Vượt qua quy trình xét duyệt tín dụng xanh nghiêm ngặt của HSBC, khoản tín dụng sẽ giúp DOHACO nhập khẩu, hoặc mua giấy thải từ các nhà cung cấp trong nước để làm nguyên liệu chính cho quá trình sản xuất các sản phẩm làm từ giấy.
Ông Lương Văn Thành, Chủ tịch HĐQT DOHACO, cho biết với mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, DOHACO chỉ tập trung đầu tư vào sản xuất giấy bao bì công nghiệp và thùng carton.
Công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng môi trường ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015, hệ thống quản lý FSC, cùng với thường xuyên xem xét việc nâng cấp, cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải.
“Điều đó khẳng định các vấn đề bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường luôn được DOHACO đưa lên hàng đầu trong quá trình sản xuất kinh doanh. Do vậy, DOHACO vô cùng hoan nghênh chính sách hỗ trợ của HSBC đối với những doanh nghiệp “xanh”. Hy vọng rằng DOHACO và HSBC Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhau trong thời gian tới, vì mục tiêu chung nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, ông Thành chia sẻ.
Cả DOHACO và HSBC đều có chiến lược chuyển đổi rõ ràng trong quá trình chuyển sang cân bằng phát thải, đồng thời chia sẻ tầm nhìn và định hướng trong chiến lược phát triển bền vững.
Khoản tín dụng xanh này ghi dấu nỗ lực của HSBC Việt Nam trong việc hỗ trợ đa dạng cho các lĩnh vực khác nhau trong toàn bộ nền kinh tế, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào hoạt động xanh hóa ngành sản xuất và nền kinh tế Việt Nam.
Bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, nhận định ngành công nghiệp giấy đã có sự tăng trưởng rất quan trọng, trong đó sản phẩm bao bì giấy ngày càng phổ biến trên thị trường.
Hoạt động tái chế giấy và tiêu thụ các sản phẩm làm từ giấy tái chế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp giấy giảm lượng khí thải carbon.
“Ngành công nghiệp này tại Việt Nam có tiềm năng kinh tế rất to lớn, và HSBC rất tự hào có thể hỗ trợ chuỗi cung ứng của ngành trong hoạt động thu mua giấy tái chế. Cùng với kinh nghiệm sâu rộng trong việc cấu trúc các khoản tín dụng xanh và bền vững, HSBC tự hào được đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình quan trọng này thông qua hoạt động tài trợ thương mại bền vững”, bà nhấn mạnh.
Ngoài nhựa, giấy là vật liệu rất phổ biến, thường được sử dụng trong nhiều sản phẩm, bao bì dùng một lần. Do không có tính chất chống thấm nước, nhiều sản phẩm giấy phải kết hợp thêm với nhựa, kim loại, khiến hoạt động tái chế giấy tương đối phúc tạp.
Đây là lý do khiến lĩnh vực tái chế giấy là sân chơi không phải doanh nghiệp nào cũng dám tham gia, dù nhu cầu tái chế giấy đang ngày càng tăng cao.
Một loạt doanh nghiệp thuộc Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) như Tetra Pak, TH Truemilk, FrieslandCampina, Nestlé… có sử dụng bao bì giấy, đang đặt mục tiêu tái chế 100% bao bì đến năm 2030.
Mặt khác, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cũng bắt buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế bao bì kể từ năm 2024.