Thông tin mới nhất của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) cho biết, kết quả phối hợp nghiên cứu với Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, bình quân mỗi ngày cả nước phát thải 8.201 tấn rác thải nhựa, tương đương khoảng 2,93 triệu tấn/năm. Nguồn gốc rác thải ở Việt Nam có trái ngược với xu thế chung của thế giới.
Theo ước tính, khoảng 60% rác thải nhựa trên toàn cầu có nguồn gốc từ các đô thị.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu, đánh giá hiện trạng chất thải nhựa năm 2022 của WWF – Việt Nam cho thấy, mỗi ngày 28 tỉnh, thành phố ven biển phát sinh lượng lớn chất thải nhựa ra môi trường khoảng 4.268 tấn, bằng 113,72% các địa phương còn lại.
Không chỉ phát sinh nhiều, đa phần chất thải nhựa đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác phân loại, mà còn ảnh hưởng lớn đến công đoạn xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương. Qua đó trực tiếp tác động đến các ngành kinh tế như du lịch, giao thông, thuỷ sản…
Trước tình hình đó, các cơ quan trung ương, địa phương dưới sự hỗ trợ của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã triển khai, thực hiện nhiều mô hình, giải pháp nâng cao công tác quản lý, thu gom, phân loại – xử lý rác, tăng tỷ lệ thu hồi rác tái chế… để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương.
Đồng thời, đạt 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa…