Cùng công việc nhưng so với người thu gom rác công lập, thu nhập của người thu gom rác dân lập thấp hơn nhiều. Không những vậy, họ không được đóng bảo hiểm xã hội, chẳng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn độc hại. Họ sống được nhờ kiếm ve chai.
Công tác quản lý hoạt động thu gom rác cần được nâng cao để bảo đảm quyền lợi người lao động và hiện đại hóa hoạt động thu gom rác – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
So với các thành phố lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng, công nhân thu gom rác khối dân lập tại TP.HCM có nhiều thiệt thòi về thu nhập và quyền lợi.
Vai trò lớn, thu gom 60% rác thải
Hiện nay mỗi ngày đêm TP.HCM thải ra khoảng 10.000 tấn rác và trông chờ vào hai lực lượng đảm nhận công tác thu gom, vận chuyển rác thải từ nhà dân đến nơi xử lý: công lập và dân lập.
Trong khi lực lượng thu gom công lập (các công ty công ích quận huyện, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM) hoạt động dưới sự quản lý của Nhà nước, theo quy chuẩn nhất định thì các đường dây rác dân lập trước đây (hiện tại được chuẩn hóa tư cách pháp nhân vào hợp tác xã (HTX), công ty, doanh nghiệp) hoạt động khá độc lập, mỗi đơn vị một chuẩn riêng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (rác thải) trên địa bàn TP.HCM đã được xã hội hóa 100% (ngân sách không chi trả cho công tác này).
Nhóm thu gom rác công lập thu gom khoảng 40% khối lượng rác từ các hộ mặt tiền đường, đơn vị kinh doanh, sản xuất…
Nhóm thu gom tư nhân do các công ty, doanh nghiệp, HTX và các tổ/đường dây thu gom rác dân lập đảm nhận 60% rác phát sinh tại các hộ gia đình trong hẻm, các chung cư.
Việc quản lý lực lượng thu gom rác dân lập được phân cấp cho UBND cấp quận huyện quản lý.
Công nhân phân loại rác sau khi thu gom và lượm ve chai. Đây cũng là nguồn kiếm thêm thu nhập – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Thu nhập của người thu gom rác ra sao?
Không chỉ cách thức hoạt động mà thu nhập, chế độ của người thu gom rác ở hai lực lượng công lập và dân lập cũng có sự khác nhau. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty TNHH MTV Công ích quận 1 cho biết lực lượng công ích quận là đơn vị công lập, chế độ lương bổng của người lao động theo quy định doanh nghiệp nhà nước.
Người lao động trực tiếp, đi thu gom, quét đường hưởng mức lương theo UBND TP.HCM duyệt và thỏa ước lao động tập thể của công ty. Hiện nay mức lương cơ bản công nhân quét đường, thu gom rác bình quân khoảng 7,7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra công ty đóng đầy đủ BHYT, BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó đơn vị này còn mua thêm bảo hiểm tai nạn rủi ro, độc hại… cho công nhân.
“Công ty không thưởng tháng 13 mà gọi là thưởng Tết. Tùy vào mỗi năm sau khi công ty tổng kết lợi nhuận (hoàn tất thuế, tiền lương) thì sẽ phân bổ một khoản tiền thưởng cho người lao động”, vị này cho biết thêm.
Công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cũng hưởng chế độ, lương, nghỉ phép, hiếu hỷ, bảo hiểm… theo thỏa ước lao động tập thể của đơn vị này với người lao động. Mức lương cơ bản bình quân của người lao động khoảng 7 – 10 triệu đồng/tháng. Tùy vào hoạt động của mỗi đơn vị hiệu quả hơn thì người lao động sẽ có thêm thu nhập.
Vậy còn đối với lực lượng thu gom rác dân lập (công ty, HTX, doanh nghiệp) sẽ như thế nào?
Ông Đặng Văn Trường, giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ môi trường Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), cho biết lương công nhân thu gom sẽ trả theo tháng. Nhưng thường công nhân đa số khó khăn nên khoảng mấy ngày, một tuần họ sẽ ứng để chi tiêu. Mức lương cụ thể của người công nhân tại HTX này hơn 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra họ sẽ thu thêm ve chai, phế liệu mỗi ngày hơn 100.000 đồng. Tuy nhiên không phải ngày nào cũng có nguồn thu thêm từ ve chai.
“Về bảo hiểm thì HTX không đủ khả năng mua cho các công nhân. Gần đây chúng tôi có thêm được sự đồng hành của một số tổ chức xã hội như PRO Việt Nam, ENDA Việt Nam… Họ phối hợp với địa phương cho thêm trang phục, bảo hộ, hỗ trợ vốn vay không lãi suất, bảo hiểm nhưng không thể cho tất cả một lần”, ông Trường chia sẻ.
Còn ông Võ Văn Quang, đại diện Công ty TNHH TM DV kỹ thuật môi trường Toàn Quốc (hoạt động tại quận Bình Tân), cho biết trả lương cho công nhân theo ngày, 250.000 – 300.000 đồng. Về việc có mua bảo hiểm các loại cho người lao động hay không?
Ông Quang nói: “Đa số họ lao động tự do, không ổn định. Có người vào làm mấy hôm rồi thấy chỗ tốt hơn lại đi nên cũng khó để mua cho họ”.
Còn chị Nguyễn Thị Cẩm Linh (xã viên HTX Bình Tân) và đại diện Công ty thu gom rác Phạm Công Chinh cho biết mức lương công nhân thu gom khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Hiểu đúng về thu tiền rác tháng 13
Vừa qua, UBND quận Bình Tân triển khai đề án Nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (rác sinh hoạt). Trong đó từ 1-7, người dân sẽ không còn phải đóng tiền rác cho lực lượng thu gom mà đóng trực tiếp cho các phường qua ứng dụng. Sau đó phường sẽ chi trả cho lực lượng thu gom, vận chuyển.
Thông tin này đã nhận được sự quan tâm của cả người dân và chính các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này. Nhiều người dân cho rằng việc này giúp minh bạch, tránh tình trạng vòi tiền, xin thêm tiền tháng 13 – một tình trạng khiến nhiều người khá khó chịu trong nhiều năm qua.
Anh Thiên Tạo (người dân quận Gò Vấp) cho biết thực ra đối với người dân thêm một tháng rác không bao nhiêu và cũng xứng đáng vì người làm rác rất cực. Điều mà anh và mọi người thắc mắc số tiền này có tới tay người lao động hay là về tay các đầu nậu phía sau.
Ở góc độ đơn vị công lập, đại diện Công ty TNHH MTV Công ích quận 1 và Công ích TP Thủ Đức cho biết chủ trương công ty không thu tiền gom rác tháng 13 đối với các hộ dân trên địa bàn phụ trách.
Còn đối với lực lượng thu gom rác dân lập, chị Nguyễn Thị Cẩm Linh (xã viên HTX Bình Tân) chia sẻ việc thu tiền tháng 13 không phải là chủ trương của chủ thu gom rác hay HTX. Đa số công nhân đi thu gom rác sẽ xin trực tiếp người dân. Hộ dân nào muốn thì cho và hoàn toàn không ép buộc. Ai có hành vi ép hay khó dễ thì sẽ chấn chỉnh ngay.
“Khi công nhân thu gom rác đã làm lâu năm ở một khu và luôn gom rác đầy đủ, sạch sẽ thì bà con khu vực đó tự nguyện cho họ thêm. Có thể có vài cá nhân hành xử không đúng làm xấu hình ảnh người làm rác. Tiền rác tháng 13 là gọi vậy, chứ thật ra đó là tiền “lì xì” của người làm nghề. Đó cũng là động lực lớn để công nhân có thể phấn đấu làm đến tận khuya ngày cuối năm”, chị Linh nói.
Theo chị Linh, lượng rác dịp Tết bao giờ cũng nhiều gấp đôi, thậm chí gấp 3 – 4 lần so với bình thường do bà con dọn nhà đón Tết. Những người thu gom rác làm việc vất vả quanh năm và đến 30 Tết vẫn còn làm. Sau đó được nghỉ ở nhà hai ngày và đến mùng 3 lại tiếp tục thu gom rác vì lo người dân để rác nhiều, bốc mùi hôi thối trước cửa nhà họ. 30 Tết thường là ngày vất vả nhất đối với người gom rác vì trong một ngày mà phải chạy gom rác một khu đến 2 – 3 lần mới hết.
Đại diện Công ty thu gom rác Phạm Công Chinh cho biết thêm việc thu tiền tháng 13 có thể một số người dân hiểu chưa đúng. Không phải là thu tháng 13, mà là thu thêm tiền phát sinh rác vào thời gian Tết.
Trong khi đó ông Đặng Văn Trường nhận định có chủ trương xin thêm tháng thứ 13. Tuy nhiên ông giải thích rõ hơn đa số công nhân HTX khó khăn, ông xin thêm được bao nhiêu chia ra đều cho họ có thêm một khoản tiền ăn Tết. Ông Trường khẳng định không giữ lại một “đồng bạc” nào khoản này cho riêng mình.
Các nơi thu gom rác ra sao?
Hà Nội: công nhân thu gom rác được ký hợp đồng, có lương, bảo hiểm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết đối với công tác thu gom, vận chuyển rác, vị này cho biết tại Hà Nội có 30 gói thầu, thuộc 30 quận, huyện, thị xã với 20 công ty vốn nhà nước và tư nhân tham gia theo phương thức đấu thầu trọn gói theo từng năm.
Qua thống kế, mỗi ngày TP thu gom được 7.200 – 7.500 tấn rác thải sinh hoạt để đưa đi xử lý.
“Người lao động trong lĩnh vực duy trì vệ sinh môi trường được ký hợp đồng với các công ty và được các công ty thực hiện trả các chế độ như tiền lương, bảo hiểm… và các chế độ khác theo quy định”, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói.
Hiện tỉ lệ rác được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt hơn 90%.
Đà Nẵng chưa có công ty tư nhân gom rác
Tại Đà Nẵng, dù địa phương này đã sớm phân cấp trong việc tổ chức thu gom rác và thực hiện đấu thầu tuy nhiên trúng thầu vẫn là Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng. Riêng tại quận Liên Chiểu, đơn vị trúng thầu là Công ty Môi trường đô thị Hà Nội – chi nhánh miền Trung (có vốn nhà nước) giai đoạn 2022 – 2024.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do lợi nhuận trong lĩnh vực vệ sinh đô thị không cao, thời gian thầu ngắn (ba năm) nên thiếu sức hút với nhiều công ty tư nhân. Ngoài ra một trong những lý do khiến các công ty khối dân lập khó trúng thầu vì nhiều yêu cầu khắt khe như: công ty phải có trụ sở tại địa phương, phải có con người, kinh nghiệm và phương tiện…
Theo ông Ngô Lê Quảng – giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội – chi nhánh miền Trung, hiện nay công ty là đơn vị duy nhất ngoài Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng (có vốn nhà nước) thực hiện gom rác trên địa bàn. Phí thu tính theo quyết định 33 của UBND thành phố Đà Nẵng, trong đó hộ dân trong kiệt là 25.000 đồng/tháng, người dân ngoài mặt đường là 30.000 đồng/tháng.
Chỉ tính riêng lao động trong lĩnh vực vệ sinh đô thị của công ty này có 150 lao động đóng BHXH và 50 lao động theo thời vụ phụ trách quận Liên Chiểu. Hiện nay lương bình quân của người lao động là khoảng 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên việc tuyển lao động ở địa phương này vẫn gặp khó khăn.
TP.HCM siết xe rác không chuẩn
TP.HCM sẽ siết xe rác thô sơ, xe kéo thùng rác chạy trên đường phố. Nhiều người thu gom cho biết việc này sẽ gây khó cho việc lấy rác ở hẻm nhỏ, xe lớn không vào được – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Sở Giao thông vận tải TP.HCM có công văn kiến nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tuyệt đối không để tình trạng sử dụng xe máy để thồ, kéo các xe rác, thùng rác chạy trên đường, gây cản trở, nguy hiểm và không đảm bảo an toàn giao thông cho những phương tiện khác.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM có công văn kiến nghị UBND các quận huyện, TP Thủ Đức tuyệt đối không để tình trạng sử dụng xe máy để thồ, kéo xe rác, thùng rác chạy trên đường gây cản trở, nguy hiểm và không đảm bảo an toàn giao thông.
Là người trong cuộc, ông Đặng Văn Trường, giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ môi trường Hiệp Phước, nhận định Nhà nước quyết định không cho xe lôi, xe tự chế thu gom rác chạy là rất khó cho người làm rác vì đặc thù TP.HCM có hẻm dài vài trăm mét xe lớn không vào được.
“Bên huyện Nhà Bè, một số anh em bị cảnh sát giao thông bắt rồi, quy định của Nhà nước làm anh em rất khó khăn”, ông Trường nói.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đến hết năm 2023, tổng số phương tiện thu gom hiện hữu của TP là 6.414 phương tiện (gồm 2.378 phương tiện không đạt chuẩn).
Quỹ Bảo vệ môi trường cho vay với hạn mức không quá 70% tổng mức đầu tư với mỗi dự án, lãi suất cho vay 4,27%/năm trong thời gian vay không quá 7 năm. Đối với các cá nhân thu gom rác có mong muốn học nghề khác để chuyển đổi nghề thì Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã thuộc Liên minh Hợp tác xã TP cho vay tín chấp không quá 60 triệu đồng.
Để người thu gom dân lập thấy lợi ích của hoạt động có tổ chức
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế – tài nguyên và môi trường TP.HCM, nhận định người thu gom rác dân lập có thể thu nhập nhiều hơn mức lương thật nhờ thu nhặt ve chai, phế liệu nhưng đây là nguồn bấp bênh không đều.
Về lâu dài đáp ứng sự phát triển xã hội, lực lượng này cần liên kết với nhau thành công ty, doanh nghiệp hay tham gia hợp tác xã. Đây là cách để họ chuẩn hóa con người, phương tiện đồng thời khi tham gia vậy sẽ đảm bảo các phúc lợi như bảo hiểm, lương, thưởng.
Còn chính quyền các địa phương cũng nên xem xét hỗ trợ họ một số phúc lợi khác như khám chữa bệnh, bảo hộ, vay vốn xóa nghèo…
Nếu lực lượng này đã gắn với lịch sử TP không thể bỏ được thì chuẩn hóa họ chuyên nghiệp, bài bản hơn. Cho họ thấy lợi ích khi tham gia các tổ chức sẽ được nhiều hơn mất. Từ đó họ sẽ tự tham gia.