Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT); ông Hoàng Mạnh Hà – Tổng Biên tập Báo TN&MT, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon; bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM; các công ty môi trường đô thị, các chuyên gia trong lĩnh vực tái chế rác thải và đại diện của một số tổ chức phi chính phủ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam cho biết: Quy định EPR sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 nên việc tổ chức Hội thảo “Hướng đến việc triển khai thành công quy định EPR tại Việt Nam” với mục tiêu đóng góp cho sự hoàn thiện về cách thức phát triển hiệu quả hệ thống thu gom, tái chế rác thải bao bì tại Việt Nam, cùng với những giải pháp thực thi trong lộ trình chuẩn bị và triển khai EPR. Đây được xem là cơ hội để tất cả các bên có liên quan cùng gặp mặt, trao đổi và đóng góp ý kiến để việc thực thi EPR tại Việt Nam sẽ được triển khai thuận lợi và hiệu quả.
Cũng theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR như một quy định bắt buộc của Luật Bảo vệ môi trường. Đây được xem là một bước tiến rất dài và một nỗ lực đáng kể của quốc gia trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau. Do đó, những người tiên phong luôn là những người làm các công việc khó khăn nhất.
“Hành trình thực hiện EPR tại Việt Nam chắc chắn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự đồng hành của các cơ quan của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng như người dân và các tổ chức tình nguyện hoạt động phi lợi nhuận như PRO Việt Nam hứa hẹn việc triển khai EPR sẽ hiệu quả và bền vững” – ông Trai khẳng định.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, trong hành trình thực hiện EPR tại Việt Nam, vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông hết sức quan trọng trong việc tạo nhận thức để thay đổi hành vi tiêu dùng, nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn…, đồng thời, tạo ra sự cộng hưởng của toàn xã hội góp phần nâng cao hiệu quả trong vấn đề thu gom và tái chế.
“PRO Việt Nam đánh giá rất cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong công cuộc thực hiện EPR tại Việt Nam. Một trong những điểm sáng gần đây nhất là việc Hội Nhà Báo Việt Nam đã cho phép thành lập Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh để đồng hành tuyên truyền phổ biến các chính sách, pháp luật trong sứ mệnh hướng đến một Việt Nam xanh – sạch – đẹp” – ông Trai chia sẻ.
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp xử lý chất thải đã cùng nhau trao đổi và đưa ra những ý kiến đóng góp với mục đích thực hiện EPR tại Việt Nam được hiệu quả hơn. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh – Giám đốc Quốc gia Tổ chức hành động vì Môi trường và Phát triển tại Việt Nam (ENDA Việt Nam), việc Quy định EPR hiện nay tại Việt Nam có thành công hay mang lại hiệu quả tốt hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc phân loại rác thải tại nguồn của hộ gia đình, hộ kinh doanh, người mua bán và người tiêu dùng.
Cũng theo bà Linh, Quy định EPR sẽ thúc đẩy việc thành lập các công ty tái chế chuyên nghiệp cạnh tranh trực tiếp với các cơ sở tái chế tại các làng nghề hoặc mua lại hay sáp nhập các cơ sở tái chế thành các cơ sở chuyên nghiệp hơn và mạnh hơn. Cùng với đó, Quy định EPR cũng sẽ yêu cầu các cơ sở tái chế phải đáp ứng các tiêu chỉ, tiêu chuẩn cao hơn về các quy định của pháp luật. Qua đó, giúp cho quá trình quản lý và hoạt động được ổn định và bền vững hơn.
Theo ông Hoàng Trung Sơn – Chủ tịch VPPA, Tổng Giám đốc Công ty giấy Đồng Tiến, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì hệ thống thu gom rác ở các cơ sở chưa được phân loại nguồn nên khi đưa về nhà máy tái chế rất mất công và thời gian. Theo số liệu ước tính, hiện tổng sản lượng vỏ hộp đồ uống giấy các thương hiệu đưa ra thị trường Việt Nam tiêu thụ là khoảng 100.000 tấn/năm và có tỷ lệ thu gom tái chế chưa đến 5%, rất thấp nếu so với tỉ lệ thu gom các loại giấy nói chung là gần 48%. Thách thức trong việc tái chế hiện nay đưa ra là việc tái chế gây hao mòn thiết bị nhanh, chi phí bảo trì – bảo dưỡng cao. Ngoài ra, tỉ lệ thu hồi sơ sợi thấp hơn so với tái chế giấy thông thường, tối đa chỉ đạt 65%.
“Thời gian tới, cần ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống phân loại tại nguồn, cơ sở hạ tầng thu gom và các trung tâm phân loại. Trong đó, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom chuyên nghiệp, kết hợp phân loại tại nguồn. Cùng với đó, phát huy vai trò năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của khối chính thức trong lĩnh vực”, ông Sơn đề xuất.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Quế Lâm – Phó trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng – Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) cho biết: “Tại TP.HCM có khoảng 20-25% phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Song kết quả chưa đạt theo mục tiêu đề ra do hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt còn dàn trải, chưa tập trung.
Hiện tại, CITENCO đã xây dựng mạng lưới thu gom chất thải tái chế; đồng thời, xây dựng trạm thu mua chất thải tái chế từ chương trình phân loại rác sinh hoạt. Cạnh đó, CITENCO còn xây dựng trạm thu hồi chất thải tái chế. Theo đó, trạm sẽ thu mua chất thải được phân thành loại riêng và phân loại phế liệu hỗn hợp có tỉ lệ nhựa cao”.