Công ty Cổ phần tái chế bao bì – PRO Việt Nam hiện là đơn vị duy nhất được Bộ TN&MT chứng nhận được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế bao bì trên lãnh thổ Việt Nam. Đây được xem là đơn vị trung gian giúp các doanh nghiệp hoàn thành trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) phải có nghĩa vụ thực thi từ 1/1/2024.
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành PRO Việt Nam về những bước đi đầu tiên trong hành trình làm “cầu nối” giúp các doanh nghiệp thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Công ty cổ phần tái chế bao bì – PRO Việt Nam
Từ 1/1/2024, các quy định về EPR bắt đầu có hiệu lực, có nghĩa là các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu hồi, tái chế một phần lượng bao bì, sản phẩm khi thải ra môi trường. Với vai trò là đơn vị được ủy quyền, PRO Việt Nam đã có sự đồng hành với các doanh nghiệp trong việc thực thi EPR như thế nào?
Bà Chu Thị Kim Thanh
PRO Việt Nam là Liên minh gồm 25 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống, hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì…Hàng năm, cùng với các sản phẩm được đưa ra thị trường sẽ kèm theo một lượng bao bì thải ra môi trường.
Từ năm 2022, trước khi EPR có hiệu lực, dù Nhà nước không yêu cầu, nhưng nhận thấy trách nhiệm của nhà sản xuất đối bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp đã tự nguyện đóng góp tài chính, phối hợp, ủy quyền PRO Việt Nam tổ chức thu gom, tái chế các bao bì sản phẩm đã qua sử dụng. Cụ thể, năm 2022, PRO Việt Nam đã tổ chức thu gom, tái chế được 3.500 tấn bao bì là chai nhựa PET, vỏ hộp sữa. Năm 2023, chúng tôi đã tổ chức thu gom, tái chế được 14.000 tấn, mở rộng thêm 5 loại vật liệu khác.
Khi quy định EPR có hiệu lực từ năm 2024, với những mô hình, kinh nghiệm đã làm, PRO và các doanh nghiệp trong Liên minh đã thực thi một cách trơn tru việc thu gom, tái chế các bao bì đã qua sử dụng. Theo kế hoạch, năm 2024, PRO Việt Nam sẽ tổ chức thu gom, tái chế 70.000 tấn bao bì đã qua sử dụng cho các doanh nghiệp này.
Về công tác thu gom, PRO Việt Nam đã xây dựng được kênh thu gom đối với một số loại bao bì như vỏ hộp sữa, bao bì nhựa; đồng thời làm việc trực tiếp với các đơn vị tái chế để tận dụng các kênh thu gom của họ. Ví dụ, PRO Việt Nam đang phối hợp, hỗ trợ tài chính cho Công ty nhựa tái chế Duy Tân, Công ty Vikohasan để các đơn vị này tổ chức thu gom, thu mua các loại bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng trong nước.
Đối với khâu tái chế, PRO Việt Nam đã ký hợp đồng với loạt doanh nghiệp có giấy phép tái chế uy tín, công nghệ hiện đại để tái chế các loại bao bì, sản phẩm đã thu gom; thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định của Bộ TN&MT.
Trong thời gian tới, ngoài tổ chức thu gom, tái chế cho các đơn vị trong Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, PRO Việt Nam sẽ mở rộng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp khác trong việc thực thi EPR.
Bà Chu Thị Kim Thanh giới thiệu các sản phẩm tái chế từ sản phẩm, bao bì đã qua sử dụng
Vậy theo bà, đâu là những yếu tố đảm bảo sự thành công của việc thực thi các quy định của EPR
Bà Chu Thị Kim Thanh:
Đầu tiên là ý thức chấp hành của doanh nghiệp về trách nhiệm thực thi EPR phải tốt, nhận thức đúng thì sẽ có hành động đúng.
Thứ hai, để EPR hiệu quả thì khâu thu gom và tái chế phải luôn đi liền với nhau. Trong đó, hiện nay, các nhà máy tái chế rác thải đã đáp ứng cả về quy mô và công nghệ cho việc tái chế khối lượng rác thải phải thu hồi khi doanh nghiệp thực thi EFR.
Cái khó nhất bây giờ là công tác thu gom, làm sao đảm bảo được tỷ lệ tái chế theo quy định, cụ thể là 22% bao bì nhựa PET và nhôm, 15% bao bì giấy hỗn hợp…trên tổng khối lượng bao bì mà các doanh nghiệp đã đưa ra thị trường.
Rõ ràng, việc thực thi EPR sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tái chế sử dụng nguồn rác thải tái chế trong nước. Về lâu dài, khi nguồn rác thải tái chế trong nước được “bao” đầu ra thì sẽ hạn chế thấp nhất đưa ra các bãi rác hay vào các làng nghề.
Một yếu tố nữa là chúng ta cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế, nhất là đầu ra cho các sản phẩm tái chế. Chúng tôi đang kiến nghị với Bộ Công thương cần sớm có quy định phải sử dụng một tỷ lệ nhất định sản phẩm tái chế làm nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất.
Ngoài ra, vai trò của truyền thông cũng rất quan trọng trong việc thực thi các quy định của EPR nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.
Dây chuyền tái chế hiện đại của Công ty cổ phần tái chế nhựa Duy Tân – đối tác của PRO Việt Nam
Được biết, không chỉ trực tiếp tổ chức thu gom bao bì để đáp ứng EPR, thời gian qua, PRO Việt Nam còn có nhiều hỗ trợ cho công tác thu gom rác thải sinh hoạt nói chung. Bà có thể chia sẻ thêm về việc này?
Bà Chu Thị Kim Thanh:
Trong thời gian qua, PRO Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến, phối hợp với Bộ TN&MT và các bộ ngành liên quan, các địa phương để hoàn thiện chính sách thu gom rác thải nói chung, rác thải tái chế nói riêng.
PRO Việt Nam cũng phối hợp với các công ty môi trường đô thị của các địa phương tham gia triển khai một số dự án thu gom rác thải hướng tới mục tiêu tái chế.
Ngoài ra, để hỗ trợ những người trực tiếp tham gia thu gom rác thải, chúng tôi đã thông qua các đơn vị có chức năng mua tặng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… cho những người trong hệ thống thu gom rác dân lập; hỗ trợ tặng quà cho người lao động, cấp học bổng cho con em có hoàn cảnh khó khăn của công nhân vệ sinh môi trường trong các đơn vị của nhà nước.
Chúng tôi rất kỳ vọng, các quy định về phân loại rác tại nguồn cũng như các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ được các địa phương thực thi nghiêm túc, hiệu quả. Khi đó, chúng ta sẽ thực sự có được một hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế rác thải hoàn chỉnh.
Theo bài phỏng vấn giữa đại diện PRO Việt Nam và báo Tài Nguyên Môi Trường