Rác ngày càng nhiều, công nghiệp tái chế vẫn chịu nhiều ‘nút thắt’

20/11/2023
Ngành công nghiệp tái chế Việt Nam còn nhiều hạn chế khi đơn vị tái chế chủ yếu là các làng nghề, sử dụng công nghệ tái chế lạc hậu, thủ công, phát sinh rất nhiều bụi, khí thải độc hại.

Cần phân bổ ngân sách cho các cơ sở tái chế đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực tái chế là một trong những đề xuất được Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm hoàn thiện cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).

Nâng cao năng lực tái chế, hạn chế dần việc nhập khẩu phế liệu

Theo PRO Việt Nam, ngành công nghiệp tái chế còn yếu và nhiều “nút thắt” từ hệ thống phân loại rác tại nguồn tới công đoạn thu hồi, tái chế.

Việt Nam thiếu trầm trọng các nhà máy tái chế đạt chuẩn. Trong ảnh: dây chuyền tái chế chai nhựa công nghệ cao của nhà máy nhựa Duy Tân – Ảnh: D.T.

Cụ thể, hệ thống phân loại rác tại nguồn vận hành chưa hiệu quả, phế liệu thu hồi do đó hạn chế về số lượng lẫn chất lượng. Hầu hết hoạt động tái chế đang sử dụng nguyên liệu đầu vào là phế liệu nhập khẩu, chỉ có khoảng 6% rác thải nhựa phát sinh trong nước được tái chế. Vì vậy, PRO Việt Nam đề xuất cần có biện pháp hạn chế dần việc nhập khẩu phế liệu, tạo động lực cho thu gom trong nước.

Bên cạnh đó, hoạt động thu gom, tái chế phế liệu chủ yếu tự phát với làng nghề tái chế nên công nghệ tái chế lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, PRO Việt Nam đề xuất cần ban hành chính sách quản lý chất thải cụ thể, có quy hoạch, quy định và hướng dẫn cho ngành nghề thu mua phế liệu cũng như cần lộ trình chuyển dịch, chuyên môn hóa ngành nghề.

Đặc biệt, cần phân bổ ngân sách ưu tiên hoặc tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư cho các lĩnh vực tái chế. Từ đó nâng cấp các công nghệ đã lạc hậu và gây ô nhiễm cùng ưu đãi đặc biệt cho việc thương mại hóa các sản phẩm tái chế, giúp tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm tái chế với sản phẩm thông thường.

Thêm lựa chọn hình thức tái chế để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp
Theo PRO Việt Nam, giai đoạn đầu triển khai EPR, nhiều doanh nghiệp còn đang phải xây dựng giải pháp tái chế, khó có thể đảm bảo đạt được ngay 100% khối lượng tự tái chế theo quy định.

Việc chỉ cho phép doanh nghiệp lựa chọn một hình thức: hoặc đóng tiền vào VEPF (Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam) hoặc tự tổ chức tái chế rất khó, không khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức tái chế theo đúng chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm, PRO Việt Nam đề nghị trong giai đoạn bắt đầu của EPR, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức kết hợp tự tái chế và đóng tiền vào VEPF cho phần chưa tái chế được.

Bên cạnh đó, PRO Việt Nam cho rằng định mức Fs (chi phí tái chế) không thay đổi trong 3 năm liên tiếp là chưa hợp lý và có thể gây ra những bất cập khi không được điều chỉnh kịp thời theo mức lạm phát và một số biến động của thị trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động trong lực lượng thu gom, tái chế.

PRO Việt Nam kiến nghị mức Fs nên được điều chỉnh một lần một năm hoặc với mức Fs được Thủ tướng Chính phủ ban hành cho mỗi chu kỳ 3 năm, bộ điều chỉnh hằng năm dựa theo mức lạm phát chính thức để cuộc sống của người lao động trong lực lượng thu gom, tái chế được đảm bảo.

Fs là định mức chi phí tái chế mà doanh nghiệp phải đóng để tái chế bao bì. Ví dụ, chi phí tái chế nhựa là 10.000 đồng/kg và Fs là 0,3 thì doanh nghiệp phải đóng 0,3 x 10.000 = 3.000 đồng cho mỗi kg bao bì nhựa sử dụng.

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài viết liên quan
Nỗ lực vì một Việt Nam xanh – sạch – đẹp

Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tạo được uy tín trong các hoạt động thu gom và tái chế bao bì, và khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Vừa qua, liên minh đã nhận bằng khen từ Bộ Tài nguyên và Môi trường […]

Cục Kiểm soát ô nhiễm chịu trách nhiệm về quản lý tái chế bao bì, sản phẩm

Theo quy định, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin và ắc quy thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ 1/1/2025. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký Quyết […]

Từ 1/1/2025, người dân không phân loại rác bị phạt đến một triệu đồng

Cá nhân, hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành ba nhóm tái chế, thực phẩm và khác, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến một triệu đồng. Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ 1/1/2025, theo hướng […]

Mỗi ngày cả nước tiêu tốn 3,35 triệu USD thu gom, xử lý rác thải

Việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả trong bảo vệ môi trường. Hiện trạng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam Ông Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ Tài […]

Từ 03/02/2025, người thu gom có thể từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại

Đây là một trong những quy định đáng chú ý tại Thông tư 35/2024/TT-BTNMT, ban hành ngày 19/12/2024 về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.   Theo đó, tại Điều 5 quy định về quy trình kỹ thuật thu gom thủ công chất thải rắn sinh […]