Việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng chung trên toàn cầu và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia đã thành công trong việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và thu được nhiều lợi ích, là tiền đề quan trọng để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững.
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh
Trong bối cảnh các địa phương vùng Đông Nam Bộ phải đối mặt nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…, việc các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ triển khai, thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến một nền kinh tế xanh, tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội và môi trường.
Ngành nông nghiệp có những mô hình chăn nuôi hộ trang trại thu hồi phân, khí biogas. Ngành công nghiệp có các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất và sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường. Điển hình như một số doanh nghiệp dệt may tiếp cận các giải pháp nguyên phụ liệu, thương mại hóa các chất liệu xanh: chất liệu sinh thái (vải sợi sen, sợi bạc hà…), chất liệu tái chế (sợi vải làm từ bã cà-phê, vỏ chai nhựa…), chất liệu tính năng (vải sợi tre than đá…) để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản.
Còn các doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm tái sử dụng chất thải hữu cơ từ thực phẩm để tạo thành năng lượng sinh khối, tái sử dụng nước thải sử dụng cho lò hơi… Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”, Khu công nghiệp Hiệp Phước được chọn tham gia dự án. Ngoài ra, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương áp dụng mô hình giảm chất thải và tái sử dụng, tái chế chất thải trong hoạt động phát triển du lịch.
Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ đã tận dụng lợi thế, tiềm năng và xu hướng phát triển các ngành kinh tế theo hướng xanh hóa, chủ động áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào quy trình sản xuất, bước đầu hình thành phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng phát triển kinh tế xanh tại các địa phương trong vùng còn nhiều hạn chế; trong đó, các ngành kinh tế như công nghiệp (cơ khí, dệt may, cao su, nhựa…), nông nghiệp chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu.
Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật vẫn còn nhiều hạn chế; việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp trong quy trình sản xuất chỉ đang ở giai đoạn tiếp cận ban đầu; tính liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất công nghiệp các ngành còn hạn chế. Đồng thời, phần lớn doanh nghiệp sản xuất còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, còn hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa vẫn chưa cao.
Vì vậy, vùng Đông Nam Bộ, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có những mô hình liên quan đến kinh tế tuần hoàn nhưng chỉ với quy mô nhỏ, lẻ. Các quy trình thiết kế sản phẩm, sản xuất và tiêu dùng chưa được chú trọng hình thành một vòng đầy đủ của mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế tuần hoàn là giải pháp cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Hiện nay, việc khai thác và sử dụng vật liệu chiếm tới 70% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Do vậy, nếu muốn giảm đáng kể lượng khí thải, phải xem xét các “điểm nóng” về sản xuất và tiêu dùng không bền vững trong các lĩnh vực có tác động cao như công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp. Để chuyển dịch từ một nền kinh tế tuyến tính sang một nền kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp phải tiên phong trong việc “đổi mới sáng tạo” mô hình kinh doanh nhằm hình thành một chuỗi giá trị tuần hoàn hơn.
Cùng với đó, các doanh nghiệp chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mối quan hệ giữa công nghệ số và đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn có thể làm chậm lại, thu hẹp việc khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động khai thác tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Các địa phương này có lực lượng đông đảo các doanh nghiệp với nhiều tiềm năng về công nghệ, thương mại, giáo dục, quản trị và liên kết quốc tế. Đây là nền tảng thuận lợi để phát triển kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn, trình độ khoa học và công nghệ cao, có thương hiệu, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và quản trị tiên tiến.
Thành phố cũng khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh tạo động lực trực tiếp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh và bền vững, giữ vị thế đầu tàu kinh tế quốc gia, thành phố định hướng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.