Ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch PRO Việt Nam
Trước thực trạng đô thị hóa nhanh, rác thải sinh hoạt ở các đô thị ngày càng lớn thì việc thu gom, phân loại và xử lý rác đã trở thành mục tiêu hàng đầu ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cùng với Chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia các giải pháp, chính sách thiết thực để đạt được mục tiêu chung, hướng đến phát triển bền vững.
Với mong muốn tiếp cận với cư dân đang sinh sống trong các chung cư ở TP.HCM để triển khai hoàn tất quy trình phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Novaland.
TheLEADER.vn đã có cuộc trao đổi với ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch PRO Việt Nam về vấn đề này.
Trong những đối tác và khách hàng của PRO Việt Nam thì Tập đoàn Novaland là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động ở lĩnh vực bất động sản. Vậy cách triển khai phân loại, thu gom rác tại nguồn có gì giống và khác so với những thành viên khác?
Ông Fausto Tazzi: Tập đoàn Novaland là thành viên đầu tiên của PRO Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, cho nên việc hợp tác với Novaland là ưu tiên của PRO Việt Nam. Một trong những khó khăn của việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua thu gom rác thải ở các tòa nhà chung cư chính là chất lượng rác thải được thu gom.
Tái chế rác thải đem về lợi ích kinh tế hay không là phụ thuộc vào chất lượng rác thu gom. Để có chất lượng rác thu gom tốt thì khâu phân loại rác đóng vai trò rất quan trọng, cần phân từng loại rác như giấy thì đi với giấy, chai lọ đi với chai lọ… Và các loại rác không được dính tạp chất khác như dầu, hóa chất hay chất bẩn.
Việc hợp tác cùng Tập đoàn Novaland sẽ giúp chúng tôi tiếp cận được cư dân sống tại chung cư do Novaland phát triển cũng như những siêu thị như SaiGon Co.op. Thông qua những đối tác này chúng tôi kỳ vọng có thể nâng cao ý thức cũng như hiểu biết của người dân về việc phân loại rác thải.
Việc phân loại rác thải đúng cách sẽ giúp chúng tôi thu được các loại rác thải tốt hơn, chất lượng cao hơn. Hiện hiện nay ở TP.HCM việc thu gom rác không được phân loại dẫn đến các loại rác thải không được tái chế hoặc có tái chế cũng không cho chất lượng cao.
Để Việt Nam có thể đạt được tầm nhìn với tiêu chuẩn xanh – sạch – đẹp thì người dân cần hiểu và biết cách phân loại rác. Từ mốc không một ai biết, đến việc phổ biến cho tất cả mọi người cùng biết cách phân loại rác thì phải trải qua những dự án như dự án PRO Việt Nam hợp tác với Novaland.
Thông qua việc hợp tác, PRO Việt Nam sẽ lắp đặt các hệ thống phân loại rác theo kỹ thuật và kinh nghiệm tại các chung cư do Novaland phát triển ở TP.HCM. Chúng tôi hi vọng, sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm dự án sẽ thành công và từ đó sẽ nhân rộng ra các ngành nghề khác, khu vực khác và toàn Việt Nam
Trước đây, TP.HCM từng thất bại trong việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn. Vậy PRO Việt Nam làm như thế nào thu hút người dân tham gia dự án cũng như giúp họ phân đúng loại rác, đạt chất lượng?
Ông Fausto Tazzi: Tôi không biết trước đây TP.HCM từng thất bại về việc phân loại rác thải tại nguồn như thế nào. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh vào cách làm của PRO Việt Nam.
Khi nói về dự án, mọi người thường tập trung vào cách hiểu biết phân loại rác của người dân nhưng thực ra nó có 3 yếu tố kết nối với nhau: hiểu biết và ý thức phân loại rác; các điểm thu gom rác phải sẵn sàng để mọi người đưa rác tới đó; hệ thông tái chế phải sẵn sàng để nhận rác đã phân loại để xử lý chứ không phải đưa rác quay trở về vị trí ban đầu hay một bãi rác nào đó.
Không chỉ ở Việt Nam, một số quốc gia khác đã thực hiện được bước đầu tiên về việc đào tạo được người dân trong việc phân loại rác nhưng sau đó rác lại được chở đi trên một chiếc xe. Việc vận chuyển như vậy sẽ làm cho rác lẫn vào nhau như ban đầu hoặc sau khi đem đến cơ sở xử lý rác nhưng không đủ kỹ thuật để tạo nên các sản phẩm có thể tái sử dụng được.
Với dự án hợp tác với Novaland thì PRO Việt Nam nhận thấy đây là điều kiện để kết hợp cả 3 yếu tố. Thứ nhất, người dân ở những dự án do Novaland phát triển đa số có ý thức cao, cách sống hiện đại.
Thứ hai là cơ sở vật chất của Novaland rất mới, có thể để các thùng rác đặt đúng nơi và cho xe tải chạy vào dễ dàng theo lịch trình cụ thể. Ngoài ra, chúng tôi cũng có các điểm xử lý rác ở gần các khu dân cư là dự án do Novaland phát triển nên có thể xử lý ngay tại đó.
Chúng tôi tin vào ý thức của người dân. Ai trong chúng ta cũng mong muốn làm điều gì đó tốt cho môi trường và cho các thế hệ mai sau. Chúng ta đã có các hệ thống phân loại rác rất dễ dàng, điều mà trước đó không đủ điều kiện thực hiện.
Điều quan trọng nhất không phải khuyến khích người dân hay cho họ một thứ gì để họ làm mà thiết lập một hệ thống để việc thu gom, phân loại rác trở nên dễ dàng hơn thì tất cả mọi thứ sau đó đều có thể thực hiện. Việc còn lại là cách chúng ta truyền thông cho người dân biết về hệ thống, lợi ích mang lại khi phân loại rác.
Dù lợi ích thiết thực của dự án là góp phần đem lại môi trường sống trong sạch cho người dân, tuy nhiên còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả của dự án. Sau khoảng 6 tháng đến 1 năm thí điểm chúng tôi sẽ cùng ngồi lại để đánh giá những điều đã đạt được và chưa đạt để có hướng giải quyết phù hợp nhất.
Giả sử dự án hợp tác cùng Tập đoàn Novaland thành công thì chiến lược phát triển thành viên, đối tác sau này của PRO Việt Nam sẽ như thế nào?
Ông Fausto Tazzi: Ở Việt Nam hiện nay các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội mới dừng ở mức tự nguyện, còn ở các nước khác đã là luật. Chính vì vậy, sắp tới Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành nghị định về trách nhiệm mở rộng của các doanh nghiệp, nhà sản xuất.
Đối với tầm nhìn của PRO Việt Nam, chúng tôi muốn hợp tác với những nhà phát triển bất động sản như Tập đoàn Novaland để thực hiện những dự án thí điểm như thế này. Nếu dự án này thành công, chúng tôi hi vọng có thể thu hút được sự chú ý và hợp tác với các đơn vị khác.
Novaland không phải là đối tác duy nhất chúng tôi hợp tác trong lĩnh vực bất động sản nhưng họ là đơn vị có sự sẵn sàng, hỗ trợ đầu tiên cho PRO Việt Nam nên chúng tôi chọn hợp tác với Navoland.
Một điểm cần nhấn mạnh là dự án thu gom rác này sẽ không bắt buộc người dân phải đóng phí hay việc bán các thành phẩm sau khi tái chế thì Novaland không thu lợi nhuận từ đó và cả PRO Việt Nam cũng vậy.
Triết lý hoạt động của PRO Việt Nam là dựa trên tinh thần tự nguyện. Chẳng hạn như ông chủ tịch của nhãn hiệu nước Lavie nhận thấy khi họ kinh doanh tại Việt Nam sẽ tạo ra một lượng lớn rác thải ra môi trường. Vì vậy họ cần có trách nhiệm đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và trả lại môi trường như khi họ chưa đến, đây được xem như trách nhiệm của người làm kinh doanh.
Nếu nói như vậy Novaland chỉ đóng vai trò trung gian chứ không phải chủ thể chính được hưởng lợi?
Ông Fausto Tazzi: Đúng vậy, chủ thể chính được hưởng lợi ở đây là người dân đang sinh sống ở những chung cư do Novaland phát triển tham gia phân loại rác tại nguồn.
Mô hình chiếc thùng thu gom vỏ hộp giấy PRO Việt Nam dự kiến đặt tại các chung cư
Vậy vai trò của PRO Việt Nam trong mối liên kết (người tạo ra rác – người thu gom phân loại – người tái chế rác) là như thế nào?
Ông Fausto Tazzi: Ý tưởng của PRO Việt Nam khi tạo ra liên minh với các thành viên trong đó thì chúng tôi đóng vai trò kết nối họ lại với nhau nhằm tạo ra một hệ thống hoàn chỉnh.
Khi thực hiện công việc này không đem lại lợi nhuận cho PRO Việt Nam mà ngược lại chúng tôi còn phải đầu tư vào các dự án đó. Trong tương lai chúng tôi hi vọng sẽ có nhiều đơn vị đầu tư vào các dự án giống như PRO Việt Nam.
Hiện tại PRO Việt Nam chỉ tập chung vào một số rác thải như chai nhựa, lon nhôm, bao bì… chúng tôi không đủ tài chính để đầu tư vào các nguyên liệu khác như là pin, bóng đèn. Thông qua dự án này chúng tôi hy vọng sự tiên phong của mình sẽ tạo ra sự chú ý cũng như sự khích lệ để các đơn vị khác đầu tư vào các dự án tương tự.
PRO Việt Nam hiện chúng tôi có các công ty nước giải khát như Lavie, Coca Cola, Pepsi. Có thể nói, các công ty này cạnh tranh nhau trên thị trường về sản phẩm, chất lượng, quảng cáo và tất cả mọi thứ, nhưng ở khía cạnh thu gom chai, lọ thì họ cần hợp tác với nhau. Hệ thống thu gom chai nhựa của Lavie cũng cần phục vụ cho Coca Cola và Pepsi. Đó là lý do chúng tôi cần ngồi lại với nhau và tạo nên một tổ chức PRO Việt Nam.
Trong tương lai tổ chức của chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây mà sẽ có thêm nhiều thành viên mới và mở rộng và chuyên nghiệp hơn. Trong tương lại tôi sẽ không còn là người đại diện để trả lời truyền thông nữa mà sẽ có công ty chịu trách nhiệm vận hành hệ thống mang lại giá trị bền vững cho tất cả các thành viên đã thành lập nên nó.
Như vậy, có thể thấy những thành viên sáng lập không có chủ đích sở hữu và vận hành PRO Việt Nam, không thu lại lợi nhuận từ hệ thống này. Mục đích của họ là làm cho hệ thông lớn mạnh và dần dần chúng tôi sẽ rút khỏi PRO Việt Nam khi nó hoạt động vững chắc.
Xin cám ơn ông!