Việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả trong bảo vệ môi trường.
Hiện trạng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam
Ông Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – cho biết, theo số liệu thống kê, tính đến nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày. Mỗi ngày, trung bình cả nước chi khoảng 3,35 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý cho toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (tương đương khoảng 1.222,75 triệu USD/1 năm). Đây là con số không hề nhỏ cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, khoảng 65% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp; khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 19% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác như tái chế, khí hóa, làm viên nén nhiên liệu…
Với thực trạng quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam như hiện nay, có thể thấy mỗi ngày, chúng ta lãng phí lớn về tiền bạc và lợi ích môi trường từ chất thải nếu không được phân loại, tái chế, tái sử dụng. Thay vào đó, chúng ta phải bỏ ra nhiều kinh phí để thu gom và xử lý.
Giải pháp xử lý
Về giải pháp, ông Hồ Kiên Trung đánh giá, bằng cách thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải đúng cách, chúng ta có thể biến những gì từng là chất thải, phải tốn kém tiền của để xử lý thành tài nguyên quý giá, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm.
“Nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam”, ông Hồ Kiên Trung khẳng định.
Theo ông Trung, để biến chất thải thành tài nguyên, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ cá nhân, hộ gia đình có vai trò hết sức quan trọng để tối giảm lượng chất thải phát sinh phải xử lý, tối đa khả năng tái sử dụng, tái chế chất thải.
Qua đó góp phần thúc đẩy việc hình thành nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế không chất thải; thu hồi lại được những vật liệu có giá trị với khối lượng đủ lớn để hình thành, phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải; đồng thời giảm chi phí đối với hộ gia đình, cá nhân (do không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế); giảm chi phí của xã hội cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý…
“Để công tác phân loại thực sự đem lại hiệu quả, vai trò chính quyền địa phương và của người lao động hay còn gọi là “CHIẾN BINH XANH” là rất quan trọng trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt”, ông Trung nói và giải thích, đây là lực lượng chủ yếu, quan trọng và là yếu tố quyết định thành công trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt bởi ngoài các nhiệm vụ được giao.
“CHIẾN BINH XANH” sẽ vừa thực hiện công tác thu gom vừa thực hiện hướng dẫn người dân, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại, đồng thời cũng thực hiện việc giám sát người dân việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Ngoài ra, nếu chúng ta có những cơ chế, chính sách phù hợp sẽ đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả việc phân loại của “CHIẾN BINH XANH” trong quá trình thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Đối với công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ngoài lực lượng công nhân và các đơn vị chuyên môn, theo ông Trung, đối với chính quyền địa phương, cần căn cứ vào đặc tính, thành phần của chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn; hạ tầng kỹ thuật hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; hệ thống cơ sở tiếp nhận chất thải rắn sau phân loại để tái sử dụng, tái chế để quy định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ cá nhân, hộ gia đình sẽ giúp hoạt động này được tốt đa hiệu quả.
Nguồn: báo Lao Động