(TN&MT)- “Bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững cần sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp là một trong những chủ thể quan trọng nhất.” – Đó là chia sẻ của bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO VIETNAM) tại Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với TN&MT” lần thứ VIII – 2024 do Báo TN&MT tổ chức.
Doanh nghiệp là lực lượng “xung kích”, “trọng yếu”
Vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng sống của người dân luôn được đặc biệt quan tâm và được cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách. Ngày 1/10/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Công ty CP Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO VIETNAM) phát biểu tại Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với TN&MT” lần thứ VIII – 2024
Theo bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành PRO Việt Nam, doanh nghiệp được xem là lực lượng “xung kích”, “trọng yếu” cho tăng trưởng và phát triển nên việc nhận thức được vai trò của tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như hiểu rõ vai trò của doanh nghiệp tới công cuộc tăng trưởng xanh của đất nước sẽ giúp doanh nghiệp lồng ghép, định hướng các mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh vào quá trình phát triển của mình.
Có thể thấy cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định. Bởi thông qua mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn, bền vững, doanh nghiệp sẽ đóng góp đáng kể vào giảm phát thải carbon, hướng tới sản xuất – tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Khi doanh nghiệp áp dụng thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp: Giúp tiết kiệm tài nguyên đồng thời giảm chi phí bằng cách biến chất thải của một ngành thành nguyên liệu cho ngành khác; góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn tạo ra công việc và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Vì vậy, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững chính là cách để doanh nghiệp gia tăng giá trị của mình.
PRO Việt Nam – Cầu nối liên minh các doanh nghiệp tiên phong có trách nhiệm với môi trường
Giới thiệu về Liên minh Tái chế Bao bì PRO Việt Nam, bà Chu Thị Kim Thanh cho biết, PRO Việt Nam được thành lập ngày 21/06/2019 với 9 thành viên sáng lập là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bao bì, bán lẻ và nhập khẩu với tiềm lực mạnh mẽ. Đến nay, số lượng thành viên của PRO Việt Nam đã lên đến 26 doanh nghiệp hoạt động vì mục đích góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch đẹp.
Dây chuyền tái chế hiện đại của Công ty cổ phần tái chế nhựa Duy Tân – Thành viên của PRO Việt Nam
Sau hơn 5 năm hoạt động, với vị thế là tổ chức tiên phong hướng đến kinh tế tuần hoàn, PRO Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều chương trình hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như in thông điệp khuyến khích tái chế lên bao bì hay thay đổi thiết kế, thành phần bao bì, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, tăng tỉ lệ các nguyên liệu có thể tái chế dễ dàng và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, ngày 11/09/2019, PRO Việt Nam đã đã ký Biên bản ghi nhớ với Bộ TN&MT về hợp tác lâu dài vì một Việt Nam xanh – sạch – đẹp.
PRO Việt Nam cũng rất tích cực đẩy mạnh truyền thông để góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với rác thải, về tầm quan trọng của phân loại rác tại nguồn; tích cực đóng góp ý kiến xây dựng khung pháp lý về kinh tế tuần hoàn; truyền thông vận động, đóng góp ý kiến với Bộ TN&MT để xây dựng chính sách về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Đây đều là những tiền đề quan trọng để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn.
PRO Việt Nam Hỗ Trợ Người Lao Động Thu Gom Rác Dân Lập Tại TP. HCM
Bên cạnh đó, PRO Việt Nam cũng đã tiến hành những hoạt động thu gom, tái chế, chuẩn bị cho việc đảm bảo thực thi hiệu quả nghĩa vụ EPR cho các công ty thành viên. Năm 2022, PRO Việt Nam đã hợp tác với một số công ty tái chế và các đơn vị thu gom rác ở các thành phố lớn để triển khai, thử nghiệm một số dự án và có thêm sự thấu hiểu về dòng chảy của phế liệu ở Việt Nam
Cùng với đó, để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, PRO đã tổ chức các sự kiện, các chương trình truyền thông về phân loại và thu gom rác tại các khu chung cư, một số chuỗi siêu thị và các khu vực công cộng để tăng tỷ lệ thu gom rác tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Song song với đó, PRO Việt Nam còn phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai các dự án thí điểm về mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như thực hiện các chương trình hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập.
Năm 2024, PRO Việt Nam sẽ thu gom, tái chế 70.000 tấn bao bì
Là đơn vị đầu tiên được Bộ TN&MT chính thức công bố là tổ chức được ủy quyền thực hiện tái chế bao bì, thời gian qua, PRO Việt Nam đã thực hiện các dự án thử nghiệm thu gom và tái chế bao bì của 7 loại vật liệu. Khi quy định EPR có hiệu lực từ năm 2024, với những mô hình, kinh nghiệm đã làm, PRO và các doanh nghiệp trong Liên minh đã thực thi một cách trơn tru việc thu gom, tái chế các bao bì đã qua sử dụng. Theo kế hoạch, năm 2024, PRO Việt Nam sẽ tổ chức thu gom, tái chế 70.000 tấn bao bì đã qua sử dụng cho các doanh nghiệp này.
Về công tác thu gom, PRO Việt Nam đã xây dựng được kênh thu gom đối với một số loại bao bì như vỏ hộp sữa, bao bì nhựa; đồng thời làm việc trực tiếp với các đơn vị tái chế để tận dụng các kênh thu gom . Ví dụ, PRO Việt Nam đang phối hợp, hỗ trợ tài chính cho Công ty nhựa tái chế Duy Tân, Công ty Vikohasan để các đơn vị này tổ chức thu gom, thu mua các loại bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng trong nước.
Đối với khâu tái chế, PRO Việt Nam đã ký hợp đồng với loạt doanh nghiệp có giấy phép tái chế uy tín, công nghệ hiện đại để tái chế các loại bao bì, sản phẩm đã thu gom; thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định của Bộ TN&MT.
Trong thời gian tới, ngoài tổ chức thu gom, tái chế cho các đơn vị trong Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, PRO Việt Nam sẽ mở rộng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp khác trong việc thực thi EPR.
“Rõ ràng, việc thực thi EPR sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tái chế sử dụng nguồn rác thải tái chế trong nước. Về lâu dài, khi nguồn rác thải tái chế trong nước được “bao” đầu ra thì sẽ hạn chế thấp nhất đưa ra các bãi rác hay vào các làng nghề.
Chúng tôi rất kỳ vọng, các quy định về phân loại rác tại nguồn cũng như các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ được các địa phương thực thi nghiêm túc, hiệu quả. Khi đó, chúng ta sẽ thực sự có được một hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế rác thải hoàn chỉnh.” – Bà Chu Thị Kim Thanh khẳng định.