(Bài viết thuộc Chuyên mục Việt Nam Xanh của Tạp chí Tuổi Trẻ Cuối Tuần – được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM)
Trong thập niên qua, trồng cây gây rừng gần như đã thành mốt. Ngày nay có không dưới 3 chiến dịch tham vọng trồng nghìn tỉ cây xanh, trong đó có Sáng kiến Một nghìn tỉ cây xanh của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được triển khai năm 2020.
Lợi ích của trồng cây gây rừng tưởng chừng quá rõ ràng: những khu rừng mới sẽ hấp thụ một phần lượng khí thải CO2, cung cấp môi trường sống hoang dã, mang đến lợi ích cho cộng đồng địa phương. Trồng cây lại có vẻ dễ dàng thực hiện hơn nhiều so với cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong sinh hoạt hay sản xuất.
Vấn đề nằm ở chỗ chỉ trồng một cái cây khác biệt rất lớn với việc đảm bảo rằng cái cây đó sẽ tồn tại, phát triển lâu dài và phù hợp đa dạng sinh học.
Năm 2022, tạp chí điện tử Yale Environment 360 (E360) đã “trao giải” dự án trồng rừng thất bại ngoạn mục nhất và nhanh nhất từ trước đến nay cho hoạt động trồng 1 triệu cây rừng ngập mặn cách đó tròn 10 năm tại một ngôi làng thuộc tỉnh Camarines Sur trên đảo Luzon (Philippines).
Đó là ngày 8-3-2012. Sau một tiếng quần thảo bãi bồi ven biển, đội ngũ tình nguyện viên địa phương hoàn thành nhiệm vụ gieo 1 triệu cây giống. Chính quyền tỉnh tự hào biểu dương kết quả trên như một thành công vang dội và liền tiếp sau đó là buổi lễ trao Kỷ lục Guinness thế giới công nhận thành tích địa phương trồng được nhiều cây nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Báo chí thi nhau đưa tin này.
Thấm thoắt đã 10 năm. Dự án hoành tráng ngày nào lại lên báo nhưng trong tình cảnh hoàn toàn ngược lại. Một nghiên cứu thực tế do chuyên gia phục hồi rừng ngập mặn người Anh Dominic Wodehouse công bố năm 2020 bởi cho thấy chưa đến 2% trong số cây được trồng từ dự án sống sót; 98% còn lại đã chết hoặc bị cuốn trôi.
Trong thư gửi thanh tra Kỷ lục Guinness năm 2022, một chuyên gia phục hồi rừng ngập mặn viết: “Tôi đã đi bộ, chèo thuyền và bơi qua toàn bộ địa điểm này. Những cây sống sót còn bám trụ là nhờ được che chở sau một bãi cát ở cửa sông. Mọi thứ khác đều biến mất”.
Chia sẻ với E360, vị chuyên gia không nêu tên cho biết kết quả này “hoàn toàn có thể đoán trước được”. Khu vực bùn lầy được chọn để trồng cây ngập mặn bị bão và sóng biển làm xói mòn. Mặt khác, nơi này cũng “không phù hợp về mặt sinh thái để trồng rừng ngập mặn vì quá ngập nước và không cung cấp đủ oxy cho [rễ cây] thở”.
Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới không hề nghiệm thu kết quả của dự án trên, cũng như không phát biểu gì theo lời đề nghị của E360. Những sự cố thế này không hề hiếm gặp mà xảy ra thường xuyên đến nỗi các nhà khoa học lâm nghiệp cảnh báo chúng có thể khiến biện pháp trồng rừng để chống biến đổi khí hậu không còn đáng tin cậy.
Một kỷ lục không kém phần tai tiếng về “những cánh rừng ma”, như cách gọi của E360, thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 11-2019, chính phủ nước này hân hoan đánh bại Kỷ lục Guinness do Bhutan thiết lập 4 năm trước đó bằng cách trồng 303.150 cây ở tỉnh Çorum chỉ trong một giờ.
Đây cũng là một hoạt động hưởng ứng Ngày trồng rừng Thổ Nhĩ Kỳ (11-11). Năm đó, các tình nguyện viên đã trồng tổng cộng 11 triệu cây tại 2.000 địa điểm khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng hai tháng sau, các tổ chức thành viên của liên đoàn công nhân lâm nghiệp quốc gia phát hiện ra rằng có tới 90% diện tích rừng mới trồng đã chết.
Theo tờ The Guardian, dự án triển khai sai thời điểm thích hợp nên không đủ mưa để cây giống phát triển. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận thất bại, cho rằng 95% số cây vẫn sống và tiếp tục phát triển – con số mà các chuyên gia cho là quá khó tin. Hiện vẫn chưa ai thực hiện một cuộc kiểm toán độc lập nào để xác minh con số này.
Một cuộc điều tra được công bố năm 2021 hầu như không tìm ra bằng chứng cho thấy phong trào trồng cây do chính phủ tổ chức trong nhiều thập niên ở bang Himachal Pradesh, miền bắc Ấn Độ, đạt hiệu quả tăng độ che phủ rừng, hấp thụ carbon hay mang đến lợi ích cộng đồng.
Nguyên do: các loài cây mọc trên đất công mà người dân địa phương có thể dùng làm thức ăn gia súc và củi bị thay thế bằng những khu đất trồng các loại cây phát triển nhanh nhưng kém hữu ích hơn, có rào chắn tách biệt khỏi cộng đồng địa phương.
Điểm chung của những thất bại này là không có cả khảo sát hoặc lập kế hoạch tiền khả thi trước khi thực hiện, dẫn đến những nguyên nhân thất bại như trồng phải loài cây dễ bệnh, mâu thuẫn lợi ích về đất trồng, khí hậu thay đổi, trồng ở những nơi trước đây chưa có rừng, vị trí trồng không phù hợp, loại cây được chọn không thích hợp, trồng sai phương pháp và thiếu chăm sóc sau khi trồng.
Theo chuyên gia Lalisa Duguma của Tổ chức World Agroforestry (Nairobi, Kenya), hằng năm hàng triệu đô la được chi cho công tác trồng lại cảnh quan rừng, song “có rất ít câu chuyện thành công”.
Vấn đề nhức nhối hơn là thất bại thì nhiều nhưng cũng chẳng mấy ai để tâm đến. Người ta chỉ chăm chăm quan tâm tỉ lệ trồng, còn khâu kiểm tra tỉ lệ sống sót và giám sát lâu dài sau khi gieo trồng bị bỏ mặc. Sau thời hạn ngắn ngủi của dự án, thường là ba năm hoặc ít hơn, mọi thứ rơi vào quên lãng.
Duguma cho rằng đa số phong trào trồng cây chỉ là chiêu trò thu hút sự chú ý và quảng bá hình ảnh chính phủ và doanh nghiệp, rằng ta đây thân thiện với môi trường. Nhiều dự án hóa ra chỉ đơn thuần là “các sự kiện quảng cáo mà không có hành động tiếp theo” – Tiina Vahanen, phó giám đốc lâm nghiệp của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc, chỉ trích.
Tệ hơn, các dự án có tiếng nhưng không xắt ra miếng này sẽ ảnh hưởng những nỗ lực kiềm chế biến đổi khí hậu đúng nghĩa, bởi chúng tạo ra những tín chỉ carbon không có thật, làm nhiễu loạn tình hình.
Theo Đại học Cambridge, hơn 150 triệu tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự cán REDD+ (giảm phát thải từ giảm mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển) trong năm 2021, trị giá 1,3 tỉ USD. Nhiều công ty mua tín chỉ carbon để “bù đắp” phần phát thải của chính họ, như một cách thực thi cam kết “phát thải ròng bằng 0”.
Vấn đề là không có gì được bù đắp nếu tín chỉ carbon mà họ bỏ tiền ra mua lại đến từ các dự án trồng rừng “đầu voi đuôi chuột”, không tạo ra tác động lưu trữ carbon nào.
Một nghiên cứu do giáo sư Andreas Kontoleon ở khoa kinh tế đất đai, Đại học Cambridge đã khảo sát 18 dự án REDD+ tại 5 quốc gia và phát hiện các con số tín chỉ carbon từ dự án rừng chỉ toàn là “tính rợ”, và cao hơn thực tế rất nhiều. Cụ thể, các dự án được khảo sát cho rằng sẽ tạo ra 89 triệu tín chỉ carbon, nhưng chỉ có 6% (5,4 triệu) là thực chất, theo công bố hồi tháng 8-2023.
Mỗi tín chỉ carbon tương đương một tấn phát thải CO2 hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2) quy đổi.
Theo giáo sư Karen Holl và nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Spencer Schubert ở Đại học California, Santa Cruz, các dự án trồng cây gây rừng có thể tránh đi vào vết xe đổ bằng cách nhìn vào các dự án thất bại và “thấy sai ở đâu thì sửa ở đó”. Cụ thể, các dự án nên cam kết thực hiện dài hạn, tập trung thu thập dữ liệu và cải thiện các biện pháp thực hành.
Chia sẻ với trang Vox, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh thay vì trồng cây theo số lượng lớn, nên chú trọng đường dài, bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái ngoài rừng, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để cộng đồng địa phương chăm sóc chúng.
Nhà nghiên cứu rừng Robin Chazdon, cố vấn chiến dịch nghìn tỉ cây xanh của WEF, cho biết nếu làm đúng, thành công chắc chắn trong tầm tay. Đơn cử như dự án trồng khoảng 2,7 triệu cây bản địa do Tổ chức phi lợi nhuận Instituto de Pesquisas Ecológicas thực hiện trong 35 năm qua tại Pontal do Paranapanema, một khu vực ở miền nam Brazil – nơi có các loài dễ bị tổn thương như khỉ đen, sư tử Tamarin quý hiếm sinh sống.
Số cây này cung cấp các sản phẩm hữu ích mà người dân địa phương cần, như trái cây, gỗ xây dựng và một nguồn doanh thu mới từ việc bán cây giống. Đồng thời, chúng tạo ra một mạng lưới hành lang rừng giúp quần thể khỉ phục hồi. Trong trường hợp này, đôi bên thực sự cùng có lợi.
Hăng hái trồng cây nhưng không thành rừng không chỉ gây lãng phí mà đôi khi còn tác dụng ngược. Năm 2019, Chính phủ Mexico tài trợ 69,5 tỉ peso (khoảng 3,6 tỉ USD ở thời điểm đó) cho 400.000 nông dân trồng rừng trên đất của họ. Kết quả bất ngờ là diện tích rừng che phủ tại 20 bang có tham gia chương trình giảm 72.830ha. Theo Bloomberg, nguyên nhân là do nhiều nông dân tham gia dự án đã phát quang một đoạn rừng trước khi trồng cây con xuống đất. Năm 2021, Viện Tài nguyên thế giới (WRI) Mexico ước tính sự sụt giảm trên làm thất thoát khoảng 5,7 đến 8,9 triệu tấn CO2 lẽ ra có thể quy đổi thành tín chỉ carbon.