Thỏa Thuận Toàn Cầu Về Ô Nhiễm Nhựa Bước Vào Phiên Đàm Phán Thứ 4

25/04/2024

Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đã bước vào Phiên thứ tư Hội nghị đàm phán liên chính phủ về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-4) tại Ottawa, Canada. Đây là phiên đàm phán có số lượng đại biểu đăng ký tham dự đông nhất từ trước đến nay với gần 4.200 đại biểu của các quốc gia thành viên, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.

Toàn cảnh Phiên toàn thể Hội nghị

Với tham vọng kết thúc tiến trình đàm phán vào cuối năm 2024 tại Busan, Hàn Quốc, Phiên đàm phán thứ tư Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa được bắt đầu với rất nhiều những kỳ vọng khác nhau của các bên tham gia. Phiên đàm phán chính thức được bắt đầu vào ngày 23/4/2024, trước đó, trong hai ngày 21 và 22/4/2024 các quốc gia đã có các cuộc họp liên quan để chuẩn bị cho Phiên họp chính thức bao gồm các cuộc họp của các Nhóm quốc gia theo vùng địa lý, Nhóm các quốc gia có cùng quan điểm, các cuộc họp do các đối tác và các tổ chức quốc tế về môi trường tổ chức để chia sẻ các quan điểm liên quan đến vấn đề về ô nhiễm nhựa và các nội dung liên quan tại dự thảo Thỏa thuận hiện hành.

Đoàn Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, với sự tham gia của đại diện các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với các quốc gia tham gia thảo luận các nội dung liên quan đến Dự thảo số 0 sửa đổi được Ủy ban đàm phán đưa ra ngày 28/12/2023.

Trung tâm Hội nghị Shaw, Thủ đô Ottawa, Canada

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Ông Steven Guilbeault, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi Khí hậu Canada khẳng định: “Việc đồng ý với một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024 sẽ đánh dấu một trong những quyết định môi trường quan trọng nhất và sẽ là thỏa thuận đầu tiên nhằm đoàn kết thế giới xung quanh mục tiêu chung là chấm dứt ô nhiễm nhựa. Canada đã áp dụng một số biện pháp nhằm ngăn chặn làn sóng ô nhiễm nhựa trong nước và chúng tôi mong muốn duy trì động lực đạt được một thỏa thuận toàn cầu phù hợp với tham vọng của chúng tôi. Chúng tôi hoan nghênh các phái đoàn, đối tác và các bên liên quan từ khắp nơi trên thế giới đến Ottawa để INC-4 tiếp tục công việc đầy tham vọng cần thiết nhằm đạt được mục tiêu thống nhất này”.

Bộ trưởng của nước chủ nhà INC-4 nhấn mạnh cần ưu tiên giảm thiểu và loại bỏ các loại nhựa có vấn đề và có thể tránh được để bảo vệ nền kinh tế tuần hoàn, tránh các tác động tiêu cực cho môi trường và gây ra những rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe con người, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thừa nhận các nhu cầu về tài chính, kỹ thuật và năng lực và tính minh bạch trong Thỏa thuận để đảm bảo sự nhất quán trong thực thi.

Ông Steven Guilbeault, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi Khí hậu Canada

Bà Inger Anderson, Giám đốc Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhấn mạnh về tính cấp thiết của quá trình đàm phán: “Khi chúng ta còn đang lưỡng lự cân nhắc, ô nhiễm nhựa tiếp tục ảnh hưởng đến các hệ sinh thái vì vậy, INC-4 cần cho thấy cam kết, hợp tác và tham vọng giữa các quốc gia, tạo ra những tiến triển và là tiền đề cho việc hoàn thiện một văn kiện pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa tại INC-5”.

Giám đốc UNEP điểm lại những điểm chung trong quá trình thảo luận của các phiên đàm phán liên quan đến loại trừ nhựa có vấn đề và không cần thiết, về việc thiết kế lại hệ thống, các sản phẩm nhựa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các hình thức tài trợ tài chính mới, chuyển đổi công bằng… Đồng thời, nhấn mạnh thêm rằng, tuần trước 160 định chế tài chính với tổng tài sản lên tới 15,5 nghìn tỷ USD đã ký Tuyên bố tài chính về ô nhiễm nhựa.

Trước đó, tại sự kiện do nước chủ nhà Canada tổ chức vào ngày 22/4/2024, Bà Inger Anderson, Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra 10 điểm quan trọng trong việc đạt được Thỏa thuận toàn cầu vào năm 2024 bao gồm việc thống nhất mục tiêu với thời hạn cụ thể, loại bỏ các loại nhựa sử dụng một lần và nhựa có vấn đề, vấn đề thiết kế sản phẩm, chương trình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được xây dựng dựa trên các hướng dẫn và tiêu chuẩn từ các quốc gia đã thành công, tăng cường tái chế bằng cách đầu tư vào các công nghệ tái chế và quản lý chất thải thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn phù hợp với môi trường, giải quyết các mối lo ngại về hóa chất để đảm bảo an toàn cho người lao động, các thông tin báo cáo và tính minh bạch trong thực thi, đổi mới nguồn tài chính từ khu vực tư nhân, đảm bảo việc chuyển đổi công bằng bằng cách và đảm bảo sinh kế cho đối tượng chịu tác động và cuối cùng là kêu gọi giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa để thu gom và xử lý ô nhiễm một cách hiệu quả.

Bà Inger Anderson, Giám đốc Chương trình môi trường Liên hợp quốc

Tại Phiên khai mạc, Nhóm các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cũng đã có phát biểu chung về quan điểm của Nhóm, được các quốc gia thảo luận tại cuộc họp nhóm từ ngày 21/4/2024. Nhóm mặc dù gặp khó khăn để tìm tiếng nói chung do có nhiều quan điểm khác biệt giữa các quốc gia thành viên nhưng cũng đã có tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh sự khác biệt về các bối cảnh của các quốc gia, năng lực khác biệt và các phương pháp tiếp cận để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa điều kiện thành công của Thỏa thuận này. Nhóm tin rằng sự phù hợp, linh hoạt, các biện pháp phù hợp theo lộ trình, đồng thời cho phép thời gian chuyển giao đủ cho các quốc gia và thị trường điều chỉnh theo từng bước sẽ mang đến sự thành công cho Thỏa thuận này.

Cuộc họp Nhóm Châu Á Thái Bình Dương ngày 21/4/2024

Đoàn đoàn phán Việt Nam do ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế là Trưởng đoàn

Đoàn Việt Nam tham gia tham dự Phiên đàm phán với quan điểm thế giới tập trung vào vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa trong đó nhấn mạnh vai trò của nhựa và các sản phẩm nhựa trong xã hội; tầm quan trọng của khu vực phi chính thức trong quá trình giải quyết ô nhiễm nhựa; nhu cầu hỗ trợ về tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực để các quốc gia đang phát triển đóng góp nhiều hơn vào nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt và năng lực tương ứng của quốc gia, chuyển đổi công bằng, xóa đói giảm nghèo, trách nhiệm giữa các thế hệ và vì mục tiêu phát triển bền vững./.

(Nguồn: báo Tài Nguyên Môi Trường)

Bài viết liên quan
PRO Việt Nam Và Nestlé Việt Nam Tổ Chức Tập Huấn Nâng Cao Chất Lượng An Toàn Lao Động Trong Công Tác Thu Gom – Tái Chế

Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp thành viên Nestlé Việt Nam cùng tổ chức Chương trình Tập huấn về an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động thu gom, tái chế rác thải cho các đơn vị đối tác. Sự kiện này là một trong những nỗ […]

Tổng Kết Chương Trình Hợp Tác Chiến Lược Giữa PRO Việt Nam Và IUCN

Ngày 16 tháng 12 năm 2024 vừa qua, tại TP. Hội An (Quảng Nam), PRO Việt Nam phối hợp cùng IUCN, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tổ chức hội thảo tổng kết Chương trình Đối tác Chiến lược giữa 2 bên sau hơn 3 năm triển khai. Chương trình có sự tham […]

PRO Việt Nam Vinh Dự Nhận Bằng Khen Từ Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường

Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tự hào được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng Bằng khen, ghi nhận những đóng góp nổi bật vào sự phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường tại Việt Nam. Kết quả này là minh chứng cho nỗ lực […]

PRO Việt Nam Chào Đón Công ty Yara Việt Nam Trở Thành Thành Viên Chính Thức Của Liên Minh

Ngày 27/11/2024 vừa qua, PRO Việt Nam và TNHH Yara Việt Nam đã có buổi ký kết chính thức, kết nạp Yara Việt Nam trở thành thành viên thứ 31 của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam. Công ty TNHH Yara Việt Nam, thuộc Tập đoàn Yara toàn cầu, đã đồng hành cùng ngành […]

Khép lại ngày hội Việt Nam xanh, trao giải Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 và Tái tạo xanh

Sau hai ngày hội, Ngày hội Việt Nam Xanh đã chính thức khép lại tối 10-11 với những con số ấn tượng, những đơn hàng xanh đã được kết nối, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, sản xuất xanh. Những con số ấn tượng từ Việt Nam Xanh Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan […]