Thông tin được chia sẻ tại hội thảo “Chất lượng nước – Những kỹ thuật mới nhất trong đảm bảo và kiểm soát chất lượng” do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) và Hội các phòng Thử nghiệm Việt Nam (VINALAB) phối hợp cùng Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị phân tích Nhật Bản (JAIMA) tổ chức ngày 22/3.
TS Dương Thanh Nghị, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, cho biết, ứng dụng công nghệ mới các nhà khoa học có thể phân tích đặc điểm hóa chất vi nhựa trong các mẫu nước. Dựa trên kính hiển vi quang học cùng các kỹ thuật như phổ hồng ngoại, quang phổ Raman hay sắc ký khí phối khổ (GC/MS), họ có thể tách vi nhựa khỏi mẫu nước và phân tích nhận dạng kích thước, màu sắc và định lượng vi nhựa.
Theo đó thực nghiệm với mẫu nước sông Sài Gòn nhóm nghiên cứu xác định nhiều PE (Polyetylen – loại nhựa dẻo), PET (polyethylene terephthalate – loại nhựa dùng trong các chai nhựa) dạng sợi và mảnh. Hay khu vực nước mặn ven biển Thanh Hóa phát hiện chủ yếu polyethylene, vi nhựa hóa học PE…
Theo ông Nghị, để làm tinh khiết, đưa mẫu vào thiết bị công nghệ cao có phân hủy chất hữu cơ, có thể sử dụng enzym sinh học phân hủy hoặc các chất có tính axit mạnh để làm sạch mẫu trước khi đưa vào máy phân tích. Một số máy phân tích vi nhựa sử dụng quang phổ hệ thống kết nối hóa hơi và phân tích kính soi nổi phát hiện vật thể. Sau các bước phân tách sàng lọc xử lý ô nhiễm, qua kính soi sẽ phát hiện vi nhựa ở kích cỡ, hình thái khác nhau. “Các đặc điểm hóa học sử dụng tia phổ ở máy cũng giúp xác định tính chất đặc điểm vi nhựa”, ông nói.
Tại hội thảo, các kỹ thuật chuyên sâu trong phân tích chất lượng nước, xử lý nước, quy trình dữ liệu phân tích cũng được các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam, Nhật Bản trình bày.
PGS.TS Tạ Thị Thảo, Trường Đại học khoa học Tự nhiên, chia sẻ ứng dụng chemometrics trong xử lý và khai phá dữ liệu phân tích nước. Bà cho hay đơn vị tiếp nhận công nghệ từ Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị phân tích Nhật Bản (JAIMA). Chemometrics được hiểu là ứng dụng kỹ thuật toán tin, thống kê trong quy chuẩn tiêu chuẩn xử lý và khai phá dữ liệu trong quy trình phân tích nước. Kỹ thuật này cho phép tính toán số lượng mẫu phù hợp, xác định rõ mẫu thông tin theo tiêu chuẩn, chọn được mẫu có tính đại diện lớn.
Ngoài ra, ứng dụng chemometrics kết hợp dữ liệu lớn (Bigdata) còn có thể sử dụng trong đánh giá quan trắc môi trường, ví dụ thu thập từ ảnh vệ tinh, hoặc mô hình trong mạng lưới trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát số liệu đầu vào nhằm dự báo kết quả thông qua chuỗi giá trị quan trắc theo thời gian.
Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), biến đổi khí hậu và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến Việt Nam đối diện với ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, đặc biệt chất lượng nước ngày càng suy giảm. Do đó việc nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ mới có ý nghĩa quan trọng trong phân tích giám sát đảm bảo kiểm soát chất lượng nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, khu trưng bày giới thiệu thiết bị, công nghệ mới nhất từ Nhật Bản và một số nước phát triển có thế mạnh trong công nghệ phân tích chất lượng nước, môi trường, cùng thiết bị phân tích hóa học, phân tích sinh học, thiết bị phân tích nhanh ngoài hiện trường.
TS Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch VINALAB đánh giá đây là cơ hội để các nhà khoa học thảo luận, trao đổi về những nghiên cứu hàng đầu từ Nhật Bản trong việc ứng dụng vào quản lý và đảm bảo an toàn chất lượng nước.