Theo báo cáo được công bố vào tháng 4 vừa qua, khu vực ASEAN là điểm đến của 6,5 triệu tấn rác thải nhựa nhập khẩu trong giai đoạn 2017 – 2021, tương đương với 17% lượng chất thải nhựa được vận chuyển xuyên biên giới trên khắp thế giới.
Lượng rác thải nhập khẩu này cộng hưởng với rác thải phát sinh từ khu vực ASEAN biến một số quốc gia trong khu vực trở thành nước dẫn đầu thế giới về ô nhiễm nhựa đại dương. Trong bảng xếp hạng kém phần danh giá này, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6.
Tuy nhiên, kết quả xếp hạng này phần nào khiến công chúng liên tưởng đến báo cáo Stemming the Tide liệt kê Việt Nam nằm trong top 5 ô nhiễm nhựa đại dương. Tổ chức Ocean Conservancy, tác giả của báo cáo Stemming the Tide, vừa qua đã phải lên tiếng xin lỗi Việt Nam và các quốc gia được nhắc tên trong bảng xếp hạng.
Đường đi của rác thải nhựa
Kể từ sau lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa của Trung Quốc, chất thải nhựa trên khắp thế giới đổ dồn về khu vực ASEAN như một địa điểm thay thế.
Trong đó, phần rác thải nhựa đáng kể được nhập khẩu vào Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung để đáp ứng nhu cầu đầu vào của ngành công nghiệp tái chế.
“Rác nhựa ở Việt Nam quá bẩn”, một nhà tái chế cho biết. Trong khi đó, nhờ chính sách phân loại tại nguồn hiệu quả, phế liệu nhựa từ các nước phát triển có phần sạch hơn, được đóng thành từng loại riêng biệt và ép kiện, thuận tiện làm đầu vào cho tái chế.
Chi phí tiền xử lý phế liệu nhựa, bao gồm phân loại và làm sạch thường quá cao nên nhà tái chế ở Việt Nam phải chấp nhận sử dụng phế liệu nhập khẩu.
Nikkei Asia Review dẫn lời của “các nhà phê bình” để lên án ngành công nghiệp tái chế, cho rằng nhựa không thể được tái chế vô thời hạn và sản phẩm nhựa tái sinh vẫn độc hại cho con người và môi trường.
Đúng là nhựa không thể tái chế vô thời hạn, bởi các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay chỉ có thể tái chế nhựa tối đa vài chục lần. Tuy nhiên, tái chế vẫn là giải pháp tối ưu nhất để xử lý chất thải phát sinh từ nhựa, loại vật liệu hầu như không thể bị thay thế do những đặc tính vật lý ưu việt.
Và cũng đúng là sản phẩm nhựa tái chế rất độc hại. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với các sản phẩm từ dây chuyền tái chế lỗi thời, lạc hậu và với phế liệu nhựa đầu vào kém chất lượng.
Trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam, không hiếm các sản phẩm nhựa tái chế nhận được các chứng chỉ uy tín hàng đầu thế giới về an toàn cho sức khỏe và môi trường, bao gồm FDA, ESFA.
Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chính thức luật hóa công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với rác thải và khuyến khích ngành công nghiệp tái chế.
Theo công bố đầu năm nay của Bộ Tài nguyên và môi trường, Việt Nam hiện có 24 nhà tái chế đạt chuẩn yêu cầu về chất lượng. Đáng chú ý, Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị các đơn vị tái chế tiếp tục nộp đơn đề nghị công bố, nghĩa là con số nhà tái chế đạt chuẩn có thể không dừng lại ở con số 24.
Khi EPR được áp dụng thành công, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ không cần phải nhập khẩu phế liệu để làm đầu vào cho ngành tái chế nữa. Việc nhập khẩu phế liệu cũng không được khuyến khích bởi trên nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, chất thải tốt nhất nên được xử lý tại chỗ.
Tuy nhiên, quay ngược trở lại lý thuyết cơ bản về thương mại là “lợi thế so sánh”, thể hiện sự tối ưu khi các quốc gia tập trung chuyên môn hóa lĩnh vực mình có thế mạnh. Đặt câu hỏi, liệu nếu Việt Nam có năng lực tái chế tốt, Việt Nam có thể kiếm lời bằng cách xử lý rác thải cho thế giới hay không?
Một chuyên gia về kinh tế tuần hoàn ủng hộ quan điểm cần suy nghĩ đột phá hơn trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo đó, các giải pháp quản lý hiệu quả việc nhập khẩu chất thải có thể sẽ hiệu quả hơn so với những lệnh cấm.
Bức tranh lớn hơn
Cuối chuyến công tác miền Bắc dài ngày, vị chuyên gia về kinh tế tuần hoàn kể với phóng viên TheLEADER về kế hoạch thuyết phục một tổ chức phát triển quốc tế tài trợ cho dự án xử lý chất thải xây dựng.
“Chắc là không thành công đâu, bởi bên đó đang tập trung rót tiền để xử lý ống hút nhựa”, vị chuyên gia thở dài.
Câu chuyện nhỏ này gợi mở ra một vấn đề, rằng liệu chúng ta có đang quá tập trung vào chất thải nhựa, vào những chiếc ống hút nhỏ bé, những cái chai nhựa có nhiều tiềm năng tái chế mà vô tình bỏ quên những loại rác thải khác đang hủy hoại môi trường một cách nặng nề hơn?
Giống như việc công chúng hay than phiền về mùi hôi thối của các bãi tập kết rác, sau đó lên tiếng bài trừ vật liệu nhựa như một cách giảm nhẹ áp lực cho bãi rác và hệ thống xử lý chất thải. Thế nhưng, công chúng quên mất rằng nhựa đâu thể phân hủy, còn mùi khó chịu phát sinh từ chính rác thải hữu cơ bị lẫn vào trong nhựa.
Không thể phủ nhận sự nghiêm trọng của ô nhiễm trắng gây ra bởi rác thải nhựa nhưng cũng khó có thể phủ nhận tầm quan trọng của vật liệu nhựa trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ sản xuất, xây dựng cho tới thực phẩm, y tế.
Rác thải nhựa cần có một giải pháp hiệu quả, tập trung quản lý từ thượng nguồn (upstream supplychain, bao gồm khai thác, thiết kế, sản xuất) cho tới hạ nguồn (downstream supplychain, bao gồm xả thải, xử lý, tái chế, tái sử dụng).
Còn quá tập trung vào câu chuyện thay thế nhựa có thể sẽ làm lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức phát triển. Kết quả, môi trường vẫn sẽ bị tàn phá bởi những hiểm họa khác chưa được quan tâm đúng mức.