Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã phát triển từ 9 thành viên sáng lập lên 30 thành viên. Các thành viên của PRO Việt Nam hợp tác với nhau, chia sẻ một mục tiêu chung là bảo vệ môi trường và phục vụ người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam – phát biểu tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập liên minh – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch PRO Việt Nam – cho biết vào năm 2019, PRO Việt Nam được thành lập với sứ mệnh rõ ràng: “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và làm cho việc tái chế bao bì trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn”.
PRO Việt Nam thu gom, tái chế 64.000 tấn bao bì trong 2024
Theo ông Ngọc Trai, với ý thức trách nhiệm cao và tầm nhìn cho một Việt Nam xanh, sạch và đẹp hơn, PRO Việt Nam đã chính thức ra đời vào năm 2019 với 9 thành viên sáng lập.
Ông Trai cho hay sự ra đời của PRO Việt Nam đã được Chính phủ đánh giá cao và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp. Sau 5 năm hoạt động, liên minh có 30 thành viên mà mỗi công ty đều dẫn đầu trong các lĩnh vực.
Chủ tịch PRO Việt Nam cho hay sứ mệnh của liên minh không chỉ dừng lại ở việc kết nối các thành viên, tích cực hợp tác với các cơ quan Chính phủ mà đã xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược, chia sẻ kiến thức, nguồn lực và kinh nghiệm để thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong tái chế và tái sử dụng bao bì.
Đặc biệt, PRO Việt Nam đã đóng góp quan trọng bằng cách đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ, hỗ trợ phát triển và sửa đổi các chính sách liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường và quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) phù hợp với thực tiễn của ngành.
Các thành viên của PRO Việt Nam mang đến không gian triển lãm những sản phẩm, dịch vụ, thể hiện sự đa dạng và kết nối trong chuỗi giá trị, tất cả đều hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công nhận Công ty cổ phần Tái chế bao bì Việt Nam (công ty xã hội hoạt động không vì lợi nhuận) là tổ chức được ủy quyền đầu tiên thực hiện tái chế bao bì tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Trai cho hay khi quy định EPR có hiệu lực vào năm 2024, PRO Việt Nam cam kết thu gom và tái chế khoảng 64.000 tấn bao bì do các doanh nghiệp thành viên ủy quyền.
Theo ông Trai, PRO Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm truyền tải những định hướng tích cực và tạo nên sức ảnh hưởng sâu rộng thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, trong đó có dự án truyền thông “Việt Nam Xanh” phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ.
“Nhờ những nỗ lực của PRO Việt Nam, chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi tích cực trong nhận thức của người tiêu dùng, ngày càng có nhiều tổ chức và doanh nghiệp ưu tiên tái chế và bảo vệ môi trường. Sự tham gia và ủng hộ của các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương đã là nguồn động lực lớn, khẳng định rằng con đường mà PRO Việt Nam lựa chọn là đúng đắn. Chúng tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng để cộng đồng chung tay xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam”, ông Trai nói.
PRO Việt Nam đi đầu trong tái chế bao bì
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa – thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho hay sáng kiến thành lập PRO Việt Nam để cùng hành động nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì một Việt Nam xanh sạch đẹp của các doanh nghiệp được Chính phủ đánh giá cao.
Theo bà Hoa, qua 5 năm hoạt động, PRO Việt Nam thực sự là nhân tố tiên phong trong ngành tái chế bao bì, là cầu nối quan trọng kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế… Đặc biệt, bộ này đánh giá rất cao những đóng góp của liên minh trong việc xây dựng các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cũng như trong việc triển khai thực thi các quy định này từ năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa – thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho hay bộ này tiếp tục phối hợp với PRO Việt Nam để triển khai các chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ hoạt động phân loại rác tại nguồn – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó, ông Bùi Thế Duy – thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – cho rằng Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, do đó chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vì sự phát triển bền vững là xu thế tất yếu.
Theo ông Duy, doanh nghiệp không thể phát triển, cạnh tranh nếu không có chiến lược phát triển xanh, hướng đến kinh tế tuần hoàn… nên vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo rất quan trọng.
Ông Duy mong muốn PRO Việt Nam tiếp tục có những hỗ trợ, sáng kiến để tạo ra hệ sinh thái, hình thành nên những giải pháp để nhân rộng cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ hiện là đối tác chiến lược về mặt truyền thông với PRO Việt Nam, cùng tổ chức nhiều hoạt động hướng đến sự phát triển bền vững, trong đó có chương trình “Việt Nam Xanh”. Trong ảnh, ông Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (áo trắng) trao đổi cùng ông Khuất Quang Hưng – giám đốc đối ngoại và truyền thông Nestlé Việt Nam (bìa trái) và PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn – bên lề chương trình – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Định hình tương lai mô hình kinh tế tuần hoàn
Tập đoàn TH cho hay mô hình kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn được tiên phong áp dụng ở tất cả các đơn vị thành viên – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo PRO Việt Nam, trong những năm tới, liên minh mong muốn tiếp tục trong vai trò tiên phong, là nhân tố quan trọng góp phần cùng với cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn thực sự bền vững. PRO Việt Nam sẽ góp phần tạo ra những thay đổi tích cực về thói quen tiêu dùng và sản xuất vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp trong tương lai.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên lề chương trình, ông Mandal Arghya – giám đốc Công ty cổ phần sữa TH (TH true MILK) – cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường như ô nhiễm rác thải nhựa, thiếu hiệu quả trong quản lý tài nguyên và tiêu thụ quá mức năng lượng không tái tạo.
Theo ông, các tập đoàn lớn đang bắt đầu nhận thức rõ hơn về trách nhiệm môi trường, đồng thời áp dụng những sáng kiến để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Tuy nhiên, điều này mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức và bước đầu thực hiện, trong khi đó sự liên kết giữa các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng dân cư để tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn tổng thể vẫn còn yếu.
Do đó, ông Mandal Arghya đề xuất cần có những chính sách cụ thể hơn từ Chính phủ để khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình sản xuất tuyến tính sang mô hình tuần hoàn.
Điều này không chỉ bao gồm các chính sách hỗ trợ tài chính mà còn yêu cầu việc thiết lập các tiêu chuẩn về kỹ thuật, quy trình sản xuất cũng như cung cấp nguồn lực cần thiết để doanh nghiệp có thể vận hành hiệu quả hơn trong mô hình này.
PRO Việt Nam cho hay liên minh không chỉ là nơi các doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ mục tiêu tái chế bao bì, mà còn là một liên minh vượt qua giới hạn cạnh tranh trên thị trường, cùng nhau phát triển những giải pháp sáng tạo để bảo vệ môi trường và cải thiện vòng đời sản phẩm – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các công ty thành viên của PRO Việt Nam từ những doanh nghiệp tiêu dùng lớn đến các đơn vị thu gom và tái chế, đã và đang cùng nhau tạo nên một hệ sinh thái bền vững, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với 9 thành viên sáng lập là các doanh nghiệp Việt Nam và FDI trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, PRO Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ, đến nay số lượng thành viên đã tăng lên 30 doanh nghiệp – Ảnh: QUANG ĐỊNH
PRO Việt Nam đã xây dựng được các mô hình thu gom và tái chế vận hành hiệu quả – Ảnh: QUANG ĐỊNH
“PRO Việt Nam không chỉ góp phần vào việc bảo vệ môi trường mà còn tạo ra cơ hội cho các ‘công dân doanh nghiệp’ thông qua việc hợp tác và chia sẻ trách nhiệm”, ông Phạm Phú Ngọc Trai phát biểu – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nguồn: báo Tuổi Trẻ