Trong khi việc chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt ở Thừa Thiên-Huế đã đạt ngưỡng dừng tiếp nhận và đóng cửa bãi rác, việc tìm ra những giải pháp tối ưu sẽ giúp tỉnh giảm được áp lực cho các bãi chôn lấp
Thừa Thiên – Huế là một trong 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có diện tích hơn 5.000km2, số dân gần 1,2 triệu người. Tỉnh có thành phố Huế – Cố đô của Việt Nam, là đô thị loại I, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival và theo quy hoạch là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; nơi đây còn là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì quá trình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có những bước tiến vượt bậc, đã hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, làng nghề…Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế -xã hội thì sức ép lên môi trường ngày càng lớn, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày nhiều, gây khó khăn cho công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh.
Nền kinh tế phát triển thì đời sống của người dân được cải thiện, mức sống ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng càng cao, làm gia tăng lượng rác thải lên rất nhiều, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cho nên việc bảo vệ môi trường, việc xử lý, quản lý rác thải sinh hoạt đã trở nên cấp thiết cần có chủ trương, giải pháp đồng bộ để góp phần vào quá trình phát triển kinh tế nhanh và bền vững của toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Bãi chôn lấp, xử lý rác thải quá tải gây bức xúc cho người dân
Thực hiện đề án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của tỉnh, hầu hết các huyện, thị xã đều đã thành lập mạng lưới thu gom rác thải. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Môi trường và Công trình đô thị Huế (gọi tắt HEPCO) được xem là đơn vị đầu mối chuyên thu gom, vận chuyển và xử lý rác cũng đã vươn ra nhiều khu vực có nhu cầu. HEPCO đang thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại 5 huyện, thị xã và thành phố, theo 2 mô hình: thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trọn gói tại 38 phường, xã của Tp. Huế, Hương Thủy, Hương Trà và mô hình vận chuyển, xử lý tại 37 xã, thị trấn của Hương Thủy, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang. Hầu hết các địa phương đều thực hiện tích cực đề án thu gom xử lý CTRSH. Riêng báo cáo của HEPCO, tổng khối lượng rác thải do đơn vị xử lý đạt 275 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom đối với Tp. Huế đạt 95%, Hương Thủy đạt 45%, Hương Trà 45%, Phú Lộc 40%, Phú Vang 35%.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 2 bãi chôn lấp xử lý chất thải rắn ở Thủy Phương (Hương Thủy) và Lộc Thủy (Phú Lộc) được đánh giá có quy mô, hợp vệ sinh. Còn một số địa phương khác, như Hương Trà, Phong Điền đều đã có bãi chôn lấp chất thải rắn (CTR) tuy được thiết kế hợp vệ sinh, nhưng công tác vận hành chưa đảm bảo môi trường. Ngoài ra còn nhiều bãi rác hở, quy mô nhỏ, tự phát xuất hiện ngày càng nhiều, gây phát sinh nguồn ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Mỗi ngày toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế phát sinh khoảng 600 tấn CTRSH chưa qua phân loại. Thành phố Huế mỗi ngày phát sinh khoảng 200 tấn CTRSH , trong đó có khoảng 6% là rác nhựa và túi ni lông. Chưa kể chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn y tế, chất thải rắn công nghiệp.
Thực tế cho thấy, lượng CTRSH phát sinh ngày càng nhiều đã sinh ra các vụ việc “nóng” liên quan vấn đề xử lý rác, tình trạng ô nhiễm… tại các nhà máy xử lý rác tại Thừa Thiên- Huế, trong những năm gần đây.
Từ khi Nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy (thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) đi vào hoạt động vào năm 2012 (thu gom và xử lý rác của 18 xã, thị trấn của huyện với công suất 135 tấn rác/ngày), người dân địa phương luôn “kêu trời” vì không khí hôi hám, nguy cơ bệnh tật, không thể sản xuất nông nghiệp do đất đai, nguồn nước ô nhiễm…
Đỉnh điểm, tháng 2/2017, người dân thôn Nam Phước đã nhiều lần ngăn cản không cho xe chở rác vào bãi đổ. Lý do mà người dân đưa ra là bãi rác này nhập thêm một lượng rác lớn từ các huyện lân cận, khiến rác dồn đống theo thời gian gây ô nhiễm ngày một trầm trọng. Trước phản ứng quyết liệt của người dân, hơn 2 năm qua, nhà máy đã phải dừng hoạt động, ngưng tiếp nhận, chôn lấp rác…
Trong khi đó, Nhà máy xử lý rác Thủy Phương (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) do Công ty Tâm Sinh Nghĩa đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2007, với công suất xử lý 200 tấn rác/ngày. Khoảng 10 năm hoạt động, cơ bản nhà máy này đã giải quyết được vấn đề rác thải của tỉnh. Tuy nhiên, vì số lượng rác quá lớn. cho nên nhà máy lâm vào tình trạng quá tải từ năm 2017, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân sống xung quanh bức xúc và có đơn kiến nghị lên cấp trên Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế sau đó đã thành lập đoàn điều tra và bãi rác đã phải tạm ngưng tiếp nhận rác.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế còn có hàng chục làng nghề và ngành nghề nông thôn. Nhưng vấn đề xử lý chất thải rắn ở khu vực nói trên từ xưa đến nay vẫn còn bị bỏ ngỏ. Khi không có nơi thu gom rác thải, người dân không biết đổ chất thải đi đâu, buộc họ phải vứt ra đường, xuống ao, hồ, sông ngòi, kênh mương,… Đó là nguyên nhân ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng trầm trọng.
Cải tạo, nâng cấp nhiều khu xử lý rác nhưng vẫn ô nhiễm
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 7 bãi chôn lấp CTRSH hợp vệ sinh. Tính đến tháng 4/2019, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ban, ngành làm chủ đầu tư và triển khai các dự án đầu tư xây dựng (11 dự án) có liên quan việc xử lý chất thải rắn. Các dự án này khi đưa vào vận hành cùng với các khu xử lý, bãi chôn lấp hợp vệ sinh hiện có sẽ đáp ứng được nhu cầu xử lý CTRSH trên địa bàn toàn tỉnh, đủ khả năng tiếp nhận và xử lý CTRSH sinh hàng năm (từ 450 tấn/ngày đến 700 tấn/ngày). Hiện các dự án đang triển khai thuộc Khu xử lý chất thải rắn tập trung Phú Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Thủy Phương; Khu xử lý Lộc Thủy và Khu xử lý CTRSH tập trung Hương Bình. Các khu vực này đóng vai trò chính trong việc tiếp nhận, xử lý chất thải rắn cho những năm tiếp theo…
Cụ thể, Khu xử lý chất thải Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) hiện nay do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) quản lý, vận hành, trung bình tiếp nhận khoảng 500 tấn/ngày. Trong năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho HEPCO làm chủ đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp Bãi chôn lấp số 2. Công trình này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 9/2018, với ô chôn lấp sau khi cải tạo, nâng cấp có sức chứa khoảng 350.000m3.
Nhà máy Xử lý rác thải Thủy Phương hoạt động từ năm 2005 và được quảng bá là một trong những mô hình tiên phong về công nghệ xử lý rác. Theo đó, mỗi ngày nhà máy này tiếp nhận khoảng 200 tấn rác từ Tp. Huế, sau đó được phân loại, tận thu các nguyên liệu để làm thành gạch xây dựng hoặc phân bón vi sinh, nhựa tái chế…
Đến năm 2006, dự án được mở rộng từ 1,7 ha lên 4,2 ha, nâng công suất xử lý từ 80 tấn/ngày lên 200 tấn/ngày nhằm giải quyết vấn đề rác thải của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sau một thời gian hoạt động, nhà máy rơi vào tình trạng quá tải, lượng rác dồn ứ.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế giao UBND Tp. Huế khẩn trương làm việc với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa xác định khối lượng rác thực tế tồn đọng tại nhà máy để xử lý, yêu cầu xác định thời điểm hoàn thành và có giải pháp bảo đảm môi trường trong quá trình chờ xử lý. Trường hợp công ty này không phối hợp thực hiện, Thành phố tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm môi trường, chấm dứt hợp đồng xử lý rác và xử lý trách nhiệm liên quan theo quy định. Thế nhưng đến nay, tình trạng quá tải, ô nhiễm vẫn không được cải thiện.
Cần những dự án phân loại rác “dài hơi” để nâng cao nhận thức
Từ cuối tháng 1/2019, Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức thực hiện Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, với nhiều nội dung ý nghĩa như tổ chức ra quân vệ sinh môi trường mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần; vận động nhân dân thực hiện phong trào “Nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; thay đổi thói quen xả rác bừa bãi, đổ rác đúng giờ, phân loại rác tại nguồn; tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường; vận động nhân dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai các mô hình “Huế – Thành phố 4 mùa hoa”; “Dòng Hương trong xanh”; “Tuyến đường Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – Trật tự trị an”…
Hàng năm tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 với nhiều hoạt động như xe truyền thông lưu động, tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng hoạt động thả cá, tôm giống tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai. Công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Hiện, đã có 8 cơ sở được công nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm…
Những chương trình bảo vệ môi trường đã và đang thực hiện ở Thừa Thiên-Huế từng bước đem lại những tín hiệu khả quan nhưng về lâu dài còn là một bài toán nan giải, bởi các chương trình thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn, chưa đủ để thay đổi nhận thức của người dân một cách toàn diện, khi chương trình phân loại rác dừng triển khai thì rác thải lại được trộn lẫn như khi chưa triển khai chương trình.
Rác thải sinh hoạt đang ngày tăng về số lượng và đa dạng về thành phần, tính chất; là hiểm họa đối với con người và nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây là vấn đề bức xúc trong giai đoạn công nghiệp hóa, đô thị hóa hiện nay, từ đó làm thế nào để quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt một cách hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho sức khỏe cộng đồng là mục tiêu của các cấp chính quyền.
Để đảm bảo về lâu dài, theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giảm dần lượng rác chôn lấp về con số không. Muốn thực hiện mục tiêu này cần phải có lộ trình và bằng nhiều phương thức xử lý khác nhau, trong đó đẩy mạnh phân loại, tái chế, tái sử dụng. Theo thống kê, lượng rác hữu cơ chiếm 70- 80% tổng lượng rác phát sinh. Nếu được phân loại, đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân compost phục vụ cây trồng.
Nhận thức được ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn trong nền kinh tế tuần hoàn, tháng 9/2021, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA), Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và PRO Việt Nam đã phối hợp triển khai Chương trình Truyền thông “Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”.
Chương trình phối hợp chặt chẽ với các công ty môi trường đô thị, các sở, ngành liên quan, người dân, học sinh các trường học trên địa bàn 5 thành phố: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Cụ thể, tại Thừa Thiên Huế chương trình sẽ có nhiệm vụ truyền thông rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, phân loại, tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững, do Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tổ chức thực hiện. Đồng thời, phổ biến kỹ năng thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH đến với người lao động phụ trách công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.