DNTH: Triễn lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt “túi xanh đi chợ” diễn ra vào ngày 17/7 tới đây tại Big C Thăng long, Trần Duy Hưng, Hà Nội là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động cộng đồng “mua sắm không dùng túi ni-lông”, với thông điệp thúc đẩy túi tái sử dụng để loại bỏ túi ni – lông tại các chuỗi cửa hàng/ siêu thị bán lẻ nhằm hướng tới tiêu dùng bền vững do Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (ProVietnam) phối hợp cùng Touch (Dự án phim cộng đồng) thực hiện.
Phóng viên Kim Thuý đã có cuộc trò chuyện bên lề triễn lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt “túi xanh đi chợ” với biên kịch, nhà sản xuất phim CSR (CSR được viết tắt bởi cụm từ Corporate Social Responsibilities – trách nhiệm xã hội doanh nghiệp) chị Ann Nt (tên thật là Nguyễn Trần Thanh Thủy) đồng thời là nhà sáng lập Touch (Dự án phim cộng đồng) và cũng là người đại diện cho chuỗi hoạt động cộng đồng “mua sắm không dùng túi ni-lông” để cùng nghe chị chia sẻ nhiều hơn về công việc ý nghĩa và đầy nhân văn này.
Phóng viên: chào chị Ann Nt, trước khi trao đổi với chị nhiều hơn về chuỗi hoạt động cộng đồng “mua sắm không dùng túi ni-lông” cùng triễn lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt “túi xanh đi chợ” diễn ra vào ngày 17/7 tới, chị có thể sẻ một chút về mình được không ạ?
Biên kịch, nhà sản xuất phim CSR Ann Nt: chị là một nhà làm phim CSR, sau nhiều năm được cộng tác với các Tổ chức phi Chính phủ, chị đã rất may mắn được tham gia vào quá trình sản xuất các phim phục vụ lợi ích vì cộng đồng. Sau quá trình được làm việc và học hỏi đó, chị đã có rất nhiều dự định và mong muốn được đóng góp cho cộng động, cùng những những kiến thức xã hội tích lũy được trong các dự án đã thực hiện, chị đi đến một quyết định thử thách hơn đó là, tập hợp các nhà làm phim có cùng chung ý tưởng và mong muốn được đóng góp cho cộng đồng thành lập dự án mang tên Touch (Dự án phim cộng đồng). Đối với Touch, nhóm tập trung sản xuất các phim và video mang thông điệp ý nghĩa nhằm giữ gìn và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Touch còn quan tâm và chia sẻ các vấn đề khác của xã hội như: ung thư, an toàn giao thông, gia đình và trẻ em…
Touch được hoạt động dựa trên cơ chế đồng thuận và hưởng ứng chung, thông qua các kế hoạch của dự án/chiến dịch được lên lịch trình cụ thể, từ đó đi tìm các nguồn hỗ trợ và kêu gọi hành động, đồng hành từ các nhà tài trợ cho mỗi dự án/chiến dịch được triển khai.
Phóng viên: từ đâu Touch có ý tưởng sẽ làm dự án về chuỗi hoạt động cộng đồng “mua sắm không dùng túi ni-lông” mang đầy tính nhân văn nhằm bảo vệ môi trường trong giai đoạn này?
Biên kịch, nhà sản xuất phim CSR Ann Nt: Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường – ISPONRE (Viện) biết tới Touch thông qua các chuỗi các phim ngắn do Touch sản xuất về môi trường như: tiết kiệm điện; tiết kiệm nước; bảo vệ rừng; thời trang bền vững và nói không với túi ni – lông vào năm 2020. Chính vì thế, nên năm nay Viện đã liên hệ Touch cùng tham gia với Viện vào việc viết nội dung và lên kế hoạch thực hiện cho chuỗi hoạt động cộng đồng lần này.
Phóng viên: được biết, dự án được thực hiện ở nhiều nơi, không chỉ thực hiện chụp ảnh, dàn dựng quay video, mà còn có cả những phụ kiện, dụng cụ thực hiện kèm theo. Vậy với dự án lần này có mất nhiều chi phí và Touch đã kêu gọi sự hỗ trợ từ đâu? Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn được không?
Biên kịch, nhà sản xuất phim CSR Ann Nt: đối với chuỗi hoạt động này, Touch đã lên kế hoạch thực hiện gồm các công việc: sản xuất một phim ca nhạc và một phim ngắn cùng chủ đề “nói không với túi ni-lông”, thực hiện hai cuộc triển lãm ảnh là “túi xanh đi chợ” và triển lãm ảnh “nói không với nhựa dùng một lần”.
Theo đó, nguồn kinh phí để thực hiện dự án do Viện chiến lược chính sách tài nguyên môi trường – ISPONRE, Liên minh tái chế báo bì Việt Nam cùng nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á hỗ trợ (chiếm 80% kinh phí). Số còn lại, do các thành viên của Touch và những người yêu môi trường như nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương, hoạ sĩ Mai Tâm, các nhà báo, phóng viên cùng những người bạn tham gia đóng góp bằng công sức. Tuy nhiên, tổng ngân sách của chuỗi hoạt động cộng đồng được xây dựng theo mức kinh phí cộng đồng, nhiều phần kêu gọi hỗ trợ nên tổng ngân sách rất rất nhỏ…
Phóng viên: theo như thông tin về dự án, thì chuỗi hoạt động cộng đồng “mua sắm không dùng túi ni – lông” được kéo dài và xuyên suốt hai tháng, bắt đầu từ tháng 6, là nhà sáng lập của Touch, động lực nào giúp chị có thể hoàn thiện các khâu cho dự án và đồng hành?
Biên kịch, nhà sản xuất phim CSR Ann Nt: sau khi lên ý tưởng và nội dung cho hoạt động, chị bắt đầu lên danh sách liên hệ đến những người bạn tài năng mà chị biết, những người bạn sẵn sàng chung tay cùng Touch vì các hoạt động cộng đồng trong đó có: nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương, họa sĩ Mai Tâm. Sau đó, cả nhóm cùng lên kịch bản chi tiết cho chuỗi hoạt động lần này. Song song đó, chị được rất nhiều các bạn sinh viên yêu môi trường hỗ trợ, cùng tham gia vào các khâu chuẩn bị cho hoạt động như thu gom đồ tái chế cho triển lãm và nghệ thuật sắp đặt… những người bạn đó chính là những người đã truyền cảm hứng cho chị và Touch rất nhiều. Chị rất biết ơn cuộc đời đã cho chị gặp được những người dễ thương như vậy, để thấy trong cuộc sống còn rất nhiều điều ý nghĩa…
Phóng viên: với gần hai tháng triển khai và sắp đến ngày triển lãm ảnh được diễn ra, chị có cảm xúc ra sao trong suốt hành trình thực hiện chuỗi hoạt động này?
Biên kịch, nhà sản xuất phim CSR Ann Nt: đây là một hành trình của nhiều người em à, của cả em – những người đang đưa tin về chuỗi hoạt động này. Chị nghĩ các bạn của chị và em và những anh chị từ Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, hay Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đều mong muốn rằng triển lãm sẽ ít nhiều chạm tới cảm xúc và suy nghĩ của tất cả mọi người, nhất là những người nội trợ, những khách hàng đang đi mua sắm tại các siêu thị/cửa hàng. Chị không kì vọng mọi người thay đổi ngay nhưng chị hy vọng với những gì Touch và chuỗi hoạt động đó đem lại, mỗi người trong chúng ta sẽ là một kênh truyền thông, là cầu nối mang những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, truyền cảm hứng đến mọi người dân trong thói quen mua sắm, dần dần, từng bước, từ bỏ thói quen sử dụng túi ni – lông để chuyển sang sử dụng túi dùng nhiều lần, an toàn với môi trường. Và một điều chị cảm thấy rất vui, bởi trong quá trình thực hiện, chị luôn được những người bạn xung quanh truyền cảm hứng và học hỏi nhiều điều từ những người bạn đó. Sự đồng điệu đến mức, chỉ cần chị nói ra ý tưởng những người bạn của chị sẽ giúp chị hoàn thiện ý tưởng thành hành động.
Phóng viên: trong quá trình thực hiện dự án chuỗi hoạt động cộng đồng “mua sắm không dùng túi ni-lông”, kỷ niệm nào để lại nhiều cảm xúc và khiến chị đáng nhớ nhất?
Biên kịch, nhà sản xuất phim CSR Ann Nt: đối với dự án lần này có quá nhiều kỷ niệm đẹp và thực sự xúc động đối với chị và nhóm thực hiện. Lựa chọn bối cảnh quay tại siêu thị nên ekip phải thực hiện quay đêm khi siêu thị không còn khách hàng mua sắm. Vào ngày onset, gần như các nghệ sĩ và diễn viên và những người thực hiện không ai chuẩn bị tinh thần là sẽ quay hết đêm. Tất cả ekip chỉ nghĩ sẽ quay các tiểu cảnh trong khoảng thời gian 1 – 2 tiếng và đến 2h sáng sẽ xong. Nhưng khi đồng hồ điểm tới 3 – 4 giờ sáng mà vẫn chưa xong các cảnh quay và ghi hình, nhìn ai cũng trong tâm thế thèm ngủ, nhưng không ai bảo ai, mọi người tự động viên nhau để cố gắng. Cuối cùng, ekip quay xuyên đêm đến 7 giờ sáng hôm sau, lúc đó mọi người đều qua cơn buồn ngủ. Cùng nhau thực hiện một công việc mang nhiều ý nghĩa và xuyên qua một đêm, lúc này, cơn buồn ngủ cũng tiêu tan, mọi người bắt đầu tìm hiểu, xíc lại gần nhau hơn, chia sẻ với nhau những giá trị ý nghĩa trong cuộc sống. Một điều vui nữa là, khi ekip hô đóng máy lúc 7h30 sáng thì không ai muốn về nữa… đó là một kỷ niệm rất xúc động và ý nghĩa đối với tất cả ekip thực hiện.
Phóng viên: là người gắn bó nhiều năm với các dự án về cộng đồng và các dự án về bảo vệ môi trường, đối với dự án lần này, chị có gì nhắn nhủ với mọi người thông qua thông điệp “túi xanh đi chợ, nội trợ thông minh” nhất là chị em nội trợ, người sử dụng nhiều hơn 1 lần loại sản phẩm tiện lợi này mỗi ngày?
Biên kịch, nhà sản xuất phim CSR Ann Nt: suốt quá trình thực hiện chuỗi hoạt động lần này, được nhìn thấy những chị em nội trợ mang theo túi vải, bị cói hay làn đi chợ, chị thấy họ thật đẹp, nhân văn, thông minh và tinh tế lắm! Chị hi vọng rằng, trong thời gian tới, ngày càng có nhiều người “đẹp và tinh tế” như vậy. Chị rất thích hình ảnh của em và cách em hướng dẫn con trai đi chợ với giỏ. Cảm ơn em và bé đã đồng hành cùng dự án.
Phóng viên: thêm một chút bật mí nữa, chị có ấp ủ nào về các dự án tiếp theo?
Biên kịch, nhà sản xuất phim CSR Ann Nt: chị và những người bạn vẫn còn nhiều mối quan tâm về ni-lông và nhựa dùng một lần lắm nên chắc chắn sẽ còn nhiều hoạt động về chủ đề này nữa trong năm nay.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện ý nghĩa này, chúc Touch và chuỗi hoạt động cộng đồng “mua sắm không dùng túi ni-lông” mà cụ thể là triễn lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt “túi xanh đi chợ” diễn ra vào ngày 17/7 tới đây tại Big C Thăng long, Trần Duy Hưng, Hà Nội thành công và lan toả được thông điệp nhân văn, tốt đẹp.
Một số hình ảnh hậu trường và ảnh thực hiện của ekip.
Kim Thuý – Ảnh: NAG Trương Đại Dương