Kinh tế xanh: Con đường phát triển tất yếu của doanh nghiệp

11/08/2023
Việt Nam xác định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững kết hợp bảo vệ môi trường. Trong đó, một lựa chọn tất yếu là chủ động đẩy mạnh tăng trưởng xanh trên diện rộng. Đây là thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trước xu hướng dịch chuyển xanh của thế giới và Việt Nam.

Sau gần ba năm chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và những năm tới lại một lần nữa đối mặt với những khó khăn đến từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Không những vậy, hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều tác động tiêu cực và phức tạp từ biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng thế giới, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050.

Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam xác định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững kết hợp bảo vệ môi trường. Trong đó, một lựa chọn tất yếu là chủ động đẩy mạnh tăng trưởng xanh trên diện rộng. Net Zero vào năm 2050 – cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) đã trở thành một dấu mốc, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững.

Đối với các doanh nghiệp, việc tham gia tiến trình Net Zero được nhận định sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam.

Ngày 18-8, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế xanh 2023 với chủ đề “Net Zero – Đường đến phát triển bền vững”.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Trong nông nghiệp, có thể kể đến xu hướng sản xuất và xuất khẩu nông sản hữu cơ, đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thế giới do những tác động tích cực mà sản phẩm hữu cơ mang lại cho sức khỏe con người, cho môi trường và hệ sinh thái.

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ và Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 9 trên 10 quốc gia có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á với diện tích đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 174.000 héc-ta. Kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ hàng năm đạt khoảng 335 triệu đô la Mỹ (tăng gần 15 lần so với năm 2010), xuất khẩu tới 180 quốc gia trên thế giới.

Tuy vậy, thị phần của nông sản hữu cơ Việt Nam trên thế giới còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, đầu tư vào phát triển xanh đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn. Theo số liệu trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng 30 tỉ đô la Mỹ để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần huy động tới 70% từ các nguồn lực khác, mà chủ yếu là khu vực tư nhân.

Mặt khác, những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Có thể kể đến như thuế carbon của EU đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn quy định bởi EU, họ sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon tại EU. Những quy tắc như vậy sẽ là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Trước bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen như hiện nay, để cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận rõ hơn về xu hướng này, ngày 18-8 tới đây, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế xanh 2023 với chủ đề “Net Zero – Đường đến phát triển bền vững”.

Tại đây, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà kinh doanh sẽ cùng nhau bàn thảo về thách thức và cơ hội khi tham gia tiến trình Net Zero, hành trình kinh tế xanh trong xu thế vượt suy thoái và phát triển ổn định. Cùng với đó là những giải pháp cho bài toán vốn, chi phí đầu tư và doanh thu, lợi nhuận khi chuyển sang con đường tăng trưởng xanh, nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam và phục vụ đúng yêu cầu của người tiêu dùng.

Ông PHẠM PHÚ NGỌC TRAI – Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tham gia thảo luận tại chương trình

Chương trình sẽ bắt đầu vào lúc 8:00 giờ tại Khách sạn Rex, quận 1, TPHCM với 4 phiên tham luận và 2 phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận thứ nhất, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sẽ cùng các diễn giả, gồm bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại TPHCM; ông Hà Đăng Sơn, Phó Giám đốc Kỹ thuật Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) của USAID; và bà Lâm Tố Trinh, Phó tổng giám đốc về Sáng tạo đổi mới và Phát triển kinh doanh của Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam, bàn luận và chia sẻ các quan điểm, góc nhìn xoay quanh chủ đề “Net Zero – Từ cam kết đến thực tế”.

Với phiên thảo luận thứ hai, PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, sẽ dẫn dắt câu chuyện có sự tham gia của bà Eline Van Der Veen, Phó tổng lãnh sự Hà Lan tại TPHCM; PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và ông Phạm Phú Ngọc Trai, nhà sáng lập, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (ProVietnam), để đưa ra những đề xuất, đánh giá cơ hội của “Tín chỉ carbon tạo nguồn thu bền vững”.

Nếu quan tâm đến Diễn đàn kinh tế xanh 2023 với chủ đề “Net Zero – Đường đến phát triển bền vững”, xin vui lòng đăng ký tại: https://forms.gle/DSswPY7eMUGLwTmU9

(Theo thesaigontimes.vn)

Bài viết liên quan
Lan Tỏa Lối Sống Xanh Qua Cuộc Thi ‘Tái tạo xanh’

Nhằm khuyến khích và lan tỏa lối sống xanh, bền vững trong cộng đồng, từ ngày 15-5 đến 15-8-2024, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và các đơn vị đồng hành sẽ tổ chức cuộc thi ‘Tái tạo xanh’. Nằm trong khuôn khổ dự […]

Doanh Nghiệp Đẩy Mạnh Giảm Phát Thải Carbon

Nhiều doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp FDI đẩy mạnh giảm phát thải carbon, xây dựng nhà máy trung hòa carbon, thậm chí có xu hướng tự chủ năng lượng… Các doanh nghiệp đã cam kết xây dựng nhà máy trung hòa carbon, giảm phát thải Theo các chuyên gia, nếu khơi thông các chính […]

Doanh Nghiệp Việt Tăng Sản Xuất, Xuất Khẩu Hàng Tái Chế

Nhiều doanh nghiệp đã tăng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm tái chế để đáp ứng xu hướng dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường của khách hàng ngày một tăng ở thị trường nội địa lẫn quốc tế. Các loại quần áo được Công ty CP dệt may – đầu […]

Việt Nam Ủng Hộ Có Thỏa Thuận Toàn Cầu Về Ô Nhiễm Nhựa

Ngày 23/4, phiên họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về rác thải nhựa đã chính thức diễn ra tại Ottawa, Canada với sự tham dự của các nhà đàm phán đến từ 176 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Quang cảnh chung của phiên họp Mục tiêu […]

Thỏa Thuận Toàn Cầu Về Ô Nhiễm Nhựa Bước Vào Phiên Đàm Phán Thứ 4

Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đã bước vào Phiên thứ tư Hội nghị đàm phán liên chính phủ về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-4) tại Ottawa, Canada. Đây là phiên đàm phán có số lượng đại biểu đăng ký tham dự đông nhất từ trước đến […]