Định mức chi phí tái chế (Fs) thấp sẽ không đạt được
mục tiêu kinh tế tuần hoàn

05/09/2023
Theo Bộ TN&MT thì định mức chi phí tái chế (Fs) là một trong những sự lựa chọn để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của mình. Do vậy, Fs là cơ sở để thực hiện trách nhiệm xử lý, tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) trong trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì của mình.

Fs là một vấn đề được quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều hiệp hội ngành hàng sản xuất, nhập khẩu đang có ý kiến cho rằng Fs cao, không phù hợp thì nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp lại cho rằng định mức này là thấp, chưa phản ánh đúng, đầy đủ chi phí tái chế thực tế tại Việt Nam.

Fs thấp thì các mục tiêu của EPR không đạt được

PGS. TS. Nguyễn Đức Quảng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội

Fs do Bộ TN&MT đưa ra thấp hơn rất nhiều so với kết quả chúng tôi khảo sát ở hơn 30 đơn vị tái chế chính quy và quy mô, sở dĩ tôi nói chính quy và quy mô là vì đây là những đơn vị có công xuất tái chế lớn và đều đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trong tái chế chất thải (thực hiện đầy đủ các thủ tục môi trường), đầu tư nhà máy hiện đại…

PGS. TS. Nguyễn Đức Quảng

Nếu chúng ta để Fs thấp như vậy, thì chỉ tương đương với việc tái chế ở các làng tái chế, như chúng ta đã biết, họ bỏ qua các yêu cầu xử lý môi trường cũng như không đầu tư để có thể tái chế được các vật liệu hoặc sản phẩm có giá trị cao và an toàn trong quá trình sử dụng. Đây là những điều chính sách EPR không hướng tới và chính sách bảo vệ môi trường của chúng ta không hướng tới. Nếu để Fs thấp như vậy, thì các mục tiêu của EPR đặt ra không đạt được. Điều mà EPR hướng tới là không khuyến khích nhà sản xuất, nhập khẩu nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam mà thúc đẩy họ tổ chức thu gom, tái chế để họ có động lực thay đổi thiết kế sản phẩm sao cho dễ thu gom, tái chế để giảm thiểu chi phí thực hiện EPR của họ, chính vì vây mà Fs phải cao, nhưng có thể dưới sức ép của doanh nghiệp, Fs đã được đưa xuống mức thấp, và thấp hơn nữa khi áp dụng hệ số điều chỉnh mà đa phần hệ số này nhỏ hơn một. Đó là điều tôi lo ngại và nó không chỉ ảnh hưởng tới tính hiệu quả của chính sách EPR mà nó còn trực tiếp hạ thấp chi phí tái chế làm cho nhà tái chế sẽ tìm cách giảm bớt một số chi phí bảo vệ môi trường hoặc sử dụng công nghệ rẻ tiền để tái chế làm hạ tầng tái chế ở nước ta đã thấp sẽ có nguy cơ đi xuống.

Fs thấp sẽ không thúc đẩy các nhà sản xuất thay đổi thiết kế bao bì

Bà Quách Thị Xuân – Điều phối viên của Liên minh không rác thải Việt NamHiện nay, chất thải ngày càng gia tăng với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp và nguy hiểm cho môi trường, cho hệ sinh thái và cho con người, đặc biệt là nguy cơ do chất thải nhựa gây ra. Có thể thấy, mức độ sử dụng nhựa ở nước ta tăng nhanh, khoảng 3,8kg/người/năm 1990 lên khoảng 63kg/người/năm năm 2019 (gấp gần 17 lần sau hơn 30 năm). Bình quân mỗi người Việt Nam sử dụng khoảng 500 túi nilon một năm, riêng hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam lên hơn 2,6 triệu tấn/năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường và dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng” mà các chuyên gia đã gọi.

Theo quan sát và tìm hiểu của Liên minh không rác, nếu chúng ta không có cơ chế khuyến khích chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, không có cơ chế hỗ trợ hoạt động thu gom, tái chế đối với chất thải nhựa nói chung và bao bì nhựa nói riêng thì không thể hạn chế được tình trạng gia tăng chất thải nhựa hiện nay. Đặc biệt nếu Fs đối với chất thải nhựa thấp như dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ không đủ để khuyến khích, thúc đẩy các nhà sản xuất thay đổi thiết kế bao bì, không khuyến khích hoạt động thu gom, xử lý chất thải nhựa.

Bà Quách Thị Xuân

Cụ thể, chi phí tái chế thực tế cho một tấn nhựa mà Công ty Duy Tân đã thực hiện khoảng 34.000 VND/kg, trong khi đó Fs là 3.958 VND/kg. Fs đối với bao bì mềm (6.000 đ/kg) hiện cũng nhỏ hơn rất nhiều so với chi phí thu gom và xử lý trong thực tế theo khảo sát bởi tổ chức Green Future (10.600 đ/kg). Bên cạnh đó, có một số loại rác nhựa có thể tái chế theo lý thuyết, nhưng không thể tái chế trong thực tế ở Việt Nam. Đó là trường hợp của các chai PET đựng tương ớt Chinsu, các chai nhựa đục C2, hoặc một số chai nhựa nhập khẩu. Những loại này có màu sắc đặc trưng riêng, mà nếu nhà tái chế sản xuất ra hạt nhựa tái chế màu này thì chỉ có thể bán cho các nhà sản xuất nêu trên, những nhà sản xuất độc quyền này thường ép giá dẫn tới việc không ai muốn thu gom, tái chế. Kết quả là những chai nhựa loại này thường kết thúc vòng đời tại bãi rác hoặc trong lò đốt – những hình thức xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thiết nghĩ, EPR cần áp dụng triệt để “nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền”, Fs cho mỗi loại chất thải phải đủ chi trả cho các hoạt động thu gom và tái chế hoặc xử lý chính các loại chất thải đó mà không gây thêm tác động xấu tới môi trường.

Là một người tiêu dùng, tôi mong muốn Fs được phản ánh trong giá thành sản phẩm, khi đó giá một số loại sản phẩm có thể tăng nhưng sẽ góp phần đưa điểm cân bằng cung cầu về đúng vị trí của nó, bởi hiện nay giá một số sản phẩm còn rẻ khiến người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nhựa nhiều quá mức cần thiết, gây ra tổn thất lớn cho xã hội và môi trường. Chúng ta biết rằng nếu chỉ dựa vào tái chế thì không thể giải quyết được ô nhiễm nhựa, nên quan trọng là phải hạn chế phát sinh rác thải nhựa và giá cả sản phẩm có tính đủ phí EPR là một trong những yếu tố chính quyết định hành vi giảm tiêu dùng – xả thải.

Fs thấp sẽ có nguy cơ thiếu hụt các nhà tái chế bền vững

Ông Hứa Phú Doãn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam: Chúng ta phải hiểu việc tái chế theo đúng nghĩa của nó trong đó đặc biệt là các yêu cầu nghiêm ngặt về công nghệ tái chế để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường. Đây là rất quan trọng trong hoạt động tái chế, nhưng hiện nay do tiết kiệm chi phí mà rất nhiều nơi hoạt động tái chế không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của công nghệ tái chế trong đó có khâu xử lý môi trường. Chi phí tái chế theo đề xuất hiện tại phải phù hợp với thực trạng mong muốn của Việt Nam trong tái chế là phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trong công nghệ tái chế, bảo vệ môi trường.

Ông Hứa Phú Doãn

Theo tiêu chí đó thì Fs được đề xuất là thấp đối với các doanh nghiệp tái chế làm việc nghiêm túc với công nghệ đáp ứng các yêu cầu theo quy định, bởi vì chi phí đầu tư cũng như các chi phí liên quan đến việc tái chế khá cao. Mặt khác Fs thấp sẽ không thể tạo động lực tài chính để thúc đẩy các nhà tái chế đầu tư tái chế các sản phẩm, bao bì hiện không được hoặc ít được tái chế (như pin, ắc quy, phế liệu thủy tinh như bóng đèn…) do không có lợi nhuận đáng kể. Nếu chúng ta để Fs thấp như hiện nay sẽ có nguy cơ thiếu hụt các nhà tái chế mẫu mực, cũng như dẫn đến sự gian dối, cẩu thả trong công nghệ tái chế, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và sự phát triển công nghệ tái chế trong cả nước.

Fs thấp sẽ không khuyến khích việc thu gom, tái chế rác thải nhựa giá trị thấp

Bà Hồ Thị Quý – Phó Tổng Giám đốc Intraco: Việc thu gom chất thải nhựa giá trị thấp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, không phải vì nó hiếm hay khó tìm kiếm mà nó rất nhiều “chất như núi” tại các bãi rác, nơi công cộng của nhiều địa phương. Chất thải nhựa giá trị thấp này không hấp dẫn với đội ngũ thu gom vì nó không được phân loại, bị bẩn, lẫn nhiều tạp chất, chủ yếu là lẫn thức ăn, các chất thải bẩn, các chất độc hại… Mặt khác, các đơn vị thu gom chuyên nghiệp hiện còn thiếu, việc thu gom chủ yếu là do những người thu gom phế liệu ta hay gọi là đồng nát thực hiện một cách thủ công, không có bảo hộ lao động, làm việc vất vả, cực nhọc và nguy hiểm nhưng thù lao thấp. Chính vì lý do đó nên việc tái chế loại rác thải nhựa này không thể mang lại giá trị kinh tế cao như các loại nhựa khác. Vậy làm thế nào để những “ngọn núi” nhựa giá trị thấp không còn nữa, được những người thu gom ưu tiên trong việc thu lượm thì chúng ta phải sử dụng đến Fs để hỗ trợ cho hoạt động thu gom, tái chế. Nếu Fs thấp như trong dự thảo Quyết định thì sẽ tiếp tục không khuyến khích việc thu gom rác, tái chế rác thải nhựa giá trị thấp và thù lao cho những người thu gom phế liệu, đồng nát rất thấp mà lực lượng này chủ yếu là phụ nữ yếu thế.

Bà Hồ Thị Quý

Chính vì vậy, Fs thấp, không chỉ người thu gom phế liệu bị ảnh hưởng, giảm thu nhập, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu gom tái chế các phế liệu này. Vì chi phí để tái chế loại nhựa này rất cao nên các vật liệu được làm với giá thành cao hơn so với giá sản phẩm làm bằng nguyên liệu truyền thống. Ví dụ như 1 viên gạch được làm từ rác thải nhựa giá trị thấp có giá thành cao gấp 3 lần viên gạch bê tông. Vì vậy các sản phẩm vật liệu xây dựng như gạch, ngói, chậu cây, bê tông …tái chế từ nhựa giá trị thấp không thể cạnh tranh với nguyên vật liệu xây dựng truyền thống. Chi phí mà công ty chúng tôi đang thực hiện từ thu gom đến tái chế là hơn 10.000đ/ kg trong khi chi phí tại dự thảo chỉ có hơn 7000đ/ kg. Nên nếu Fs thấp, không thể hỗ trợ chúng tôi bù đắp đủ chi phí thì những công ty như chúng tôi có sứ mệnh vì môi trường, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận sẽ phải ngừng hoạt động.

Fs nộp vào Quỹ BVMT phải cao hơn đáng kể so với phí tái chế đóng cho PRO

TS. Fritz Flanderka – Giám đốc quản lý của Tập đoàn Reclay, chuyên gia tư vấn EPR cho Bộ TN&MTMột số vật liệu có thể sinh lãi, nghĩa là PRO có thể bán chúng cho người tái chế, trong khi những vật liệu khác không sinh lãi, yêu cầu PRO phải trả tiền cho người tái chế để xử lý chúng. Bất chấp lợi nhuận tiềm năng từ một số vật liệu, nhà sản xuất và nhập khẩu vẫn phải trả phí cấp phép (phí tái chế) cho các PRO. Điều này là do hệ thống thu gom tốn kém đến mức chi phí thường lớn hơn lợi nhuận thu được từ việc bán vật liệu. Vì vậy, điều quan trọng là phí dành cho quỹ môi trường (Fs) phải cao hơn đáng kể so với phí của PRO. Nếu không, sẽ thoải mái hơn cho người sản xuất hoặc nhập khẩu vì chỉ cần nộp vào quỹ (như đóng thuế) mà không phải làm gì cả. Nhưng nếu làm theo cách đó, sẽ không có hệ thống quản lý chất thải nào được thiết lập và các vấn đề như xả rác và dồn ứ ở các bãi rác sẽ vẫn tồn tại.

Tiến sĩ Fritz Flanderka

Ngoài ra, chúng ta không thể so sánh phí mà nhà sản xuất phải trả trong hệ thống đặt cọc – hoàn trả (DRS) với chi phí mà nhà sản xuất phải trả với hệ thống PRO (EPR). DRS áp dụng chủ yếu với chai PET và lon nhôm là những mặt hàng có giá trị thị trường. Hơn nữa, DRS thu được một khoản thu nhập lớn từ các đặt cọc chưa được hoàn trả, chiếm gần một nửa chi phí vận hành. Vì vậy, mức phí mà nhà sản xuất phải trả cho DRS thấp hơn mức phí mà họ phải trả cho một PRO… Mặt khác, ngay cả mức phí DRS giữa các quốc gia cũng có sự khác biệt: Ở Đức, phí DRS cao hơn nhiều so với ở Na Uy, bởi vì hệ thống hoạt động dưới các điều kiện khác nhau giữa hai quốc gia. Do đó, việc so sánh giá giữa các quốc gia khác nhau là không hợp lý vì giá cả phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện ở từng nước.

(Theo Tài Nguyên và Môi trường)

 

Bài viết liên quan
PRO Việt Nam Đồng Hành Cùng Sở Du Lịch TP.HCM Tại Hội thảo “Sức mạnh Truyền thông trong Xây dựng và Thúc đẩy Phát triển Bền vững”

Ngày 6/9, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), PRO Việt Nam có mặt tại Hội thảo chuyên đề “Sức mạnh Truyền thông trong Xây dựng và Thúc đẩy Phát triển Bền vững” được tổ chức bởi Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR) với sự đồng hành của […]

PRO Việt Nam Trao Học Bổng Cho Con Em Công Nhân Vệ Sinh Môi Trường CITENCO

Ngày 30-8, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã trao học bổng cho con em của các công nhân vệ sinh môi trường có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM (CITENCO). 39 phần học bổng đã được trao tặng cho […]

PRO Việt Nam Trao 40 Suất Học Bổng Cho Học Sinh, Sinh Viên Là Con Của Công Nhân Vệ Sinh Môi Trường

Ngày 25/8, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) tổ chức lễ trao học bổng năm học 2024 – 2025 cho học sinh, sinh viên là con cán bộ công nhân viên Công ty URENCO. Đây là […]

[TCBC] Lễ Phát Động Chương Trình Thu Gom – Tái Chế Vỏ Hộp Sữa Tại Trường Học Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2024

Ngày 21/8/2024, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) triển khai lễ phát động chương trình “Vệ sĩ môi trường – thu gom và tái chế vỏ hộp sữa” tại trường học trong địa […]

PRO VIỆT NAM CHÍNH THỨC CÓ 30 THÀNH VIÊN

Vừa qua, ngày 13/8/2024, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã tổ chức buổi lễ chính thức chào mừng 8 thành viên mới gia nhập Liên minh trong năm 2024. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự kết nối và hợp tác giữa các thành […]