Đứng trước tình trạng thiên nhiên đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, giải pháp 3R (reduce – tiết giảm, reuse – tái sử dụng, recycle – tái chế) được cả chính quyền các cấp cũng như nhiều doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Trong đó, công tác tái chế đóng vai trò vô cùng quan trọng, là cơ sở hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Đem lại nhiều giá trị thiết thực nhưng ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam vẫn vấp phải nhiều rào cản, dẫn đến tỷ lệ tái chế chưa cao, không đem lại hiệu quả đáng lưu tâm về cả kinh tế lẫn môi trường. Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư còn dè dặt trong việc tham gia vào thị trường tái chế.
Ông Nejat Çalışkan, Tổng giám đốc công ty Tetra Pak Việt Nam cho biết có 4 yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình tái chế rác thải.
Đầu tiên là cơ sở hạ tầng thu gom rác thải. Hoạt động thu gom rác thải ở Việt Nam lâu nay vẫn còn tồn đọng nhiều vướng mắc, dẫn đến khó khăn cho các công đoạn xử lý tiếp theo, bao gồm cả tái chế.
Hiện nay, lực lượng thu gom rác thải ở các tỉnh thành bao gồm cả thành tư nhân và nhà nước. Trong đó, các thành phần tư nhân đa số có quy mô nhỏ lẻ, sử dụng trang thiết bị thô sơ, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong hệ thống xử lý rác thải. Nhiều trường hợp xe thu gom rác thô sơ làm vương vãi rác thải ra đường phố hoặc tạo mùi khó chịu gây ra sự bức xúc của người dân.
Vừa qua, sự việc người dân chặn bãi rác Nam Sơn cũng nêu lên thực trạng nhức nhối trong công tác thu gom rác thải, do sự kém đồng bộ.
Bên cạnh đó, dù toàn xã hội đang khuyến khích việc phân loại rác thải tại nguồn nhưng nhiều đơn vị thu gom rác vẫn “vô tư” đổ lẫn tất cả rác thải chung với nhau, khiến việc phân loại rác trở nên vô ích.
Trước các vấn đề nêu trên, nhiều chuyên gia bày tỏ ý kiến về việc đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng thu gom rác thải để tạo cơ sở thúc đẩy các chính sách bảo vệ môi trường, đặc biệt là những quy định mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) như công cụ Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), thu phí dựa trên khối lượng rác thải…
Thứ hai là vấn đề về năng lực tái chế, bao gồm các yếu tố liên quan đến công nghệ và sáng kiến. Hiện nay, đảm nhận công tác tái chế rác thải có sự tham gia của nhiều lực lượng phi chính thức là các làng nghề tái chế. Yếu kém về công nghệ, lại thiếu nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, những làng nghề tái chế này đang tự biến bản thân thành những kẻ ăn không (free riders), bòn rút lợi nhuận từ việc phá hoại môi trường và cung cấp sản phẩm kém chất lượng.
Các làng nghề tái chế xuất hiện từ lâu và có những mối quan hệ, liên kết nhất định với lực lượng thu gom rác thải cả chính thức lẫn phi chính thức. Điều này gây ra sự khó khăn cho các đơn vị tái chế trong việc đảm bảo chất lượng khi không có nguồn cung ứng rác thải chất lượng cao làm đầu vào.
Đại diện của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho biết, một thách thức lớn nhất mà Liên minh gặp phải là do thị trường tái chế bị kiểm soát bởi những lực lượng phi chính thức.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tái chế vừa và nhỏ cũng gặp khó khăn trong công tác xử lý, vệ sinh rác thải và sản xuất sản phẩm, khi phải cân đối giữa vấn đề lợi nhuận và các khâu trong quá trình tái chế phải đảm bảo quy chuẩn về vệ sinh, không phát thải ô nhiễm, cho ra đời sản phẩm chất lượng.
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà một số ít đơn vị tái chế quy mô lớn, như Công ty giấy Đồng Tiến cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự.
Thứ ba là cơ hội thị trường cho các sản phẩm tái chế. Nhìn chung, thị trường tái chế ở Việt Nam vẫn chưa thực sự được đón nhận từ phía người tiêu dùng, chủ yếu là do những sản phẩm tái chế chất lượng thấp gây hại đến sức khỏe do các đơn vị tái chế yếu kém về năng lực sản xuất.
Ông Nejat Çalışkan cho rằng, các sản phẩm tái chế hoàn toàn có thể đạt được chất lượng cao và ứng dụng đa dạng với chi phí rẻ hơn nhiều so với sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, để kiếm được lợi nhuận cao từ hoạt động tái chế, giám đốc điều hành của Tetra Pak khuyên các doanh nghiệp cần phải thực sự thấu hiểu sản phẩm và cơ hội thị trường để có thể quyết định hướng tái chế.
Thứ tư là nhận thức của người tiêu dùng. Đây được xem là yếu tố tiên quyết và quan trọng hàng đầu để thiết lập chuỗi giá trị tái chế cũng như mô hình kinh tế tuần hoàn mà chính phủ và các doanh nghiệp thành viên của PRO Việt Nam mong muốn hướng tới.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho rằng, nhận thức về vấn đề rác thải của người tiêu dùng chưa cao cũng chính là cản trở lớn nhất cho ngành công nghiệp tái chế.
Theo đó, để quá trình tái chế diễn ra thuận lợi, các doanh nghiệp mong muốn người tiêu dùng không chỉ đổ rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn mà còn xử lý sơ qua những rác thải có thể tái chế được.
Tuy nhiên, điều này là bất khả thi nếu các đơn vị thu gom, tái chế không đưa ra được phương án thích hợp để khuyến khích người tiêu dùng, như trả thêm tiền khi thu gom nếu rác thải đã được xử lý sơ.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 1 năm thành lập PRO Việt Nam, ông Nejat Çalışkan cam kết rằng Tetra Pak, với tư cách là một doanh nghiệp hàng đầu thế giới về lĩnh vực cung ứng bao bì cũng như là thành viên của Liên minh, sẽ nỗ lực tăng cường công tác tái chế thông qua việc cải thiện 4 yếu tố kể trên.
Theo TheLEADER