Nhựa Duy Tân: Mong muốn Việt Nam đi đầu về xử lý rác thải nhựa

25/05/2022

Trong email được gửi từ ông Huỳnh Ngọc Thạch, Giám đốc điều hành Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân, Tập đoàn Nhựa Duy Tân, có một điểm đặc biệt là dưới phần chữ ký ghi dòng chữ màu xanh lục: “Hãy cân nhắc về tác động môi trường trước khi in thư điện tử này”.

Chi tiết tinh tế thể hiện phong cách bảo vệ môi trường rất đỗi thiết thực, xuất phát từ những điều nhỏ nhất của Nhựa Duy Tân. Cũng chính doanh nghiệp này mới đây đã công bố khoản đầu tư 60 triệu USD để xây dựng nhà máy tái chế nhựa tại Long An, một số vốn khổng lồ so với ngành công nghiệp tái chế vẫn còn manh mún và lạc hậu của Việt Nam.

Không chỉ đầu tư xây dựng nhà máy tái chế, Duy Tân còn tích cực tham gia các hoạt động, sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững, từ hợp tác với những doanh nghiệp hàng đầu để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn như Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Chi hội nhựa tái sinh, cho tới việc chăm lo sinh kế, hỗ trợ lực lượng lao động phi chính thức trong hệ sinh thái thu gom, xử lý rác thải.

Khu đất 65 nghìn mét vuông để xây nhà máy tái chế đã được Duy Tân chuẩn bị từ rất lâu? Như vậy có phải Duy Tân đã lên kế hoạch tham gia tái chế từ nhiều năm trước?

Ông Huỳnh Ngọc Thạch: Dự án tái chế được Duy Tân chính thức thực hiện kể từ năm 2018. Thật ra, đây là thời điểm hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, về tài chính, nhân sự và công nghệ.

Cùng với đó, một số khách hàng của Duy Tân là các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh lớn ở Việt Nam như Pepsico; Coca Cola; Nestlé; La Vie; Castrol… cũng đã gợi ý Duy Tân sản xuất nhựa tái chế. Xuất phát từ chính nhu cầu của các doanh nghiệp này, là phải thực hiện cam kết với Chính phủ cũng như thử nghiệm thị trường đối với sản phẩm có bao bì tái sinh.

Thực tế, lúc đó vấn nạn rác thải nhựa cũng rất là bức bối rồi. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định xúc tiến luôn dự án này.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ dự án. Dịch bùng phát, các lệnh hạn chế được áp dụng khiến nhà cung cấp máy móc, thiết bị của chúng tôi không thể sang Việt Nam được.

Khởi công nhà máy tái chế nhựa Duy Tân

Khởi công nhà máy tái chế nhựa Duy Tân

Rồi giãn cách xã hội làm hoạt động thu gom rác thải bị gián đoạn, sản lượng thu gom của Duy Tân có thời điểm tụt giảm 80 – 90%, dẫn đến thiếu nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, dự án bị chậm tiến độ đáng kể.

60 triệu USD là con số khá lớn với ngành công nghiệp tái chế. Quyết định đầu tư này có phải liều lĩnh, đặc biệt trong bối cảnh đầy bất ổn như hiện nay, thưa ông?

Ông Huỳnh Ngọc Thạch: Duy Tân đã có kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành sản xuất nhựa. Chúng tôi có đội ngũ kỹ sư chuyên môn cao và rất chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi về ngành công nghiệp tái chế nhựa.

Một công nghệ mới đang được Duy Tân ứng dụng tại nhà máy tái chế là công nghệ Bottles to Bottles (từ chai ra chai). Công nghệ này tức là từ một sản phẩm, giả dụ như một chai nhựa đầu vào, chúng tôi cho ra hạt nhựa tái sinh đảm bảo đầy đủ các điều kiện từ lý tính, hóa tính cho tới an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ các hạt nhựa đó, có thể thổi thành chai nhựa mới có chất lượng ngang bằng với chai nhựa cũ.

Thực tế, trên thế giới, với công nghệ Bottles to Bottles, một số quốc gia đã tái chế được một sản phẩm lên đến hơn 50 lần, tức là kéo dài vòng đời của vật liệu nhựa lên hơn gấp 50 lần. Sở hữu công nghệ tái chế tiên tiến giúp Duy Tân tự tin trong cuộc chơi mới.

Mặt khác, quyết định này cũng phù hợp với xu thế chung của đất nước và của toàn thế giới là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đầu tư 60 triệu USD, chúng tôi mong muốn đóng góp tích cực vào xu thế chung ấy. Thuận theo xu thế chắc không thể gọi là liều lĩnh chứ!

Ngành công nghiệp tái chế đầy khó khăn nhưng cũng không ít cơ hội. Xin ông chia sẻ khó khăn lớn nhất và cơ hội lớn nhất đối với Duy Tân khi tham gia ngành này?

Ông Huỳnh Ngọc Thạch: Tôi nghĩ việc tham gia vào tái chế nhựa như một cái cơ quyên. Hơn 30 năm sản xuất nhựa, mỗi năm cho ra hàng trăm nghìn tấn nhựa. Tham gia vào ngành tái chế cũng là để chúng tôi thu gom, tái chế lại những gì chúng tôi đã góp phần thải ra từ trước đến nay.

Cơ hội thì như đã nói, tái chế là mắt xích quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn, một xu thế tất yếu của Việt Nam cũng như thế giới. Ngành tái chế và kinh tế tuần hoàn cũng đang được thúc đẩy tích cực với Luật Bảo vệ môi trường 2020 và công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Còn nói về khó khăn, đối với tôi, cái khó khăn, thách thức nhất là làm sao để tái chế tốt, bài bản và cho đầu ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Để làm được điều này, chúng tôi cần đầu tư mạnh tay, cần chuẩn bị công nghệ hiện đại cũng như đội ngũ kỹ sư giỏi.

Phải nói thật là ngành tái chế có nhiều rủi ro, khả năng sinh lời thấp, đặc biệt khi phải đầu tư mạnh tay. Tuy nhiên, với vai trò là một doanh nghiệp lớn của ngành nhựa, chúng tôi tin chúng tôi phải là những người đi đầu.

Nhà máy tái chế của Duy Tân trong năm 2022 sẽ có công suất khoảng 30 nghìn tấn. Mục tiêu của Duy Tân là đến năm 2026, nhà máy sẽ hoạt động hết công suất là 100 nghìn tấn. Ngoài ra, tùy theo tình hình kinh doanh, chúng tôi cũng mong muốn xây dựng thêm 1 – 3 nhà máy tái chế nữa ở các địa phương trên cả nước.

Hy vọng là với những nỗ lực của mình, Duy Tân sẽ góp phần đưa cái tên Việt Nam thoát ra khỏi danh sách Top 10 nước xả nhiều rác nhựa ra biển nhất thế giới.

Một nguyên nhân chính khiến ngành tái chế chậm phát triển là thực trạng thu gom, phân loại rác thải ở Việt Nam, khiến rác thải rất khó xử lý và tái chế, nhiều doanh nghiệp tái chế có quy mô lớn phải sử dụng nguồn phế liệu ngoại nhập. Ông có thể cho biết nhà máy tái chế của Duy Tân đang sử dụng bao nhiêu phần trăm phế liệu ngoại nhập?

Ông Huỳnh Ngọc Thạch: 100% phế liệu đầu vào của Nhựa Tái chế Duy Tân là từ rác thải trong nước. Đúng là cái khâu thu gom, phân loại rác ở Việt Nam “làm khó” cho ngành tái chế nhưng chúng tôi cứ triển khai từng bước, từng bước rồi cuối cùng hệ thống đầu vào của Duy Tân cũng “vào guồng”.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng hệ thống thu gom của riêng mình và hỗ trợ lực lượng phi chính thức là các vựa đồng nát sắt vụn nhỏ. Duy Tân tài trợ cho các vựa nhỏ này những máy móc, trang thiết bị như xe nâng, máy nâng để cải thiện hiệu quả.

Chương trình Hồi sinh rác thải nhựa do Nhựa Duy Tân hợp tác với VietCycle và Unilever thực hiện

Chương trình Hồi sinh rác thải nhựa do Nhựa Duy Tân hợp tác với VietCycle và Unilever thực hiện

Vừa qua, Duy Tân cùng Unilever và VietCycle cũng hợp tác với nhau để thực hiện dự án Hồi sinh rác thải nhựa, trong đó có hoạt động hỗ trợ lao động nữ, người thu gom ve chai, đồng nát bằng việc cung cấp thông tin, hỗ trợ thiết bị bảo hộ lao động…

Sắp tới, với công cụ EPR bao gồm những quy định về phân loại rác thải tại nguồn, thu phí rác thải theo khối lượng, tôi tin rằng, thực trạng thu gom, phân loại rác thải sẽ được cải thiện tích cực, tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và chất lượng cho ngành tái chế.

Không chỉ đầu vào mà ngành tái chế cũng cần phải có đầu ra để phát triển. Vấn đề đầu ra của Nhựa Tái chế Duy Tân hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Huỳnh Ngọc Thạch: Tính đến hiện tại, chúng tôi tự hào là một trong số ít những công ty sản xuất được hạt nhựa tái sinh đạt đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ. Duy Tân xuất được khoảng hơn 1 nghìn tấn nhựa tái sinh sang Mỹ để sản xuất vỏ chai nước khoáng.

Đối với thị trường trong nước, đã có một số công ty đa quốc gia sử dụng bao bì làm từ nhựa tái sinh của Duy Tân. Ngoài ra, một số công ty lớn khác đang làm việc, đàm phán với Duy Tân về chất lượng sản phẩm nhựa tái chế. Nhu cầu tái chế nhựa và sử dụng nhựa tái chế ở Việt Nam tương đối khả quan, đặc biệt kể từ năm 2024, khi công cụ EPR chính thức được áp dụng cho ngành hàng bao bì.

Mục tiêu của Duy Tân trong ngành tái chế là gì, thưa ông?

Ông Huỳnh Ngọc Thạch: Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao công suất tái chế của mình, mặt khác luôn đảm bảo chất lượng hạt nhựa tái chế. Chúng tôi kỳ vọng trở thành đơn vị tái chế hàng đầu về sản lượng cũng như chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhựa tái sinh cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong tương lai, tùy theo tình hình kinh doanh, Duy Tân có thể mở thêm một số nhà máy trên toàn quốc để tận dụng hiệu quả lượng rác thải nhựa. Ngoài ra, thị trường tài chế quốc tế rất có tiềm năng, Duy Tân mong muốn mở rộng hoạt động tái chế ra nước ngoài.

Là một thành viên của PRO Việt Nam, tổ chức với tầm nhìn xây dựng kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì, Duy Tân mong muốn đóng góp tích cực cho nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu về xử lý vấn nạn rác thải nhựa.

Duy Tân rất quan tâm tới phát triển xanh và bền vững?

Ông Huỳnh Ngọc Thạch: Văn hóa bền vững là điều đã tồn tại cùng với Duy Tân từ những ngày đầu tiên thành lập tập đoàn. Chúng tôi thực hiện những thay đổi nhỏ nhất ngay từ chính trong nội bộ để giảm thiểu rác thải. Ví dụ như với các quy trình sử dụng giấy tờ, Duy Tân ứng dụng nền tảng chuyển đổi số với tiện ích chữ ký số, hồ sơ số.

Nhờ thay đổi nhỏ ấy mà chúng tôi giảm được 50 – 60% hồ sơ giấy cần phải ký, chỉ ký tay và lưu hồ sơ, giấy tờ thực sự quan trọng.

Đối với các nhà máy, chúng tôi định hướng ngay từ đầu là nhà máy không rác thải, bao gồm rác thải rắn, khí thải và nước thải. Hiện tại, Duy Tân đang đầu tư tái sử dụng 80% nước thải trong nhà máy, cố gắng làm sao để thời gian tới đạt đến 100%.

Ngoài ra, Duy Tân cũng tích cực hợp tác với các bên liên quan, bao gồm các doanh nghiệp đối tác, đối thủ cạnh tranh như trong PRO Việt Nam; tham gia Chi hội nhựa tái sinh; hợp tác với các đơn vị thu gom rác thải công lập. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng hợp tác với những tổ chức phi chính phủ nữa.

Duy Tân mong muốn tạo ra những mối quan hệ hợp tác bền chặt với các bên liên quan, bao gồm những doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị cùng chung mục tiêu vì sự phát triển của ngành tái chế nói riêng và vì sự phát triển xanh, bền vững nói chung.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo TheLEADER

Bài viết liên quan
PRO Việt Nam Hỗ Trợ An Sinh Xã Hội Và Nguồn Vốn Vay Cho Lực Lượng Thu Gom Rác Dân Lập

Liên Minh Tái Chế Bao Bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp với tổ chức Chuyên trách về môi trường và phát triển Thế giới Thứ Ba (ENDA Việt Nam) hỗ trợ an sinh xã hội và quỹ quay vòng vốn cho lực lượng thu gom rác dân lập tại Tp. Hồ Chí Minh. […]

Saigon Co.op ký kết với Winrock International triển khai mô hình tuần hoàn chất thải

Ngày 12-4-2024, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Tổ chức Winrock International. Theo đó, hai bên cùng cam kết giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách tạo ra mô hình tuần hoàn chất thải, tăng cường phân loại tại nguồn và […]

Nỗi lo rác thải biển

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28 – 0,73 triệu tấn bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. 25/34 bãi biển […]

Thực thi EPR: Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi gì?

EPR yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm với việc thu gom, tái chế và xử lý các sản phẩm của họ sau khi không còn sử dụng được nữa. Vậy doanh nghiệp được hưởng ưu đãi gì khi thực hiện EPR? Tái chế vỏ hộp giấy thành sản phẩm mái lợp […]

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững

Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình thúc đẩy chuyển đổi Xanh, xây dựng lộ trình, quy định để đưa mô hình kinh tế xanh vào thực tiễn, trong đó có chính sách nổi bật là quy định về EPR. EPR khuyến khích việc quản lý vật liệu theo phương thức tuần hoàn, trong […]