Bí quyết cho tỷ lệ tái chế trên 90% của các nước châu Âu

14/06/2022

Năm 2019, EU đã chính thức thông qua chỉ thị quy định 90% chai nước giải khát bằng nhựa phải được thu hồi và tái chế vào trước năm 2030. Đây được xem là mục tiêu tham vọng, tác động tới không chỉ EU mà cả những đối tác thương mại của khu vực này.

Tuy nhiên, một thành viên của EU là Phần Lan đã vượt qua mục tiêu này từ năm 2020, với 93% vỏ chai nhựa và vỏ lon nhôm được thu hồi sau khi sử dụng. Con số ấn tượng này không phải nhờ một sáng kiến đột phá về chính sách hay công nghệ mà nhờ vào một hệ thống đã vận hành suốt hơn 70 năm, ăn sâu vào cuộc sống của người dân. Đó là hệ thống đặt cọc – hoàn trả.

Có khoảng 5 nghìn máy đặt cọc – hoàn trả vỏ chai, lon trên khắp đất nước Phần Lan, tức là tỷ lệ khoảng 1 máy trên 1 nghìn người dân. Những chiếc máy này đặt tại hầu hết cửa hàng và kiot bán đồ uống, khiến việc “trả lại” vỏ chai, vỏ lon trở nên thuận tiện.

Khoảng 0,11 – 0,4 euro là khoản tiền người dùng phải “cọc” khi mua đồ uống, tùy thuộc vào loại bao bì được sử dụng. Đây cũng là khoản tiền người tiêu dùng nhận lại được khi “trả” bao bì cho các máy đặt cọc – hoàn trả.

Ăn sâu vào đời sống của người dân, việc trả lại bao bì trở thành một phần tất yếu. Bất kỳ vỏ chai, lon nào bị vứt bừa bãi trên đường phố cũng sẽ nhanh chóng được người khác nhặt lại để hoàn trả và lấy tiền cọc.

Ước tính, mỗi người dân Phần Lan trả lại khoảng 373 vỏ bao bì đồ uống mỗi năm, gồm 251 lon nhôm, 98 chai nhựa và 24 chai thủy tinh. Khoảng 360 triệu euro là khoản tiền được chi trả cho hoạt động đặt cọc – hoàn trả tại Phần Lan mỗi năm.

Một điểm đặc biệt là hệ thống này được vận hành bởi Palpa, một công ty tư nhân phi lợi nhuận, duy trì hoạt động bằng thu gom, tái chế và không nhận tài trợ từ chính phủ Phần Lan. Đây là minh chứng rõ nét về một hệ thống tái chế có thể tự “sống” theo cơ chế thị trường.

Tại một quốc gia châu Âu khác là Đức, hình ảnh dòng người xếp hàng với những túi đựng đầy chai lọ để hoàn trả đã trở nên vô cùng quen thuộc. Không sử dụng máy như Phần Lan, những bao bì đồ uống được trả trực tiếp tại các cửa hàng.

Bao bì sau đó được vận chuyển để xử lý theo những cách riêng biệt, hoặc tái sử dụng, hoặc tái chế thành những hạt nhựa tái sinh. Theo Cơ quan Môi trường Đức, bao bì thủy tinh có thể tái sử dụng lên tới 50 lần, còn chai nhựa có thể tái sử dụng khoảng 25 lần.

Hệ thống đặt cọc – hoàn trả tại Đức hoạt động rất hiệu quả, giúp cho tỷ lệ thu gom, tái chế vỏ bao bì đạt đến khoảng 97 – 98%, một tỷ lệ được giới chuyên gia môi trường Đức đánh giá là “không thể cao hơn”. Đây là cơ sở để Đức nâng cao tiêu chuẩn đối với bao bì nhập khẩu vào quốc gia này.

Thành công của hệ thống đặt cọc – hoàn trả tại Đức và Phần Lan đã truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác. Tại Ireland, chương trình đặt cọc – hoàn trả chính thức được áp dụng kể từ năm 2022, với lon nhôm và chai nhựa. Một quốc gia châu Âu khác là Malta cũng đặt kỳ vọng vào hệ thống đặt cọc – hoàn trả để đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ thu gom, tái chế lên 90% vào năm 2026, sớm hơn 3 năm so với mục tiêu chung của EU.

Tại Việt Nam, mô hình đặt cọc – hoàn trả đã được áp dụng riêng lẻ bởi một số doanh nghiệp bán bia, đồ uống đựng trong chai thủy tinh. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từng có nội dung luật hóa mô hình đặt cọc – hoàn trả, theo đó cho phép doanh nghiệp được tính thêm một khoản tiền đặt cọc vào giá sản phẩm. Khoản cọc này không tính vào thuế, phí và phải sử dụng để chi trả cho việc thu gom bao bì.

Tuy nhiên, khi chính thức được ban hành, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã không còn quy định này, do tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đưa ra quan điểm, hệ thống đặt cọc – hoàn trả chưa phù hợp với hiện trạng Việt Nam, khi giá cọc bao bì có thể làm đội chi phí, ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng.

Tuy nhiên, PRO Việt Nam thừa nhận mô hình đặt cọc – hoàn trả có thể sẽ phát huy tác dụng tốt cho giai đoạn sau, khi thu nhập bình quân cũng như ý thức của người tiêu dùng về thu gom, tái chế tăng cao.

Từ bài học kinh nghiệm của các nước châu Âu, có thể thấy hệ thống đặt cọc – hoàn trả đem lại hiệu quả tích cực. Đây có thể là giải pháp cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong tương lai, khi lực lượng thu gom rác thải phi chính thức có thể sẽ ngày càng thu hẹp.

The TheLEADER

Bài viết liên quan
PRO Việt Nam Đồng Hành Cùng Sở Du Lịch TP.HCM Tại Hội thảo “Sức mạnh Truyền thông trong Xây dựng và Thúc đẩy Phát triển Bền vững”

Ngày 6/9, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), PRO Việt Nam có mặt tại Hội thảo chuyên đề “Sức mạnh Truyền thông trong Xây dựng và Thúc đẩy Phát triển Bền vững” được tổ chức bởi Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR) với sự đồng hành của […]

PRO Việt Nam Trao Học Bổng Cho Con Em Công Nhân Vệ Sinh Môi Trường CITENCO

Ngày 30-8, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã trao học bổng cho con em của các công nhân vệ sinh môi trường có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM (CITENCO). 39 phần học bổng đã được trao tặng cho […]

PRO Việt Nam Trao 40 Suất Học Bổng Cho Học Sinh, Sinh Viên Là Con Của Công Nhân Vệ Sinh Môi Trường

Ngày 25/8, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) tổ chức lễ trao học bổng năm học 2024 – 2025 cho học sinh, sinh viên là con cán bộ công nhân viên Công ty URENCO. Đây là […]

[TCBC] Lễ Phát Động Chương Trình Thu Gom – Tái Chế Vỏ Hộp Sữa Tại Trường Học Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2024

Ngày 21/8/2024, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) triển khai lễ phát động chương trình “Vệ sĩ môi trường – thu gom và tái chế vỏ hộp sữa” tại trường học trong địa […]

PRO VIỆT NAM CHÍNH THỨC CÓ 30 THÀNH VIÊN

Vừa qua, ngày 13/8/2024, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã tổ chức buổi lễ chính thức chào mừng 8 thành viên mới gia nhập Liên minh trong năm 2024. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự kết nối và hợp tác giữa các thành […]