Tăng trách nhiệm tái chế,
thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

16/10/2023
Quy định EPR – tăng trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, có hiệu lực từ đầu năm sau sẽ là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại Việt Nam.

Chuyển đổi sản xuất xanh, tăng trưởng xanh đã không còn là trào lưu “làm đẹp” cho hình ảnh doanh nghiệp, mà đã trở thành tiêu chí bắt buộc cho sản phẩm khi vào các thị trường lớn của thế giới. Cùng xem tọa đàm thực hiện bởi VTV và PRO Việt Nam về vấn đề tăng trách nhiệm tái chế và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hiện nay: https://s.net.vn/U5m7

Ngay từ đầu năm 2024, quy định thực hiện EPR – trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường, sẽ chính thức có hiệu lực. Doanh nghiệp sản xuất thay vì chỉ tái chế lượng rác từ sản phẩm của họ theo tinh thần tự nguyện, từ năm sau sẽ là trách nhiệm bắt buộc. Quy định này được đánh giá sẽ là cú hích cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Tọa đàm thực hiện bởi VTV và PRO Việt Nam về vấn đề tăng trách nhiệm tái chế và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Nếu mô hình kinh tế tuyến tính như thông thường chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín. “Tuần hoàn” ở đây là phụ phẩm đầu ra của khâu sản xuất này cần được sử dụng để làm đầu vào của khâu sản xuất khác, từ đó hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường.

Như vậy có thể thấy khi doanh nghiệp thực hiện EPR – tăng trách nhiệm tái chế với sản phẩm, sẽ tạo động lực để ngày càng nhiều càng phụ phẩm được thu gom để mang đi tái chế, tạo ra giá trị kinh tế mới, thay vì chỉ bị đưa ra bãi rác.

Theo các nghiên cứu quốc tế, nền kinh tế tuần hoàn được dự báo sẽ cộng thêm khoảng 4,5 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu đến năm 2030.

Doanh nghiệp chuẩn bị thực hiện trách nhiệm tái chế

Để thực hiện trách nhiệm tái chế, doanh nghiệp sản xuất sẽ chọn 1 trong 2 cách. Cách 1 là tổ chức tái chế bằng nhiều cách khác nhau: tự tái chế, thuê đơn vị khác tái chế, hoặc ủy quyền cho 1 bên thứ 3 thực hiện. Cách 2 là đóng phí tái chế vào quỹ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên hiện tại phía doanh nghiệp gặp không ít lúng túng khi triển khai.

Một vỏ hộp sữa gồm 3 thành phần: nhôm, nhựa và bột giấy. Khi đến nhà máy xử lý, phần bột giấy sẽ được xử lý để lắng lọc. Phần nhôm và nhựa sẽ được tách ra làm các tấm lợp.

Nguồn nguyên liệu của nhà máy giấy phần lớn đến từ các vựa ve chai hay công ty dịch vụ công ích. Những năm gần đây có sự tham gia của các tổ chức trung gian thực hiện tái chế tự nguyện cho một số doanh nghiệp sản xuất, như thông qua Liên minh tái chế bao bì – PRO Việt Nam. Chỉ trong năm 2022, các nhà sản xuất đã thu gom và tái chế hơn 3.000 tấn rác bao bì.

Dù đã có kinh nghiệm tổ chức tái chế, nhưng để thực hiện EPR từ đầu năm sau, doanh nghiệp vẫn để ngỏ khả năng phải chọn phương án đóng phí tái chế.

“Đa dạng các hình thức tái chế khác nhau. Hình thức đóng phí với chúng tôi là sự lựa chọn cuối cùng. Bởi chúng tôi mong muốn làm sao có thể phối hợp với các đơn vị tái chế xử lý vấn đề bao bì và rác thải nhựa. Trong trường hợp một số loại bao bì chưa có hệ thống tái chế phù hợp, chúng tôi sẽ lựa chọn hình thức đóng phí.”, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam, cho biết.

Đối với phương án đóng phí tái chế, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra dự thảo mức phí, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã có đơn kiến nghị rằng mức phí đang cao, có thể gây ra gánh nặng tài chính trong lúc kinh tế đang khó khăn.

Ngay từ đầu năm 2024, quy định thực hiện EPR – trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường, sẽ chính thức có hiệu lực. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)

Giới chuyên gia cũng cho rằng cơ quan quản lý cần sớm ban hành một phương án hài hòa để doanh nghiệp kịp lên kế hoạch triển khai.

“Hiện tại doanh nghiệp không chủ động lên kế hoạch thực thi nghĩa vụ EPR để đưa vào kế hoạch kinh doanh được vì vẫn còn một số bất cập. Đến thời điểm 3 tháng trước khi thực thi này, mức định phí tái chế vẫn chưa được ban hành nên doanh nghiệp không chủ động được trong việc chuẩn bị kế hoạch nguồn lực tài chính. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác đáp ứng đủ các yêu cầu khi cơ quan chức năng vẫn chưa công bố danh sách các tổ chức trung gian (PRO) và các đơn vị tái chế được công nhận để doanh nghiệp yên tâm triển khai kế hoạch thu gom tái chế nếu không lựa chọn phương án đóng phí”, ông Laurent Levan, Phó Chủ tịch của Liên minh Tái chế Bao bì PRO Việt Nam, Chủ tịch URC Việt Nam, đánh giá.

“Thách thức cho doanh nghiệp hiện tại là thiếu thông tin. Vậy cách tốt nhất là chúng ta cung cấp thông tin, minh bạch thông tin và Nhà nước, các hiệp hội hỗ trợ nhiều nhất cho các doanh nghiệp thực hiện EPR”, bà Nguyễn Hoàng Phượng, Sáng lập, Trưởng Chương trình Chính sách và Pháp luật, Công ty Tư vấn e-Policy, cho hay

Kết quả khảo sát cách đây 2 năm của Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên Môi trường cho thấy, hơn 48% doanh nghiệp đã đồng thuận về việc áp dụng EPR. Tuy vậy theo giới chuyên gia, các quy định cụ thể liên quan đến tỷ lệ, quy cách tái chế, hay đóng phí tái chế… vẫn chưa được doanh nghiệp nhận thức đầy đủ.

Trách nhiệm tái chế làm tăng chi phí vận hành: Giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Việc thực hiện trách nhiệm tái chế ít nhiều sẽ tăng làm tăng chi phí vận hành.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra một ngưỡng loại trừ: những doanh nghiệp có doanh thu nhỏ hơn 30 tỷ đồng, hoặc giá trị nhập khẩu nhỏ hơn 20 tỷ đồng của năm liền trước đó, sẽ không thuộc đối tượng áp dụng EPR. Vậy nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, tức là hơn 60% số doanh nghiệp Việt Nam đã được loại trừ. Tuy nhiên một nhóm doanh nghiệp nhỏ được chuyên gia đánh giá có thể gặp khó khi thực hiện EPR. Đại diện cơ quan chủ trì thực hiện EPR là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có phản hồi với phóng viên VTVMoney về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Việc đề xuất định mức tái chế Fs, dù đó là chi phí thực tế, nhưng để hài hòa chúng tôi đã có sự điều chỉnh theo hướng giảm trung bình 10 – 15% đối với danh mục sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng áp dụng hệ số điều chỉnh, đối với các sản phẩm bao bì dễ tái chế, có giá trị tái chế cao thì sẽ có hệ số điều chỉnh thấp. Còn đối với các sản phẩm bao bì giá trị thấp, thì hệ số điều chỉnh sẽ cao. Để khuyến khích nhà sản xuất, nhập khẩu thiết kế các bao bì dễ tái chế, thân thiện với môi trường, trường hợp họ đóng phí Fs thì sẽ thấp hơn chi phí thực tế đến 80%”, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết.

Khó tổ chức tái chế vì hệ thống thu gom rác bất cập

Có thể thấy quan điểm từ cơ quan quản lý là đóng phí tái chế chỉ là một lựa chọn để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Vì về bản chất, mục tiêu của EPR là khuyến khích doanh nghiệp tái chế càng nhiều, càng tốt sản phẩm họ thải ra. Câu hỏi đặt ra là nếu không đóng phí, các doanh nghiệp chọn tổ chức tái chế thì sao? Chính các bất cập trong quy trình thu gom, phân loại rác để tái chế hiện nay đang là rào cản lớn cho doanh nghiệp.

Tại TP Hồ Chí Minh, khi hầu hết hộ gia đình vẫn chưa ý thức phân loại rác tại nhà, mỗi ngày, hệ thống rác dân lập sẽ thay người dân phân loại rác ngay trên những chiếc xe lôi.

Động lực để phân loại đơn giản vì muốn có thêm thu nhập khi bán được một số loại vật liệu có giá tốt. Phần lớn còn lại nhặt không bõ công, nên đành bỏ không.

“Người thu gom rác tách cái nào bán được giá, bạn ấy lượm nhặt ra, không bán được giá thì bạn không lượm”, ông Phạm Văn Khanh, Liên hiệp Hợp tác xã Môi trường Đồng Tâm, TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Điểm đến của những túi rác đã được người ve chai, rác dân lập phân loại bước đầu là hơn 1.800 vựa ve chai.

Mỗi ngày chỉ riêng vựa ve chai thu ở đây gom được khoảng 6 tấn rác. Tuy nhiên chỉ khoảng 600 kg trong số đó là được phân loại để đem đi tái chế. Còn hơn 90% khối lượng còn lại là bỏ đi, dù trong đó có rất nhiều loại vật liệu có thể tái chế được.

Vựa ve chai là đầu mối chính để bán buôn các loại vật liệu cho doanh nghiệp, cơ sở tái chế, nên chủ vựa là chị Nhi cũng hiểu rõ giá trị của những thứ mà vựa đang phải nhặt ra để bỏ đi.

Theo số liệu kiểm toán tại TP Hồ Chí Minh, trong tổng số lượng rác có thể tái chế được, khoảng 70 – 80% là các loại vật liệu giá trị thấp khiến phần lớn số này không được thu gom, trong đó có không ít các loại vật liệu thuộc trách nhiệm tái chế.

Trong khi lực lượng phi chính thức gồm: ve chai, vựa ve chai, rác dân lập… lại thu gom đến 70% lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày của thành phố này. Do đó nếu không có cách phối hợp, làm việc với lực lượng phi chính thức, thì doanh nghiệp sản xuất khó tổ chức tái chế hiệu quả.

“Lượng rác tái chế có giá trị thấp của của Việt Nam rất nhiều, nhưng một số đơn vị họ lại không đủ nguồn cung, vì mua giá trị thấp quá nên người ta không thu. Trong khi công ty tái chế không thể đưa ra giá cao hơn vì không đủ lợi ích khi bán sản phẩm. Cho nên tôi thấy rất ngược đời”, bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Trưởng Đại diện Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển (ENDA) tại Việt Nam, nhận định.

Nơi cần không có, nơi có lại không cần, giới trong ngành cho rằng nghịch lý này chỉ có thể được giải quyết khi bắt đầu ngay từ việc cải tiến khâu thu gom, phân loại rác.

Theo Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan này đang đề xuất sử dụng nguồn tiền từ Quỹ bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xử lý rác để hỗ trợ các chính quyền địa phương thực hiện các dự án đầu tư về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Cộng với các quy định sẽ sớm có hiệu lực thời gian tới như quy định bắt buộc phân loại rác tại nhà, thu phí xử lý rác dựa trên khối lượng… các bất cập kỳ vọng sẽ sớm được khắc phục để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện tổ chức tái chế.

(Theo vtv.vn)

Bài viết liên quan
PRO Việt Nam Đồng Hành Cùng Sở Du Lịch TP.HCM Tại Hội thảo “Sức mạnh Truyền thông trong Xây dựng và Thúc đẩy Phát triển Bền vững”

Ngày 6/9, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), PRO Việt Nam có mặt tại Hội thảo chuyên đề “Sức mạnh Truyền thông trong Xây dựng và Thúc đẩy Phát triển Bền vững” được tổ chức bởi Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR) với sự đồng hành của […]

PRO Việt Nam Trao Học Bổng Cho Con Em Công Nhân Vệ Sinh Môi Trường CITENCO

Ngày 30-8, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã trao học bổng cho con em của các công nhân vệ sinh môi trường có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM (CITENCO). 39 phần học bổng đã được trao tặng cho […]

PRO Việt Nam Trao 40 Suất Học Bổng Cho Học Sinh, Sinh Viên Là Con Của Công Nhân Vệ Sinh Môi Trường

Ngày 25/8, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) tổ chức lễ trao học bổng năm học 2024 – 2025 cho học sinh, sinh viên là con cán bộ công nhân viên Công ty URENCO. Đây là […]

[TCBC] Lễ Phát Động Chương Trình Thu Gom – Tái Chế Vỏ Hộp Sữa Tại Trường Học Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2024

Ngày 21/8/2024, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) triển khai lễ phát động chương trình “Vệ sĩ môi trường – thu gom và tái chế vỏ hộp sữa” tại trường học trong địa […]

PRO VIỆT NAM CHÍNH THỨC CÓ 30 THÀNH VIÊN

Vừa qua, ngày 13/8/2024, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã tổ chức buổi lễ chính thức chào mừng 8 thành viên mới gia nhập Liên minh trong năm 2024. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự kết nối và hợp tác giữa các thành […]