Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2024, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam – Nhóm kỹ thuật Bình đẳng giới và bao trùm xã hội của Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP), cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế – IUCN (thông qua Chương trình đối tác chiến lược IUCN-PRO Việt Nam), đã tổ chức cuộc họp tham vấn tại Hội An về sự đóng góp của lưc lượng lao động phi chính thức (IWWs) trong giảm thiểu chất thải rắn; thảo luận các góp ý cho tiến trình đàm phán của Thỏa thuận Toàn cầu về ô nhiễm nhựa; đồng thời tích hợp khu vực phi chính thức vào quá trình thực hiện EPR, vào ngày 08.03.2024.
Hội thảo đã nhận được sự tham gia tích cực từ các cơ quan nhà nước, đơn vị nghiên cứu, thành viên của Nhóm Bình đẳng giới và Bao trùm xã hội (như đại diện từ Viện Chiến lược và chính sách (ISPONRE), Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, DONRE, UNDP, IUCN…), Văn phòng EPR Việt Nam, PRO Việt Nam, các nhà tái chế và đơn vị báo chí.
Điều 54, 55 của Luật bảo vệ Môi trường năm 2020 (LEP) và các văn bản hướng dẫn đã quy định chi tiết việc thực hiện EPR tại Việt Nam. Theo đó, hệ thống EPR được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho hệ thống quản lý chất thải, đặc biệt tác động đến việc thu gom, tái chế chất thải nói chung của lực lượng phi chính thức. Chính sách EPR sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống thu gom, phân loại và tái chế chất thải ở Việt Nam, mà một phần trong đó do khu vực phi chính thức đảm nhận.
Theo The Circulate Initiative (2023), trên toàn cầu, khoảng 60% lượng rác thải nhựa được thu gom và tái chế nhờ vào 20 triệu lao động phi chính thức, đa số là những nhóm dễ tổn thương nhất và bị bỏ ngoài lề của xã hội. Tại Việt Nam, khu vực phi chính thức, trong đó đến 90% thành phần là nữ giới, giúp thu gom hơn 30% các loại rác nhựa có thể tái chế, giảm bớt gánh nặng về tài chính cho các đơn vị thu gom chính thức và xa hơn là tiềm năng giảm thiểu chi ngân sách công cho việc thu gom và xử lý chất thải. Để hình thành nền kinh tế tuần hoàn nhựa và thực hiện các kế hoạch quốc gia, việc đảm bảo cho những người lao động phi chính thức có nhiều cơ hội cải thiện sinh kế và hỗ trợ họ chuyển dịch sang hệ thống quản lý chất thải chính thức là hết sức cần thiết.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, khuyến nghị “Khu vực phi chính thức phải được coi là một phần của bất kỳ giải pháp nào và có thể giúp các nhà sản xuất đạt mục tiêu tái chế dưới cơ chế EPR. Ngoài các lao động thu gom chất thải phi chính thức, khối này còn bao gồm một số lực lượng khác trong chuỗi giá trị nhựa như: vựa thu mua, cửa hàng phế liệu, người phân loại rác, thậm chí cả các hợp xã bán chính thức tại một số tỉnh thành. Vì vậy, tiếng nói của họ cần được lắng nghe và công nhận”. “EPR không chỉ được hiểu riêng như trách nhiệm của nhà sản xuất thực hiện tỷ lệ tái chế mà còn là trách nhiệm đối với con người xuyên suốt chuỗi giá trị chất thải, đặc biệt là những lao động phi chính thức, mà sinh kế của họ phụ thuộc chặt chẽ vào việc thu gom chất thải”.
Bà Khadija Jarik, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Canada, chia sẻ: “Ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề toàn cầu đòi hỏi các biện pháp cấp bách. Chúng tôi cam kết toàn diện để chấm dứt rác thải nhựa và ô nhiễm khi hướng tới nền kinh tế tuần hoàn nhựa. Các chương trình EPR là một công cụ chính sách hiệu quả trong hệ thống quản lý chất thải nói chung, theo đó, cần tính đến bối cảnh địa phương và khu vực cũng như vai trò quan trọng của lực lượng phi chính thức trong xử lý rác thải”.
Trưởng đại diện quốc gia của IUCN ở Việt Nam, Ông Jake Brunner, nhấn mạnh rằng: “Nhóm lao động nhặt rác, chủ yếu là phụ nữ, đang làm một công việc rất quan trọng là thu gom, vận chuyển và tiền xử lý các loại rác thải. Vì vậy, họ cũng đóng vai trò chính yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Thách thức ở đây là cải thiện điều kiện việc làm và gắn kết họ với hệ thống quản lý chất thải rắn chính thức. Điều này đòi hỏi cần phải thực hiện hiệu quả việc phân loại rác thải tại nguồn, mở rộng quy mô đầu tư công vào thu gom, xử lý chất thải, và thực thi các quy định về chống xả rác”.
Trước phiên họp, các đại biểu và Nhóm kỹ thuật thăm quan một số mô hình thử nghiệm như “Ngôi nhà Xanh” hay “Cửa tiệm Hạnh phúc” được thiết kế và phát triển bởi những “người hùng thầm lặng”- nhóm thu gom phế liệu ở thành phố Hội An. Việc hiểu rõ hoàn cảnh địa phương và thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo là phương thức tiếp cận để các thành viên Nhóm Bình đẳng giới và bao trùm xã hội NPAP có thể trao đổi, thông qua kế hoạch làm việc năm 2024, cũng như triển khai hoạt động thực tiễn tại các địa phương của Việt Nam.
(Theo IUCN)