Thế giới đang tiếp tục hướng tới những cuộc đàm phán mới để giải quyết khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Trên hành trình này, nhiều công cụ đã được đưa ra để thúc đẩy nỗ lực tái chế, giảm lãng phí và rò rỉ nhựa.
“Tôi cho rằng cả thế giới đang trở nên nghiện nhựa, theo một cách không chủ đích,” nhận định của bà Clemence Schmid – Giám đốc Đối tác Hành động Nhựa Toàn cầu (GPAP) khiến chúng ta giật mình về những thói quen nhỏ đang gây hại cho môi trường toàn cầu tới hàng trăm, hàng ngàn năm.
Dù nhựa đang ngày càng len lỏi vào đời sống, thậm chí xuất hiện trong cơ thể con người gây nên những tác hại khôn lường; các cuộc đàm phán về vấn đề ô nhiễm nhựa vẫn chưa có hồi kết, song những tin tức tích cực đầu năm 2025 mang đến hy vọng về việc giảm thiểu rác thải nhựa, tiến tới tuần hoàn nhựa.
Cuối tháng 1/2025, Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Trong hàng trăm các ngành nghề, mặt hàng cần chuyển đổi để thực hiện kinh tế tuần hoàn thì nhựa được điểm trong Danh mục các ngành, lĩnh vực ưu tiên, đặc thù; dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh; sản phẩm, vật liệu, chất thải và dịch vụ thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035.
Nhựa là 1 trong 9 ngành trong nhóm ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên khuyến khích áp dụng một hoặc nhiều biện pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035.
Các sản phẩm, vật liệu, chất thải liên quan đến nhựa được ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn gồm: Bao bì, sản phẩm làm từ nguyên liệu nhựa các loại PE, PP, PET, ABS, PVC, PP, PU…; Chất thải rắn, nước thải, khí thải của ngành nhựa. Ngoài ra còn có bao bì nhựa, kim loại, thủy tinh sử dụng cho đồ uống gồm bia, rượu, nước giải khát.
Thế giới đang nỗ lực đạt được một thoả thuận toàn cầu nhằm xử lý khủng hoảng nhựa. Ảnh: DUYTAN Recycling.
Chính phủ khuyến khích các ngành, lĩnh vực ưu tiên, đặc thù; loại hình dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh; sản phẩm, vật liệu, chất thải và dịch vụ, trong đó có ngành nhựa, áp dụng các biện pháp, yêu cầu để thực hiện kinh tế tuần hoàn sớm hơn so với lộ trình của Kế hoạch hành động quốc gia này.
Đó là điểm mới về chính sách. Còn về hành động cụ thể, Tổ chức Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) vừa công bố 6 mô hình thí điểm giảm nhựa có hiệu quả cao, khuyến khích thực hiện, nhân rộng tại các địa phương. Các mô hình được thực hiện tại Quảng Bình, Phú Yên, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Đà Nẵng. Các mô hình này thí điểm theo tiếp cận 5T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng, truyền thông, tăng cường quản lý).
Trên bình diện quốc tế, Quan hệ đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP) của Diễn đàn kinh tế thế giới vừa chào đón 7 thành viên mới – Angola, Bangladesh, Gabon, Guatemala, Kenya, Senegal và Tanzania. Như vậy, đến nay, GPAP hiện có 25 quốc gia và trở thành sáng kiến toàn cầu lớn nhất dành riêng để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm nhựa và thúc đẩy nền kinh tế nhựa tuần hoàn trên toàn thế giới. Cần nói thêm rằng, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia tiên phong triển khai mô hình NPAP từ năm 2020.
Cuộc đàm phán lớn nhất trên thế giới về ô nhiễm nhựa đã kết thúc vòng đàm phán cuối cùng (INC-5) tại Busan (Hàn Quốc) mà không đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, bà Clemence Schmid – Giám đốc Đối tác Hành động Nhựa Toàn cầu (GPAP) cho biết, bà vẫn chưa từ bỏ triển vọng của một thỏa thuận cuối cùng về nhựa. GPAP đang lên lịch cho cuộc họp INC-5.2 vào năm 2025.
Việc mỗi quốc gia như Việt Nam nỗ lực hoàn thiện chính sách, triển khai các mô hình giảm nhựa hay quốc tế cần đoàn kết, thống nhất hơn nhựa vì lợi ích chung đang giúp mỗi chúng ta “cai nghiện nhựa”, ngăn chặn tình trạng rò rỉ rác thải nhựa, chuyển đổi sang vật liệu bền vững và bảo vệ hệ sinh thái khỏi những tác động tiêu cực liên tiếp của nó.
Nguồn: Báo Nông nghiệp & Môi trường.