Việt Nam cải thiện 4 hạng, đứng thứ 8/10 quốc gia thải nhựa ra đại dương nhiều nhất

31/03/2025

Nỗ lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức cùng với sự hỗ trợ của chính sách, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong ngành nhựa tái chế, theo báo cáo mới của các tổ chức thế giới.

“Đó là một bước tiến,” ông Lê Anh (ảnh), Giám đốc Phát triển Bền vững Công ty TNHH Nhựa Tái Chế Duy Tân (DUYTAN Recycling), vui mừng thông báo tại hội thảo với chủ đề: “Sản phẩm, dịch vụ xanh – Đặt hàng từ người dùng” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam TP.HCM và các đơn vị tổ chức ngày 27/03/2025.

“Tiến lùi nhưng lại tốt. Trước đó, khi đi chia sẻ nhiều ở các nước về vị trí nằm trong top 5 quốc gia thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới, tôi cảm thấy chạnh lòng,” ông Lê Anh nói thêm. Hiện giờ, ngược lại, nhiều quốc gia đều ngạc nhiên khi thấy kết quả của ngành nhựa tái chế Việt Nam cải thiện đáng kể.

Một minh chứng rõ là khi cầm chai nước được mua ở siêu thị hiện nay, chúng ta sẽ thấy một điểm đặc biệt. Đó là chai nước được làm từ nhựa tái chế. “Và cũng không có nhiều người nghĩ rằng mình sẽ uống nước trong một chai được tái chế mà trước đó đã vứt đi,” ông Lê Anh chia sẻ.

Thật ra, nhiều sản phẩm trên thị trường như chai nước mua ở siêu thị hiện nay đều được làm từ nhựa tái chế. Theo ông Lê Anh, “ngành nhựa tái chế đã len lỏi ở Việt Nam và xâm nhập vào thị trường.”

Ông Lê Anh nhớ lại thời điểm doanh nghiệp tái chế Duy Tân bắt đầu hoạt động vào năm 2019, khái niệm về phát triển xanh và kinh tế bền vững còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Khi đó, thị trường chưa thực sự đón nhận nhựa tái chế, khiến các sản phẩm này gần như không tiêu thụ được trong nước.

Do đó, hơn 60% sản lượng của doanh nghiệp của ông được xuất khẩu. Tuy nhiên, gần đây, do làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ, nhu cầu trong nước cũng đang gia tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp như Coca-Cola, Suntory PepsiCo, Nestlé… đã sử dụng nhựa tái chế. Các tập đoàn đa quốc gia đặt mục tiêu sử dụng ít nhất 50% nhựa tái chế trong bao bì vào năm 2030, nên nhu cầu về nguồn cung đạt chuẩn ngày càng tăng.

Ông Lê Anh cho biết mỗi ngày Duy Tân Recycling thu 200 tấn chai nước đã qua sử dụng, tương đương khoảng 15 triệu chai PET, cung cấp ra thị trường nguồn nguyên liệu tái chế chất lượng cao. Hiện doanh nghiệp trở thành đối tác của hơn 25 tập đoàn lớn như Coca-Cola, Nestlé, Unilever…

“Nhựa sẽ trở nên thân thiện với môi trường nếu chúng ta có phương án thu gom, tái chế cũng như biết cách sử dụng đúng,” ông Lê Anh chia sẻ.

Trong hành trình thay đổi “tiếng xấu” của ngành nhựa, không chỉ một mình DUYTAN Recycling mà còn nhiều đối tác, PRO Việt Nam từng bước góp phần tiết giảm lượng rác nhựa thải ra.

Gần đây cũng may mắn được chính sách ủng hộ, yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm thu gom, tái chế các loại bao bì. Đó là những động lực cho đơn vị tái chế. Một ngành công nghiệp có thể nói là non trẻ, nhưng có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế xanh.

TH Group thu gom, tái chế vỏ hộp sữa thành các sản phẩm như tấm lợp sinh thái, mắc áo, chậu trồng cây, bàn ghế…

Tại Annam Gourmet, trong những năm qua, doanh nghiệp đã thay thế hơn 9,4 triệu túi nhựa bằng túi giấy và túi tái sử dụng, thu gom và tái chế hơn 7 tấn viên nén cà phê Nespresso, 5 tấn pin cũ cùng hàng chục ngàn chai thủy tinh.

Nhiều doanh nghiệp khác như TH Group, đồng sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), duy trì đều đặn triển khai nhiều chương trình thu gom, tái chế vỏ hộp sữa thành các sản phẩm như tấm lợp sinh thái, mắc áo, chậu trồng cây, bàn ghế…

Ngoài ra, trước khi tham gia PRO Việt Nam, từ năm 2018, hệ thống cửa hàng TH True Mart đã loại bỏ hoàn toàn túi ni lông PE, thay thế bằng túi nhựa sinh học thân thiện với môi trường, góp phần khuyến khích người tiêu dùng hướng đến thói quen tiêu dùng bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Võ Đình Trung, Phó tổng giám đốc Trung tâm cải tiến, đổi mới và bền vững – đại diện SCGP, ngành bao bì Tập đoàn SCG, doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là chi phí nguyên liệu tái chế. Giá thành nguyên liệu là một thách thức lớn.

“Hiện tại, nguyên liệu tái chế có thể cao hơn 20-30% so với nguyên liệu thông thường. Nhiều lúc, chúng tôi phải nhập khẩu từ Đài Loan để sản xuất. Ở Việt Nam, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong quá trình thu gom, xử lý nguyên liệu tái chế,” ông Võ Đình Trung chia sẻ.

Phiên thảo luận mở chủ đề: “Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh”. 

Theo ông Nguyễn Gia Huy Chương, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tái chế bao bì PRO Việt Nam, dự kiến trong năm 2025, PRO Việt Nam sẽ xây dựng mở rộng hệ thống thu gom tái chế, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về khối lượng thu gom và tái chế hằng năm của các thành viên thông qua những cam kết hợp tác chiến lược dài hạn trong hoạt động thu gom, tái chế.

Bên cạnh đó, PRO Việt Nam lựa chọn các đối tác thu gom, tái chế đảm bảo tuân thủ quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) theo Luật Bảo vệ môi trường. Năm 2023, PRO Việt Nam thúc đẩy thu gom, tái chế 13.000 tấn bao bì, tăng lên đến 64.000 tấn vào năm 2024.

PRO Việt Nam là liên minh các doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua thu gom, tái chế bao bì bền vững, góp phần xây dựng Việt Nam xanh – sạch – đẹp, đến nay có 31 thành viên.

 

Nguồn: Forbes Việt Nam

Bài viết liên quan
Từ ống hút rau muống đến lối sống bền vững

Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến, song điều này chỉ phát triển được khi nhà sản xuất minh bạch các tiêu chuẩn xanh của sản phẩm. TS Dương Văn Thịnh chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: QUANG ĐỊNH. Các chuyên gia, doanh nghiệp gửi thông điệp như vậy tại hội thảo “Sản […]

Việt Nam Xanh 2025: Hành trình của mọi người tiêu dùng

Việt Nam Xanh 2025 không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp hay chính quyền, mà là hành trình của tất cả người tiêu dùng. Hoa hậu Thanh Hà tìm hiểu các sản phẩm xanh tại sự kiện – Ảnh: QUANG ĐỊNH. Ngày 27-3, tại TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Liên minh Tái chế […]

Sản phẩm xanh gây ấn tượng mạnh tại hội thảo về tiêu dùng xanh

Nhiều người bất ngờ với các sản phẩm xanh như quần áo có nguồn gốc từ sợi tái chế, vỏ hàu, nhựa phế liệu… tại hội thảo do Tuổi Trẻ tổ chức. Khách tham quan tìm hiểu các chai nhựa tái sinh tại không gian trải nghiệm Suntory Pepsico sự kiện. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ. […]

[TCBC] PRO Việt Nam hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực thi EPR hiệu quả, bền vững

Hà Nội, ngày 25/03/2025 – Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đồng hành cùng báo Nông Nghiệp & Môi Trường tổ chức hội thảo “Tập huấn triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu – EPR” nhằm phổ biến rộng rãi đến […]

Thực thi EPR giúp doanh nghiệp có thể duy trì xuất khẩu

Sáng 25/3, Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Báo Nông nghiệp và Môi trường tổ chức “Hội thảo tập huấn triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu – EPR”. Hội thảo có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến […]