Ra mắt trang thông tin chiến dịch ‘Chung tay giảm chất thải nhựa’

07/10/2021

Chiến dịch “Chung tay giảm chất thải nhựa” có nhiều hình thức truyền thông nhằm thúc đẩy việc thay đổi hành vi của mọi người, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp hơn.

Thông điệp của Chiến dịch truyền thông “Chung tay giảm chất thải nhựa.” (Ảnh chụp màn hình)

Tại buổi họp báo ra mắt trang thông tin điện tử về Chiến dịch truyền thông “Chung tay giảm chất thải nhựa” diễn ra sáng 7/10, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh rác thải nhựa hiện đang là vấn đề rất đáng báo động.

Trong vài thập kỷ vừa qua, ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất. Một trong những tác nhân chính đó là túi nylon và các sản phẩm từ nhựa dùng một lần. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam – nơi hệ thống xử lý phân loại rác thải nhựa còn hạn chế trong khi túi nylon là mặt hàng miễn phí bị lạm dụng tràn lan.

Từ thực trạng đáng báo động nêu trên, ông Thọ cho biết Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế đã xây dựng trang thông tin điện tử về chiến dịch truyền thông Chung tay giảm chất thải nhựa nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay để giảm rác thải nhựa tại Việt Nam.

Chiến dịch truyền thông trên được thực hiện trong khuôn khổ Dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nylon dùng một lần tại Việt Nam.” Đây là sáng kiến thuộc Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu (EU), Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và do Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp triển khai tại Việt Nam, nhằm mục đích thúc đẩy sử dụng túi thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.

[Nói không với ống hút nhựa: Chung tay hành động vì một Việt Nam ‘xanh’]

Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ có nhiều hình thức truyền thông nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi của toàn xã hội như: Phim ca nhạc “Những chiếc túi biến mất;” triển lãm ảnh trực tuyến “Túi xanh đi chợ, nội trợ thông minh;” tổ chức cuộc thi hát cổ động “Những chiếc túi biến mất…”

Ngoài ra, chiến dịch cũng sẽ xây dựng và đăng tải các sản phẩm truyền thông trên trang thông tin điện tử https://chungtaygiamnhua.com/; tổ chức các hoạt động truyền thông và huy động thêm các đối tác đồng hành giảm thiểu rác thải nhựa.

Chung tay giảm chất thải nhựa. (Ảnh chụp màn hình)

Hiện nay, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bên liên quan cho chiến dịch truyền thông “Chung tay giảm chất thải nhựa” như: Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam), Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH), Đại sứ quán Hà Lan và Touch Việt Nam.

Góp thêm ý kiến, bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm rác thải nhựa của WWF-Việt Nam nhấn mạnh giải quyết ô nhiễm nhựa đòi hỏi phải có một phương pháp tiếp cận tổng hợp, có trách nhiệm và hành động phối hợp giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, các nhà quản lý, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Vì thế, trong khuôn khổ hợp tác triển khai chiến dịch truyền thông giảm chất thải nhựa lần này, WWF-Việt Nam đặt ra mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức cho công chúng về giảm rác thải nhựa đồng thời thúc đẩy các thực hành kinh doanh và tiêu dùng bền vững đối với các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong khi đó, ông Jahanzeb Khan, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam, Giám đốc điều hành Suntory Pepsico cho rằng cần thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, PRO Việt Nam là tổ chức hỗ trợ quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận và bền vững hơn.

“Tham gia đồng hành cùng chiến dịch có ý nghĩa này, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp,” ông Jahanzeb Khan nhấn mạnh.

Bà Fanny Quertamp, chuyên gia cao cấp dự án Suy nghĩ lại về nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” cũng khẳng định thông qua dự án thí điểm này, EU và BMZ sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực giảm rác thải nhựa đại dương bằng cách tuyên truyền, vận động các siêu thị và người tiêu dùng thay đổi thói quen, nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nylon dùng một lần./.

Theo Vietnamplus

Bài viết liên quan
Việt Nam Ủng Hộ Có Thỏa Thuận Toàn Cầu Về Ô Nhiễm Nhựa

Ngày 23/4, phiên họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về rác thải nhựa đã chính thức diễn ra tại Ottawa, Canada với sự tham dự của các nhà đàm phán đến từ 176 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Quang cảnh chung của phiên họp Mục tiêu […]

Thỏa Thuận Toàn Cầu Về Ô Nhiễm Nhựa Bước Vào Phiên Đàm Phán Thứ 4

Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đã bước vào Phiên thứ tư Hội nghị đàm phán liên chính phủ về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-4) tại Ottawa, Canada. Đây là phiên đàm phán có số lượng đại biểu đăng ký tham dự đông nhất từ trước đến […]

Ra Mắt ‘Việt Nam Xanh’ – Chuỗi Hoạt Động Lan Tỏa Thông Tin Về Kinh Tế Xanh

Tại hội thảo ‘Thị trường tín chỉ carbon – Động lực xây dựng Việt Nam Xanh’ sáng 20-4, báo Tuổi Trẻ đã công bố, chính thức ra mắt chuyên trang ‘Việt Nam Xanh’. Nghi thức công bố dự án Việt Nam Xanh Hoạt động nhằm lan tỏa những câu chuyện, hành động cụ thể của […]

PRO Việt Nam Hỗ Trợ An Sinh Xã Hội Và Nguồn Vốn Vay Cho Lực Lượng Thu Gom Rác Dân Lập

Liên Minh Tái Chế Bao Bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp với tổ chức Chuyên trách về môi trường và phát triển Thế giới Thứ Ba (ENDA Việt Nam) hỗ trợ an sinh xã hội và quỹ quay vòng vốn cho lực lượng thu gom rác dân lập tại Tp. Hồ Chí Minh. […]

Saigon Co.op ký kết với Winrock International triển khai mô hình tuần hoàn chất thải

Ngày 12-4-2024, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Tổ chức Winrock International. Theo đó, hai bên cùng cam kết giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách tạo ra mô hình tuần hoàn chất thải, tăng cường phân loại tại nguồn và […]