Mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây, kinh tế tuần hoàn đã trở thành nội dung quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, như một giải pháp trọng tâm trong quản lý chất thải, tạo sinh kế và lợi ích kinh tế bền vững.
Theo Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để phát triển kinh tế nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Thành cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đặt trọng tâm vào việc phát triển kinh tế tuần hoàn, có thể kể đến như mô hình thủy sản tuần hoàn ở Trung Quốc, vườn nổi ở Bangladesh, kinh tế đảo xanh ở Hawaii, Mỹ…
Thực tế cho thấy, ứng dụng kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự vận dụng các mô hình, tìm kiếm giải pháp thích hợp cho mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi quốc gia, không thể “bê nguyên” mô hình của nơi này áp dụng vào nơi khác.
Do đó, hiện nay, nhiều mô hình thí điểm đang được triển khai để tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cũng như hiện trạng rác thải rắn, có thể kể đến như mô hình không rác thải tại Cù Lao Chàm, nhân rộng các mô hình quản lý rác thải tổng hợp tại Bình Định và Quy Nhơn…
Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) là một trong những đơn vị nỗ lực thúc đẩy các hoạt động thí điểm kinh tế tuần hoàn. Đại diện PRO Việt Nam cho biết sẽ tìm kiếm một mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả để nhân rộng ra cả nước.
Thí điểm kinh tế tuần hoàn tại Bà Rịa – Vũng Tàu
Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với hơn 300km đường bờ biển và khoảng 100 nghìn km2 diện tích thềm lục địa. Đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu sở hữu địa danh Côn Đảo là nơi có thế mạnh về kinh tế biển.
Theo PGS.TS Chu Ngọc Hồi, Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều cơ hội phát triển các ngành nghề kinh tế và đặc biệt có tiềm năng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đồng quan điểm với ông Hồi, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) cho biết, đây là địa phương có nhiều tiềm năng ứng dụng kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn cũng là giải pháp quan trọng để đảm bảo các lộ trình phát triển bền vững của tỉnh, với mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, bền vững và thịnh vượng, đồng thời giải quyết những nút thắt như ô nhiễm môi trường, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, thiếu hụt hạ tầng…
Ông Hồi cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn tại Bà Rịa – Vũng Tàu cần đặc biệt chú ý tới việc rà soát, điều trình quy hoạch sử dụng không gian biển để tránh chồng chéo, gây mâu thuẫn lợi ích.
Hoạt động thu hút đầu tư cũng cần được sàng lọc, tập trung ưu tiên những dự án xanh, thân thiện với môi trường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh cần chú trọng kiểm soát phát thải, tuyệt đối tránh đổ rác thải ra biển.
Một số ngành nghề mới có thể sẽ tạo đột phá cho kinh tế tuần hoàn có thể kể đến như thành phố thông minh, dược liệu biển, nghề cá giải trí, năng lượng tái tạo, logistics, đào tạo nhân lực biển chất lượng cao…
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương, phù hợp với yêu cầu thời đại hiện nay là phát triển bền vững.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đang đề xuất triển khai thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại huyện đảo Côn Đảo, địa phương được xem là một đầu tàu kinh tế của tỉnh. Như vậy, tiếp sau Hội An, lại có một điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng tầm quốc tế của Việt Nam triển khai ứng dụng kinh tế tuần hoàn.