Doanh Nghiệp Việt Tăng Sản Xuất, Xuất Khẩu Hàng Tái Chế

08/05/2024

Nhiều doanh nghiệp đã tăng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm tái chế để đáp ứng xu hướng dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường của khách hàng ngày một tăng ở thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Các loại quần áo được Công ty CP dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công sản xuất bằng vải tái chế

Tuy nhiên, để hàng tái chế “phủ sóng” nhiều hơn nữa trên kệ hàng, các doanh nghiệp vẫn đau đầu giải quyết bài toán chi phí và đầu ra khi các sản phẩm xanh này luôn gặp rào cản về giá thành cao hơn sản phẩm thông thường từ 10 – 30%.

Doanh nghiệp tăng sản xuất hàng tái chế

Bước vào bên trong nhà máy của Công ty CP dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công (quận Tân Phú, TP.HCM), khách hàng bất ngờ khi ngay giữa văn phòng có một không gian trưng bày hàng trăm sản phẩm quần áo của các hãng thời trang lớn trên thế giới như đang đi trung tâm thương mại. Đặc biệt, rất nhiều sản phẩm tại đây đều là quần áo vải tái chế từ chai nhựa, mía, bắp…

Trong đó có những sản phẩm 100% từ chất liệu tái chế từ vải, chỉ lẫn bo cổ áo. Theo doanh nghiệp này, những quần áo cũ sẽ được doanh nghiệp tái chế để làm ra một chiếc áo mới và xuất đi các thị trường lớn. Bên cạnh các sản phẩm tái chế do doanh nghiệp chủ động thiết kế và sản xuất, có nhiều sản phẩm tái chế do các đối tác lớn từ Mỹ, EU và Nhật Bản đặt hàng doanh nghiệp này sản xuất.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ uống cũng dần dần thay thế các sản phẩm tái chế trong các sản phẩm của mình. Đại diện Nestlé cho biết doanh nghiệp này đã chuyển đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy trên các sản phẩm sữa uống liền dù các loại ống hút giấy này có giá thành đắt gấp 3 lần so với ống hút nhựa.

Trong khi đó, Công ty Lamipak cũng sẽ giới thiệu các loại hộp sữa không tráng nhôm, giúp hộp sữa dễ tái chế gấp bội lần so với hộp sữa bình thường. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cung cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn các sản phẩm hộp sữa không tẩy dễ phân hủy, giảm tối đa mực in hóa học…

Với lĩnh vực vật liệu xây dựng, ông Jacobo Perez Polaino – tổng giám đốc Sika Việt Nam – cho biết doanh nghiệp đang dùng các can chứa sản phẩm làm từ nhựa tái chế và có những sản phẩm doanh nghiệp sẽ thu hồi để tái sử dụng cho các đơn hàng sau. “Ngay cả các pallette đóng hàng cũng được doanh nghiệp thu gom, phân loại, sửa chữa để tiếp tục dùng cho những chuyến hàng sau”, ông Jacobo Perez Polaino cho biết.

Chưa chủ động nguồn hàng, giá sản phẩm còn cao

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Như Tùng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công, cho biết các sản phẩm quần áo từ chất liệu tái chế là xu hướng tiêu dùng trên thế giới, song mức độ tiêu thụ vẫn chưa tăng cao so với các chất liệu cũ. Doanh thu các sản phẩm tái chế chiếm khoảng 20 – 30% tổng doanh thu của doanh nghiệp dệt may này.

Tuy nhiên theo ông Tùng, rào cản lớn nhất đối với sản phẩm tái chế là giá thành vẫn còn cao, cao hơn 15 – 20% những sản phẩm thông thường khác. Hơn nữa, các thiết bị máy móc để sản xuất ra hàng tái chế cũng có giá cao hơn các loại máy móc thông thường. “Nền kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn nên giá cả sản phẩm vẫn đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng”, ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt chưa chủ động được nguồn nguyên liệu khi phải nhập khẩu nguyên liệu tái chế, nguyên liệu xanh. Tuy vậy, ông Tùng cho hay vẫn có các tín hiệu tích cực là có những phân khúc khách hàng đồng ý trả giá cao hơn để mua các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ông Khuất Quang Hưng – giám đốc đối ngoại và truyền thông Nestlé Việt Nam – cho biết dù chi phí sản xuất ống hút giấy đắt gấp 3 lần so với ống hút nhựa song doanh nghiệp phải đảm bảo việc thay ống hút không làm thay đổi giá sản phẩm. Theo ông Hưng, doanh nghiệp không quá chú trọng đến bài toán kinh tế ngắn hạn. Thay vào đó, doanh nghiệp muốn thay đổi thói quen người tiêu dùng với sản phẩm xanh.

Ông Lê Tâm Khôi, giám đốc marketing khu vực châu Á – Thái Bình Dương Công ty Lamipak, cho biết giá của các hộp sữa không có màng nhôm cao hơn so với hộp sữa thông thường khoảng 12% và giá của hộp sữa không tẩy lại cao hơn đến 19%.

Theo ông Khôi, dù áp dụng công nghệ tiên tiến và dùng nguồn nguyên liệu hiệu quả song việc sản xuất hộp giấy thân thiện với môi trường mới chỉ dừng lại ở sản xuất quy mô nhỏ, đơn hàng lẻ tẻ. Điều này đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khó cạnh tranh được với các sản phẩm đại trà.

“Chỉ các doanh nghiệp lớn mới có thể chịu được chi phí khổng lồ này, tuy nhiên họ chỉ đặt hàng với số lượng rất ít bởi số lượng sản phẩm bán ra không đáng kể so với sản phẩm thường bởi trở ngại về giá”, ông Khôi cho hay.

(Bài viết trên Chuyên trang Việt Nam Xanh – báo Tuổi Trẻ)

Bài viết liên quan
Giảm Thiệt Thòi Cho Người Gom Rác Dân Lập

Cùng công việc nhưng so với người thu gom rác công lập, thu nhập của người thu gom rác dân lập thấp hơn nhiều. Không những vậy, họ không được đóng bảo hiểm xã hội, chẳng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn độc hại. Họ sống được nhờ kiếm ve chai. Công tác […]

Sẽ Xây Dựng Thêm Nhiều Khu Xử Lý Chất Thải Tập Trung

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành hai khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, 7 khu vực xử lý chất thải tập trung cấp vùng và nhiều khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh/thành phố để xử lý vấn đề chất thải rắn nhức nhối nhiều […]

PRO Việt Nam Hợp Tác TGM Research Ra Mắt Báo Cáo Về Phân Loại Rác Tại Nguồn Ở Việt Nam

Với mong muốn nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, góp phần vì một Việt Nam xanh – sạch – đẹp hơn, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã phối hợp cùng TGM Research thực hiện một khảo sát về nhận thức và hành […]

Phát Triển Kinh Tế Xanh: Doanh Nghiệp Là Một Trong Những Chủ Thể Quan Trọng Nhất

(TN&MT)- “Bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững cần sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp là một trong những chủ thể quan trọng nhất.” – Đó là chia sẻ của bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Liên minh […]

Bản Tin Nội Bộ Quý 1.2024

BẢN TIN NỘI BỘ DÀNH CHO THÀNH VIÊN – QUÝ 1.2024