Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Mặc dù EPR đã được luật hoá trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường từ năm 2005 dưới quy định về thu hồi sản phẩm thải bỏ, tuy nhiên hiệu quả thực thi còn rất khiêm tốn. Nhằm tăng cường hiệu quả của các chính sách về quản lý chất thải và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Bộ TN&MT) đã thay đổi cách tiếp cận của EPR trong Luật BVMT 2020 mới. Quá trình cải cách này ghi nhận những đóng góp quan trọng của các tổ chức ngoài nhà nước, các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ xây dựng EPR ở Việt Nam – điều chưa từng có trong quá trình xây dựng các chính sách EPR trước đây. Bài viết này nhằm điểm lại và nêu bật sự tham gia và đóng góp của các tổ chức ngoài nhà nước đối với việc xây dựng và hoàn thiện chính sách và pháp luật nói chung và quy định về EPR nói riêng
Năm 2019 – 2021 là giai đoạn trọng điểm của Bộ TN&MT trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về BVMT. Trong giai đoạn này, các tổ chức đối tác quốc tế trong và ngoài nước như Đại sứ quán Australia, Bộ Môi trường Hàn Quốc, Đại sứ quán Hoàng gia Na-Uy, lãnh thổ Đài Loan, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF -Việt Nam), Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN – Việt Nam), Tổ chức GIZ và Expertise France thuộc Dự án EU- Rethinking Plastic, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), Liên minh Không rác Việt Nam (Viet Nam Zero Waste Alliance – VNZWA) đã đồng hành và hỗ trợ tích cực Bộ TN&MT thực hiện nhiệm vụ nêu trên, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
EPR không phải là chính sách mới trong hệ thống pháp luật về BVMT. Trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ đã được Luật BVMT 2005 quy định và tiếp tục được phát triển tại Luật BVMT 2014. Tuy nhiên, các quy định này còn “mang tính” khuyến khích thực hiện; mô hình EPR giai đoạn này là mô hình “tự nguyện”. Đến luật BVMT 2020, Bộ TN&MT đã xây dựng thuyết minh chính sách chuyển mô hình EPR tự nguyện trở thành mô hình EPR bắt buộc thực hiện. Trong quá trình xây dựng quy định về EPR trong Luật BVMT cũng như quy định hướng dẫn thi hành EPR trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020, Các đối tác quốc tế trong và ngoài nước đã có sự đồng hành và hỗ trợ về chuyên gia, nghiên cứu khoa học và thực tiễn, tổ chức tham vấn, khảo sát về EPR làm căn cứ và thuyết minh xây dựng quy định về EPR,…
Từ góc độ hỗ trợ thông tin và đánh giá các lựa chọn cho việc thực hiện EPR, các tổ chức đã tích cực trong việc thực hiện các nghiên cứu quá trình xây dựng Luật BVMT 2020 và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. “Báo cáo nghiên cứu, đánh giá cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với chất thải bao bì” của WWF Việt Nam được thực hiện bởi các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra đề xuất xây dựng hệ thống EPR cho Việt Nam, cơ chế vận hành hệ thống, lộ trình triển khai, và phân tích Chi phí – Lợi ích về tác động của quá trình chuyển đổi quản lý chất thải của Việt Nam sang hệ thống EPR. Tổ chức IUCN hỗ trợ nghiên cứu rà soát chi tiết về khung pháp luật, chính sách và thể chế quản lý chất thải, đánh giá bài học kinh nghiệm từ 15 năm xây dựng và thực thi các quy định EPR cũng như phân tích công cụ chính sách sử dụng trong EPR làm cơ sở cho xây dựng các quy định mới về EPR ở Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu khảo sát doanh nghiệp vừa và nhỏ về tính khả thi và mức độ sẵn sàng tham gia chương trình EPR tại Việt Nam, do WWF -Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẵn sàng cho tham gia và thực hiện EPR tại Việt Nam. GreenHub hỗ trợ nghiên cứu về cơ chế quản lý, vận hành hệ thống EPR trên thế giới, rà soát, khảo sát thực tiễn tổ chức bộ máy ở Việt Nam để làm cơ sở thiết kế tổ chức bộ máy quản lý và vận hành EPR ở Việt Nam. Các báo cáo của dự án EU Rethinking Plastic, đặc biệt là Bộ công cụ EPR (EPR Toolbox), Tóm tắt chính sách về EPR giúp cung cấp các thông tin hữu ích để hiểu rõ về cơ chế EPR, xây dựng tài liệu nâng cao nhận thức cho cộng đồng và doanh nghiệp, đồng thời tổ chức các hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về EPR.
Từ góc độ hỗ trợ chuyên gia xây dựng các quy định pháp luật, WWF- Việt Nam hỗ trợ nhóm chuyên gia tham gia soạn thảo, hỗ trợ giải trình các nội dung của dự thảo Chương EPR trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; Tổ chức IUCN đã hỗ trợ chuyên gia giúp xác định tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc và định mức chi phí tái chế trong dự thảo Nghị định; xây dựng các biểu mẫu kê khai, đăng ký, báo cáo EPR,… trong Thông tư hướng dẫn thực hiện EPR ở Việt Nam.
Từ góc độ thảo luận và đối thoại chính sách, các tổ chức đã tích cực tham gia vào cơ chế Tổ công tác EPR (EPR National Platform) do Bộ trưởng thành lập nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và nguồn lực để xây dựng và thực hiện EPR ở Việt Nam. WWF- Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng quy chế làm việc của Tổ công tác trong khi IUCN là cơ quan điều phối hỗ trợ hàng loạt các buổi họp kỹ thuật và xây dựng kế hoạch hoạt động của Tổ công tác. Hàng chục các hội thảo tham vấn, đối thoại chính sách, cuọc họp kỹ thuật đã được tổ chức hoặc đồng tổ chức bởi các đối tác như IUCN – Việt Nam, WWF – Việt Nam, PRO Việt Nam, Đại sứ quán Na Uy, dự án EU Rethinking Plastic, GreenHub, Liên minh Không rác Việt Nam,… trong suốt giai đoạn 2019 -2021, từ khi EPR còn là ý tưởng chính sách đến các quy định pháp luật cụ thể. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng những sự kiện trực tuyến và trực tiếp đã được tổ chức cho thấy những nỗ lực rất kịp thời và hiệu quả của các tổ chức ngoài nhà nước và là cầu nối quan trọng giúp thúc đẩy các đối thoại và tham vấn có ý nghĩa với cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng các tổ chức môi trường – xã hội giúp các ý tưởng chính sách được chia sẻ rộng rãi và quy định pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn.
Để triển khai hiệu quả các, trong thời gian tới Bộ TN&MT đề nghị các tổ chức NGO, các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm trong triển khai thực hiện EPR cần chú trọng thực hiện các hoạt động về: trong các hoạt động:
Nâng cao năng lực thực thi EPR như thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong thi hành EPR; nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp trong thực thi EPR; hỗ trợ chuyên gia trong tư vấn, thực thi EPR và xây dựng bộ hướng dẫn thực thi EPR đối với từng ngành hàng, bao gồm: Bao bì, ắc quy và pin, dầu nhớt, săm, lốp, điện- điện tử, phương tiện giao thông.
Thực thi các hoạt động đồng bộ nhằm phòng chống chất thải nhựa, giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt đồng thời có tác động tích cực trong triển khai EPR và kinh tế tuần hoàn, bao gồm:
+ Xây dựng bộ hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xác định giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, làm cơ sở để các tỉnh quy định và tổ chức thực hiện chính sách này.
+ Nghiên cứu, xây dựng tổng quan về các sản phẩm khả dụng thay thế nhựa sử dụng một lần, một mặt định hướng phát triển cho thị trường các sản phẩm thân thiện với môi trường ở Việt Nam, mặt khác cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực thi lộ trình hạn chế tiến tới cấm sử dụng các sản phẩm, bao bì nhựa sử dụng một lần, góp phần tích cực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống chất thải nhựa ở Việt Nam.
+ Nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ nguyên liệu, vật liệu tái chế, nhựa tái sinh sử dụng bắt buộc trong sản xuất hàng hóa, bao bì; đồng thời đề xuất cơ chế trao đổi tín chỉ tái chế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chính sách này; bên cạnh đó cũng nên nghiên cứu đề xuất quy chuẩn kỹ thuật tái chế đối với một số loại vật liệu như nhựa, kim loại,… để bảo đảm chất lượng tái chế và có khả năng sử dụng làm nguyên vật liệu trong sản xuất các loại sản phẩm, hàng hóa liên quan đến dược phẩm và thực phẩm. Các chính sách này rất quan trọng để mở rộng thị trường tái chế và chuẩn hóa thị trường tái chế ở nước ta, có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong phòng, chống chất thải nhựa.
+ Nghiên cứu, xây dựng luận cứ và đề xuất mục tiêu net-zero plastic discharge trong tương lai (hoặc mở rộng nội hàm của net-zero emission mà Thủ tướng đã cam kết tại COP26 đối với chất thải nhựa, nghĩa là kiểm soát lượng nhựa sản xuất và đưa vào thị trường sao cho lượng nhựa được sản xuất và lượng nhựa tái sinh hoặc cố định không gây hại cho môi trường là tương đương nhau). Đây là mục tiêu có tính chiến lược và lâu dài, có tác động mạnh mẽ tới việc thay đổi chính sách, nhận thức, hành động trong phòng, chống rác thải nhựa, thúc đẩy thực hiện EPR và thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.