Suốt một thời gian dài, công cụ chính sách EPR đã được áp dụng tại Việt Nam nhưng vẫn chưa có một mô hình thực sự phù hợp, dẫn đến việc các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng trong việc đưa EPR vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Lý giải cho điều này, bà Nguyễn Hoàng Phượng, Tư vấn chính sách và pháp luật của Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, sẽ không có một mô hình thực thi nào phù hợp cho toàn bộ nền kinh tế, vì mỗi lĩnh vực, mỗi sản phẩm đều có sự khác biệt về nhiều mặt.
Thực tế, trên thế giới đang có khoảng 400 mô hình EPR được áp dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, không thể lấy nguyên mẫu mô hình của nước bạn về để áp dụng, vì tuy có thể cùng ngành nghề, nhưng các yếu tố như đặc điểm thị trường, mức thu nhập của người dân hay cả khí hậu, môi trường cũng ảnh hưởng rất lớn đến tính khả thi của mô hình.
Bên cạnh đó, bà Phượng cũng nêu ra nhiều bài toán khó cho việc thực thi EPR, cụ thể là về nguồn nhân lực, chi phí cho công tác kiểm tra, giám sát; biện pháp ngăn chặn những hiện tượng, hành vi gây hại như buôn lậu rác thải, xử lý rác kém chất lượng ở các làng nghề…
Bà Phượng nhận định cách giải quyết tốt nhất là “nên thảo luận nhiều hơn và bắt đầu từ những thứ mang tính nền tảng, chứ không phải những điều cao xa”.
Điều 147 trong dự thảo luật ghi rõ “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì chứa sản phẩm thuộc danh mục do Chính phủ quy định phải thu gom, tái chế hoặc đóng góp kinh phí để hỗ trợ tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ tái chế bắt buộc; trừ các sản phẩm xuất khẩu hoặc sản phẩm tạm nhập tái xuất”.
Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, công cụ EPR sẽ trở thành điều kiện bắt buộc các nhà sản xuất phải tuân theo. Cụ thể, những sản phẩm nằm trong danh mục bao gồm pin và ắc quy; thiết bị điện tử; săm lốp; dầu nhớt và các loại bao bì.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, quy định trên sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải đặt ra kế hoạch tái chế cho sản phẩm từ trước khi sản phẩm được tung ra thị trường.
Ngoài ra, quá trình quản lý thực hiện EPR sẽ có sự phối hợp giữa nhà nước với các tổ chức tư nhân nhằm mục đích tận dụng tối đa mặt lợi ích của cả 2 mô hình EPR là mô hình do tư nhân quản lý và do nhà nước quản lý.
Theo đó, đặt quyền quản lý mô hình EPR vào tay nhà nước sẽ giúp cho việc truy cập thông tin, giám sát hoạt động dễ dàng và triệt để hơn, cũng như khống chế tốt hiện tượng những “kẻ ăn không” (free riders) bòn rút và hưởng lợi trái phép.
Tuy nhiên, đặt hoàn toàn quyền quản lý vào tay nhà nước có thể xảy ra tình trạng thực hiện không triệt để ở các doanh nghiệp, khi họ chỉ coi khoản phí đóng góp giống như những loại thuế, phí phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác.
Tại điểm này, vai trò của các tổ chức trách nhiệm nhà sản xuất sẽ được thể hiện thông qua việc truyền tải thông điệp của công cụ EPR, tạo động lực giúp các nhà sản xuất đóng góp không chỉ ở mức phí, mà còn có những hành động tích cực hơn như ứng dụng, đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu rác thải, tăng khả năng thu gom và tái chế.
Ông Nguyễn Thi, cán bộ Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, vào ngày 1/6/2020, Bộ đã ban hành Quyết định số 1216/QĐ-BTNMT về việc thành lập Tổ công tác tư vấn thúc đẩy thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm, bao bì, với Vụ Pháp chế là thành viên thường trực.
Tổ công tác có thành viên là các cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc doanh nghiệp tư nhân, hoạt động với mục đích thúc đẩy quá trình thực thi công cụ chính sách EPR, trước tiên là trong lĩnh vực bao bì, bên cạnh việc tăng cường nghiên cứu, thí điểm các giải pháp, điều chỉnh các công cụ phù hợp và chia sẻ, kết nối thông tin để tăng cường hiệu quả mô hình.
Hiện tại, ngoài Vụ Pháp chế, các thành viên của Tổ công tác bao gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam, EU Rethinking plastics Việt Nam, WWF Việt Nam, Unilever Việt Nam, IUCN Việt Nam và Hiệp hội Nhựa Việt Nam.
Hoạt động của Tổ công tác sẽ được báo cáo kết quả thông qua Báo cáo quốc gia về EPR do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường công bố định kỳ hàng năm.
Theo TheLEADER