Doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho công cụ thu gom, tái chế bắt buộc như thế nào? (Phần 4)

18/04/2022

Phát triển thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, tạo đầu ra cho tái chế là động lực quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế.

Nhựa Duy Tân tiên phong cung cấp giải pháp bao bì nhựa rPET cho đối tác

Nhận xét về công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, đại diện cho ngành tái chế, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, nhận xét, công cụ này là “những viên gạch đầu tiên” để xây dựng ngành công nghiệp tái chế hiện đại, đạt tiêu chuẩn.

Ngành tái chế thực tế đã tồn tại và âm thầm hoạt động suốt nhiều năm nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, từ trước đến nay, hoạt động này chủ yếu được thực hiện bởi khu vực phi chính thức, là các làng nghề, cơ sở tái chế tự phát.

Tính tự phát, cùng với thực trạng chất thải rắn lẫn lộn, rác tái chế nhiều tạp chất khiến công tác tái chế của nhóm này tồn tại nhiều bất cập. Đó là vấn đề về chất lượng sản phẩm tái chế không cao, xử lý chất thải phát sinh chưa hiệu quả… Suốt một thời gian dài, ngành tài chế “mang tiếng xấu”, dù đang tích cực đóng góp vào câu chuyện vệ sinh môi trường.

Cùng công cụ EPR, ngành tái chế được hưởng lợi với nguồn rác thải tái chế đầu vào chất lượng cao hơn, cùng với khoản đầu tư tài chính. Có thể nói, EPR là giúp giải quyết được khâu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế. Tuy nhiên, để thực sự phát triển mạnh mẽ, cần phải xây dựng cả đầu ra cho ngành này.

Thị trường thứ cấp

Tiên phong thiết lập kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì với việc bắt tay cùng các đối thủ cạnh tranh để thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), La Vie cũng là thương hiệu nước khoáng tiên phong sử dụng chai nhựa có thành phần là nhựa tái sinh.

Cụ thể, chai nhựa sử dụng cho nước khoáng La Vie có 50% thành phần là nhựa PET tái chế (nhựa rPET), ban đầu được áp dụng cho loại dung tích 700ml. Ông Fausto Tazzi, Tổng giám đốc La Vie Việt Nam kiêm Phó chủ tịch PRO Việt Nam, cho biết, nhựa tái chế sẽ được mở rộng sử dụng cho cả các dòng sản phẩm khác và kỳ vọng sẽ cho ra đời chai nhựa 100% rPET.

Tiếp nối hoạt động của La Vie, thương hiệu nước tinh khiết Dasani đến từ Coca Cola Việt Nam, một thành viên sáng lập khác của PRO Việt Nam, cũng đã sử dụng 100% nguyên liệu tái chế rPET. Chai nhựa 100% rPET là sáng kiến được tập đoàn Coca Cola toàn cầu giới thiệu đầu tiên như một giải pháp cốt lõi thực hiện cam kết không phát thải.

Không tỏ ra yếu thế trước “đối thủ truyền kiếp”, nhãn hàng Pepsi của Suntory Pepsico Việt Nam mới đây đã họp báo công bố chai nhựa 100% rPET. Đại diện Suntory Pepsico cho biết, bao bì nhựa tái sinh của công ty đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, cũng như các tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu như FDA; EFSA…

Doanh nghiệp ngành tái chế cũng không “ngồi yên” đợi hỗ trợ. Nhựa Duy Tân, một thành viên của PRO Việt Nam, chuyên cung cấp đồ nhựa gia dụng và bao bì nhựa cho doanh nghiệp, đã tiên phong định hướng các đối tác sử dụng bao bì tái sinh. Mới đây, 60 triệu USD đã được công ty này rót vào dự án nhà máy tái chế theo công nghệ “bottles to bottles” (chai nhựa cũ thành chai nhựa mới).

Giá nhựa tái sinh hiện vẫn cao hơn nhựa nguyên sinh nhưng một số khách hàng của Duy Tân đã đặt vấn đề tìm hiểu, cân nhắc sử dụng, trong đó có các tên tuổi lớn về hàng tiêu dùng nhanh như La Vie; Nestlé; Unilever…

Thực tế, việc Coca Cola, Suntory Pepsico, La Vie, Nhựa Duy Tân hay một số doanh nghiệp khác sử dụng nhựa tái sinh có thể chưa đáp ứng được hết nhu cầu về đầu ra của ngành công nghiệp tái chế nhựa.

Tuy nhiên, sự tiên phong của nhóm doanh nghiệp lớn, có vị thế nhất định trên thị trường sẽ góp phần quan trọng xóa bỏ định kiến “nhựa tái chế là nhựa bẩn” của cả cộng đồng doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Về lâu dài, theo đại diện ngành tái chế, Nhà nước cần có thêm các quy định về tỷ lệ bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái sinh trong sản phẩm đồ dùng, bao bì nhựa. Quy định này không chỉ giúp đảm bảo đầu ra cho ngành tái chế mà còn gián tiếp tạo sức ép kiểm soát chất lượng tái chế.

Theo TheLEADER

 

Bài viết liên quan
KPMG: Việt Nam cần 9 tỷ USD để giảm rác thải nhựa

Để đạt được các mục tiêu giảm nhựa, chuyên gia của KPMG cho rằng Việt Nam cần huy động 9 tỷ USD trong 5 năm tới. Tại hội thảo triển khai Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) do Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Chương trình Phát triển Liên […]

EPR định hình tương lai ‘xanh’ của ngành giấy

Cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đang mở ra cơ hội lớn cho ngành giấy Việt Nam, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả tái chế… Đây là nhận định của ông Lương Chí Hiếu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hiệp hội […]

Người Đông Nam Á đang ‘ăn nhựa mỗi ngày’ mà không hay biết

Vi nhựa đang âm thầm len lỏi vào chuỗi thực phẩm của khu vực Đông Nam Á, trong đó người dân Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam được cho là ‘ăn’ nhiều hạt vi nhựa nhất thế giới. Quan sát qua kính hiển vi, những đốm đen trên màn hình hiển thị những mảnh nhựa […]

[Tiêu điểm thành viên] Suntory Pepsico: Hợp tác công – tư bảo tồn nguồn nước gắn với rừng đầu nguồn

Chương trình ‘Water of Life: Bảo tồn nguồn nước – Vì một Việt Nam xanh’ năm 2025 nằm trong khuôn khổ hợp tác công – tư hướng đến bảo tồn rừng, nguồn nước… Ngày 5/7 tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Công ty TNHH Nước […]

Ngành bao bì và tái chế ‘bứt tốc’ trên đường đua xanh

Ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đầu tư bao bì theo chuẩn bền vững xuyên suốt từ thiết kế đầu vào đến tái chế đầu ra. Chị Đoàn Trần Hoàng My sử dụng máy Botol đặt tại cửa hàng Annam Gourmet để tái chế các chai nhựa – Ảnh: QUANG ĐỊNH. Theo Bộ […]