vỏ nilon thường không được thu gom bởi lực lượng phi truyền thống mà chủ yếu bị đem ra bãi tập kết rác thải để đốt hoặc chôn lấp.

Một số doanh nghiệp như VietCycle đang có kế hoạch trợ giá cho việc thu gom các loại rác thải này. Tuy nhiên, hoạt động này hết sức tốn kém, đòi hỏi sự chung tay hỗ trợ, tài trợ từ nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác mới có thể thành công.

Theo TheLEADER

 

Bài viết liên quan
Việt Nam Ủng Hộ Có Thỏa Thuận Toàn Cầu Về Ô Nhiễm Nhựa

Ngày 23/4, phiên họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về rác thải nhựa đã chính thức diễn ra tại Ottawa, Canada với sự tham dự của các nhà đàm phán đến từ 176 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Quang cảnh chung của phiên họp Mục tiêu […]

Thỏa Thuận Toàn Cầu Về Ô Nhiễm Nhựa Bước Vào Phiên Đàm Phán Thứ 4

Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đã bước vào Phiên thứ tư Hội nghị đàm phán liên chính phủ về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-4) tại Ottawa, Canada. Đây là phiên đàm phán có số lượng đại biểu đăng ký tham dự đông nhất từ trước đến […]

Ra Mắt ‘Việt Nam Xanh’ – Chuỗi Hoạt Động Lan Tỏa Thông Tin Về Kinh Tế Xanh

Tại hội thảo ‘Thị trường tín chỉ carbon – Động lực xây dựng Việt Nam Xanh’ sáng 20-4, báo Tuổi Trẻ đã công bố, chính thức ra mắt chuyên trang ‘Việt Nam Xanh’. Nghi thức công bố dự án Việt Nam Xanh Hoạt động nhằm lan tỏa những câu chuyện, hành động cụ thể của […]

PRO Việt Nam Hỗ Trợ An Sinh Xã Hội Và Nguồn Vốn Vay Cho Lực Lượng Thu Gom Rác Dân Lập

Liên Minh Tái Chế Bao Bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp với tổ chức Chuyên trách về môi trường và phát triển Thế giới Thứ Ba (ENDA Việt Nam) hỗ trợ an sinh xã hội và quỹ quay vòng vốn cho lực lượng thu gom rác dân lập tại Tp. Hồ Chí Minh. […]

Saigon Co.op ký kết với Winrock International triển khai mô hình tuần hoàn chất thải

Ngày 12-4-2024, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Tổ chức Winrock International. Theo đó, hai bên cùng cam kết giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách tạo ra mô hình tuần hoàn chất thải, tăng cường phân loại tại nguồn và […]