Lộ trình triển khai kinh tế tuần hoàn

27/03/2022
Muộn nhất là đến hết năm 2023 Việt Nam sẽ có kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, làm cơ sở để triển khai toàn diện các giải pháp thúc đẩy mô hình này.

Năm 2022 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức đi vào hiệu lực, với những nội dung đột phá như quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành; coi người dân là chủ thể bảo vệ môi trường và đặc biệt là nội dung về kinh tế tuần hoàn.

Theo TS. Đào Văn Mạnh, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), kinh tế tuần hoàn không chỉ được quy định tại điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 mà còn được đặt làm biện pháp ưu tiên cho các quy định về quản lý chất thải khác như chính sách thuế, phí về bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ bảo vệ môi trường; thị trường carbon…

Về mặt hình thức, các công cụ thực hành kinh tế tuần hoàn được đưa ra áp dụng từ giai đoạn đầu thiết kế, sản xuất ra sản phẩm, cho tới tận giai đoạn tiêu dùng, với các công cụ mang tính chất mệnh lệnh hành chính, công cụ kinh tế thị trường và công cụ tuyên truyền, giáo dục.

Cơ sở pháp lý cho kinh tế tuần hoàn đã khá hoàn thiện.

Có thể nói, cơ sở pháp lý cho kinh tế tuần hoàn đã khá đầy đủ và hoàn thiện, như lời nhận xét của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng, từ cơ sở hạ tầng cho tới năng lực lao động, thói quen, nhận thức của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Về lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn, ông Mạnh cho biết, Bộ Tài nguyên và môi trường thực hiện việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành trước ngày 31/12/2023.

Nội dung của kế hoạch nêu rõ hiện trạng, bối cảnh thực hiện kinh tế tuần hoàn cũng như xác định mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng giải pháp, phân công giám sát… cho kinh tế tuần hoàn.

Thời điểm ngày cuối cùng của năm 2023 cũng là thời hạn cho việc thực thi các công cụ quan trọng cho thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như phân loại rác thải bắt buộc tại hộ gia đình; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Khung hướng dẫn áp dụng và nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn cũng thuộc nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và môi trường.

Đối với các bộ, ngành khác và địa phương, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn riêng. Bên cạnh đó, TS. Mạnh nhấn mạnh, điều quan trọng là phải lồng ghép được các nội dung về kinh tế tuần hoàn vào các đề án, quy hoạch của riêng từng ngành và địa phương.

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Theo ông Mạnh, doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ kế hoạch hành động quốc gia, kế hoạch hành động của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, còn cần phải chủ động triển khai các giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với điều kiện, mô hình sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Các giải pháp tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như logistics giảm phát thải; tận dụng năng lượng tái tạo; thực hiện các giải pháp quản lý chất thải rắn…

Doanh nghiệp cũng được khuyến khích áp dụng các giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn sớm hơn lộ trình được đặt ra trong các kế hoạch hành động của Nhà nước.

Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều sáng kiến triển khai kinh tế tuần hoàn ở nhiều lĩnh vực, từ trước cả khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được xây dựng và phê duyệt.

Một hoạt động hợp tác của PRO Việt Nam.

Trong đó phải kể đến cái bắt tay của những ông lớn hàng đầu ngành hàng tiêu dùng nhanh để thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) năm 2019, với mục tiêu tái chế 100% bao bì được các thành viên sử dụng vào năm 2030.

Đối với rác thải điện tử, 2 hãng điện tử lớn tại Việt Nam là HP và Apple đã thành lập và vận hành chương trình Việt Nam Tái chế từ năm 2015, hưởng ứng quyết định 16 của Chính phủ về thu hồi sản phẩm thải bỏ.

Nhận xét về điều này, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh cho biết, kinh tế tuần hoàn là mô hình tất yếu doanh nghiệp phải hướng đến bởi nguồn lợi kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng bền vững ngày càng tăng cao.

“Nếu có sự hỗ trợ, vào cuộc từ phía Nhà nước, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu không có chính sách từ Nhà nước, doanh nghiệp cũng sẽ tự làm kinh tế tuần hoàn, vì đây là mô hình tất yếu”, ông Vượng nhấn mạnh.

Theo TheLEADER

 

 

Bài viết liên quan
Phát triển xanh là yêu cầu
bắt buộc của các doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp cho biết có đầy đủ tiềm lực để hiện thực hóa tiềm năng của quốc gia trong việc phát triển xanh và thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Sáng 27-11, Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon (GREEN MEDIA […]

Hàng loạt giải pháp cho ngành công nghiệp tái chế bắt nhịp với quy định EPR

Hướng đến việc triển khai thành công quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam, mới đây, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã có các đề xuất gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến từng vấn đề, hiện trạng […]

Rác ngày càng nhiều, công nghiệp tái chế vẫn chịu nhiều ‘nút thắt’

Ngành công nghiệp tái chế Việt Nam còn nhiều hạn chế khi đơn vị tái chế chủ yếu là các làng nghề, sử dụng công nghệ tái chế lạc hậu, thủ công, phát sinh rất nhiều bụi, khí thải độc hại. Cần phân bổ ngân sách cho các cơ sở tái chế đầu tư công nghệ, nâng […]

Nguồn gốc rác thải nhựa ở
Việt Nam khác biệt với thế giới

Bình quân mỗi ngày Việt Nam thải ra môi trường trên 8.000 tấn rác thải nhựa. Thông tin mới nhất của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) cho biết, kết quả phối hợp nghiên cứu với Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, bình quân […]

TP.HCM có máy tái chế
vỏ chai nhựa tại chỗ

Dự kiến đến đầu năm 2024 sẽ có hơn 100 máy tái chế chai nhựa được đặt tại các siêu thị và trường học trên cả nước. Ngày 18-10, máy tái chế vỏ chai nhựa đầu tiên từ Công ty Botol Việt Nam đã được áp dụng tại cửa hàng Annam Gourmet (41 Thảo Điền, TP […]