Phát triển KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, giúp đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sau đây là một số quan điểm, ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong phát triển KTTH tại Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa KTTH vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Điều 142 của Luật quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/01/2022 đưa ra những quy định chi tiết hơn về tiêu chí; những quy định đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, chủ dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung trong việc thực hiện để đạt được tiêu chí KTTH.
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động, dự án áp dụng mô hình KTTH thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường, dự án được cấp tín dụng xanh theo quy định của pháp luật được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật khác có liên quan và cơ chế khuyến khích về Tín dụng xanh, Trái phiếu xanh theo quy định tại Nghị định này…
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH, gửi lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Trước mắt, mục tiêu đến năm 2030, KTTH được phổ biến, áp dụng rộng rãi và là nguyên tắc, cách tiếp cận ưu tiên trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, quản lý chất thải ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế.
Dự thảo Kế hoạch cũng đề ra 17 nhóm nhiệm vụ, hoạt động với 56 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể theo 5 chủ đề, bao gồm: Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện KTTH (3 nhóm với 10 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu lực quản lý nhà nước về KTTH (3 nhóm với 6 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng (5 nhóm với 19 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); Quản lý chất thải để thực hiện KTTH (3 nhóm với 10 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); Tăng cường liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện KTTH (3 nhóm với 9 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể).
Dự kiến đến năm 2030, các bộ, ngành sẽ hoàn thành việc xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng thực hiện KTTH cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Dự thảo kế hoạch đề xuất 35 nhóm vật liệu, sản phẩm, chất thải và dịch vụ thuộc 9 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện KTTH phân theo lộ trình đến năm 2030. Cụ thể, nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ và thủy sản; nhóm ngành năng lượng; nhóm ngành khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; nhóm ngành xây dựng và giao thông vận tải; nhóm ngành quản lý chất thải; nhóm lĩnh vực trung gian, cộng sinh (như khu công nghiệp, khu đô thị, du lịch…); lĩnh vực hỗ trợ cho thực hiện KTTH (thiết kế sinh thái, tư vấn, cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm).
Ở cấp độ quốc gia, việc thực hiện KTTH sẽ được đánh giá dựa trên nhiều chỉ tiêu cụ thể về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; hiệu quả kinh tế – xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tiên phong về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) trong khu vực. Mô hình EPR tại Việt Nam được áp dụng vào đầu năm 2024 và là mô hình đáng được học hỏi. Trước đây, nhiều nước cứ nghĩ Việt Nam chỉ có thế mạnh trong xuất khẩu nông nghiệp, sản phẩm giá trị thấp thì giờ đây sẽ biết đến Việt Nam là nước có thể sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao, đặc biệt là các sản phẩm có nguyên liệu là rác thải được thu gom và tái chế.
Nắm bắt cơ hội, cộng với kinh nghiệm gần 40 năm trong ngành nhựa (từ năm 1987), Duy Tân đã tập trung sang lĩnh vực mới mang giá trị chất xám cao hơn là nhựa tái sinh và nhựa kĩ thuật cao.
Với nhựa tái sinh, Công ty lựa chọn đầu tư thành lập nhà máy nhựa tái chế chất lượng cao. Đây được xem là một bước tiến đúng đắn. Mặc dù gặp nhiều thách thức nhưng vẫn cần có người tiên phong thực hiện. Chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu từ năm 2016 cho đến nay và chúng tôi rất vui mừng khi nhận được nhiều sự ủng hộ của các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp trong suốt hành trình đó.
Với nhựa kĩ thuật cao, chúng tôi cũng có Công ty MIDA – chuyên thiết kế và sản xuất khuôn cho các ngành điện, điện tử, xe hơi và y tế. Các khuôn chất lượng cao của MIDA được ứng dụng cho các sản phẩm nổi bật trên thị trường: đồng hồ Casio G-shock, loa Sony, máy lạnh Sharp, máy hút bụi Samsung, máy quét mã vạch Datalogic,… Bên cạnh đó, MIDA đã thiết kế và sản xuất hơn 4.000 sản phẩm khuôn cung cấp cho các tập đoàn lớn trên thế giới: Schneider Electrics, Canon, Amphenol, Furukawa, Eldor,…
Hiện, nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân tự hào đạt chứng nhận Doanh nghiệp Công nghệ cao do Bộ Khoa học & Công nghệ cấp. Chúng tôi luôn vận hành theo tiêu chí 3 không: Không rác thải – Không khí thải – Không nước thải. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chúng tôi tự hào có hệ thống 21 chứng nhận đảm bảo đầy đủ về những yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm như FDA của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, chứng nhận EFSA từ Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu, cũng như hệ thống các chứng nhận ISO. Năm 2023, chúng tôi đã xuất khẩu 10.800 tấn hạt nhựa tái sinh sang 11 nước trong đó có Hoa Kỳ và châu Âu. Để vào được thị trường khó tính này đòi hỏi rất chặt chẽ về mức độ an toàn của sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội cũng có rất nhiều thách thức. Khi EPR được thi hành rộng rãi sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Hiện, ngành tái chế Việt Nam vẫn còn non trẻ, nếu các “ông lớn” với những khoản đầu tư khổng lồ gia nhập vào đường đua này chính là thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước.
Vì vậy, các doanh nghiệp quốc nội muốn cạnh tranh cần đầu tư nghiên cứu, học hỏi chuyên sâu để có thể tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, sự đồng hành, ủng hộ của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chính là động lực mạnh mẽ đối với chúng tôi trên hành trình hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Và hơn hết, tôi nghĩ rằng, các cơ quan, ban ngành nên tạo điều kiện nhiều hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển về đầu tư công nghệ và học hỏi kinh nghiệm để có thể thực hiện và phát triển nhiều hơn trong ngành.
Là thành viên Ban Chấp hành của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, tôi có cơ hội làm việc cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường trên cả nước. Qua đó, tôi cảm nhận được tình yêu nước của các doanh nghiệp là rất cao. Vì lẽ đó, chúng ta nên ủng hộ và đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt trong hành trình chung tay góp phần vì một môi trường Việt Nam xanh – sạch – đẹp.
Riêng bản thân tôi, tôi rất tự hào khi đến Hoa Kỳ và sử dụng những sản phẩm bao bì nước uống có nguyên liệu là rác thải nhựa được thu gom và tái chế tại Việt Nam. Hi vọng rằng, trong tương lai, Việt Nam sẽ là một trong những nước tiên phong trong khu vực về sử dụng các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Nhằm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên – Huế xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện KTTH, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp thực hiện nghiên cứu dòng vật liệu để đánh giá tác động kinh tế – xã hội và môi trường. Đây là nghiên cứu dòng vật liệu đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ Huế trở thành địa phương tiên phong đề xuất một lộ trình rõ ràng thúc đẩy phát triển KTTH dựa trên các bằng chứng cụ thể.
Bằng cách tập trung vào những gì đã có và thay đổi thiết kế của các sản phẩm và tài sản mới, khái niệm KTTH có thể giúp tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định lộ trình phát triển nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tạo động lực tăng trưởng cho khu vực tư nhân dựa trên việc “khai thác” nguyên vật liệu thứ cấp và tái tạo.
Phân tích dòng chuyển hóa vật liệu đã xác định 14 can thiệp áp dụng các nguyên tắc KTTH, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm chất thải và dấu chân nước, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế và tạo việc làm. Trong đó bao gồm: Thúc đẩy kiến trúc tuần hoàn; Nâng cao năng lực xây dựng ngoài công trường và kiểu mô-đun; Cung cấp thực phẩm lành mạnh với chuỗi giá trị hiệu quả; Tăng cường xử lý phi tập trung chất thải hữu cơ; Ưu tiên nông nghiệp hữu cơ, sử dụng tài nguyên hiệu quả; Hỗ trợ giao thông năng động và công cộng; Tối ưu hóa độ hữu dụng/hiệu suất phương tiện và điện khí hóa đội xe; Tránh chất thải phát sinh và tối đa hóa lượng thu hồi; Tăng hàm lượng tái chế và tái tạo trong hàng may mặc; Thí điểm các sáng kiến tuần hoàn trong du lịch; Lồng ghép mua sắm tuần hoàn; Cấp tài chính cho các mô hình kinh doanh tuần hoàn và khởi nghiệp; Giáo dục về KTTH; Đảm bảo tiếp cận công bằng và củng cố tư pháp.
Nhìn chung, những can thiệp này có thể giảm 17% lượng phát thải vào năm 2030 so với kịch bản cơ sở là 4,7 tấn CO2tđ/năm (với giả định rằng phát thải khí nhà kính ở Thừa Thiên – Huế có kịch bản tăng trưởng tương tự như phát thải của toàn quốc). Đến năm 2050, tiềm năng giảm nhẹ khí nhà kính tăng tới 38%. Lợi ích khác của các can thiệp KTTH là giảm 7% dấu chân các-bon (lượng khí nhà kính tạo ra do các hoạt động của con người) từ hàng hóa và nguyên vật liệu nhập khẩu, tỷ lệ này sẽ đạt 12% vào năm 2050. Lượng phát thải giảm đi này sẽ hỗ trợ các tỉnh khác của Việt Nam và các đối tác thương mại nước ngoài thực hiện các cam kết về khí hậu của họ.
Đến năm 2030, Huế có thể giảm gần 70% lượng chất thải phát sinh, chủ yếu từ xây dựng và giảm lãng phí và thất thoát thực phẩm; kết hợp với tránh phát sinh và thu hồi chất thải nhờ KTTH. Việc thu hồi và tái chế các vật liệu cũng có thể hỗ trợ tạo ra giá trị trong ngành công nghiệp và quản lý chất thải. Các biện pháp can thiệp này đặc biệt mang lại cơ hội tạo việc làm chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông và quản lý chất thải.
Những ước tính về tác động của dòng vật liệu là chỉ dấu cho thấy quy mô của nền KTTH và những biện pháp can thiệp có thể mang lại lợi ích tối đa về mặt giảm tổn thất vật liệu/phát thải khí nhà kính. Trên cơ sở này, Viện sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất cho tỉnh để xây dựng chương trình hành động về KTTH giai đoạn 2022 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cùng với đó, triển khai thí điểm một số mô hình phù hợp sau khi đánh giá/ chọn lựa ưu tiên trong giai đoạn 2022 – 2025. Tác động tích cực có thể thấy được là tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh, bền vững và tạo thêm nhiều việc làm xanh trong thời gian tới.
Bước tiến của nền KTTH là đi theo con đường vòng tròn, có bắt đầu nhưng không có kết thúc. Dựa trên nguyên lý này, khu công nghiệp (KCN) sinh thái Nam Cầu Kiền đã tiếp cận KTTH theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu, tạo nên vòng tròn cộng sinh công nghiệp đối với các ngành nghề chủ lực. Việc xác định các nhóm ngành sản xuất, nhóm doanh nghiệp có khả năng phát sinh khí thải, phế liệu ảnh hưởng đến môi trường, nhóm ngành xử lý, tái chế chất thải… tạo thuận lợi trong công tác quản lý và hình thành các chuỗi liên kết cộng sinh, cung ứng sản xuất theo mô hình KTTH.
Ban quản lý KCN Nam Cầu Kiền và các doanh nghiệp đã phối hợp xây dựng quy trình công nghệ sản xuất cho một số ngành để nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Điển hình là đã kiến tạo thành công chuỗi cộng sinh công nghiệp tuần hoàn trong ngành sản xuất thép. Nếu như năm 2015, 90% hàng hóa đầu vào sản xuất đến từ ngoài KCN thì nay, toàn bộ đều đã có trong KCN, giúp tiết kiệm tối đa chi phí logistic và diện tích kho, bãi. Tỷ lệ nguyên liệu nguyên sinh giảm dưới 5%, nguyên liệu tái chế trên 98%.
Bên cạnh đó, KCN Nam Cầu Kiền cũng phát triển hệ thống quản lý và xử lý nước thải trong sản xuất theo hướng tuần hoàn. Bằng việc tái sử dụng, tuần hoàn trên 70 % lượng nước phát sinh, chúng tôi có thể cung cấp nhu cầu cho các doanh nghiệp tiêu thụ rất lớn, giảm chi phí nước cho các doanh nghiệp đó lên đến 15% và vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như dây chuyền sản xuất.
Cùng với tuần hoàn nước, KCN đã xây dựng chuỗi cộng sinh tuần hoàn để xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại với công nghệ tiên tiến, đáp ứng khả năng thu gom và xử lý cho tất cả nhà đầu tư trong KCN và các đối tác lớn khác trên địa bàn TP. Hải Phòng, cũng như các tỉnh lân cận. Việc tham gia vào chuỗi cộng sinh công nghiệp tại Nam Cầu Kiền giúp các doanh nghiệp nâng cao rõ rệt về hiệu quả kinh tế và môi trường. Hiện nay, KCN đang trong lộ trình tiến tới phát thải ròng bằng “0” cả về rác thải và khí thải các-bon, phủ điện mặt trời trên mái KCN… và mong chờ chính sách về năng lượng tái tạo sẽ giúp đạt mục tiêu zero carbon vào thời gian ngắn nhất.
Nếu xét ở góc độ cấp địa phương, KCN Nam Cầu Kiền đã kết nối các hoạt động kinh doanh và sản xuất thành vòng tuần hoàn vật liệu trong một không gian kinh tế nhất định. Cụ thể là trong nội tại KCN và giữa các doanh nghiệp của KCN Nam Cầu Kiền với các doanh nghiệp bên ngoài, hoặc các hoạt động kinh tế – xã hội bên ngoài. Trong tương lai, tham vọng của chúng tôi là xây dựng KTTH theo vùng. Như Hải Phòng có nhiều KCN, việc liên kết, nhân rộng mô hình sẽ tạo ra một vùng KTTH. Xa hơn là mở rộng và xây dựng KCN tại các địa phương khác. Điều này tương ứng với việc mở rộng “vòng tròn” KTTH, với vòng lõi là mô hình cộng sinh trong KCN, tiến tới mô hình cộng sinh trong vùng và sau đó là liên kết lan tỏa toàn đất nước.
Hiện nay, KCN đã xây dựng bộ tiêu chuẩn sinh thái riêng để đảm bảo mô hình KTTH đạt hiệu quả lâu dài. Mục tiêu nhằm thực hiện KTTH trong mọi hoạt động, xây dựng lộ trình, cơ sở dữ liệu KTTH cho các doanh nghiệp hiệu quả; chuẩn bị cho việc chuyển dịch nhu cầu với các tài nguyên khi thực hiện KTTH. Đồng thời, thực hiện KTTH gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Tới đây, chính sách cho KTTH được hoàn thiện sẽ là cẩm nang cho doanh nghiệp hành động. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là đưa ra thông điệp để tất cả các doanh nghiệp đều thấy rằng tham gia chuỗi cộng sinh sẽ chỉ có lợi cho họ và đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam.